Tổng cục Hải quan: 14/58 “bạn hàng” của Asanzo đã bỏ trốn

VietTimes -- Tổng cục Hải quan vừa có thông cáo liên quan việc kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh về CTCP Tập đoàn Asanzo (Asanzo).

Cụ thể, cơ quan này cho biết, từ ngày 1/1/2017 đến 30/6/2019, Asanzo đã có quan hệ mua hàng với 58 công ty, trong đó có 9 công ty mang tên “Asanzo”, bao gồm: (1) Công ty CP Công nghệ cao Asanzo, (2) Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo, (3) Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo, (4) Công ty CP Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo, (5) Công ty CP Viễn thông Asanzo, (6) Công ty CP Đầu tư Asanzo, (7) Công ty CP Điện Tử A Sanzo Việt Nam, (8) Công ty TNHH Đầu Tư Sản Xuất Phương Nguyên Asanzo, (9) Công ty TNHH Truyền thông Asanzo.

Qua kiểm tra, xác minh, Tổng cục Hải quan đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Asanzo. Tuy nhiên, chỉ còn 32 công ty đang hoạt động, 14 công ty bỏ trốn. Các công ty khác đã không còn hoạt động hoặc địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật.

Từ 20/10/2016 đến 30/6/2019, Asanzo làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan với tổng kim ngạch nhập khẩu là 171,6 triệu đồng. Trên các tờ khai, hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

Đáng chú ý, cũng trong giai đoạn này, Asanzo không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh duy nhất 1 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuyếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hồng Kông, Trung Quốc.

Trước đó, Asanzo đã công bố nội dung biên bản làm việc giữa công ty và tổ công tác của VCCI diễn ra vào chiều ngày 25/7/2019.

Theo đó, các chuyên gia của VCCI cho biết hiện nay pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết (như FTA Asean – Trung Quốc) chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, xuất xứ hàng hóa nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của công ty Asanzo.

Cũng theo biên bản làm việc này, các chuyên gia của VCCI đã kết luận rằng “đối với trường hợp sản phẩm điện tử của Công ty Asanzo lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi nhãn hàng hóa “sản xuất tại Việt Nam”, “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hay “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”.

Ngày 30/8/2019 vừa qua, Asanzo đã phát đi thông báo về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh (ngoại trừ việc bảo hành sản phẩm cho khách hàng) sau 70 ngày kể từ ngày xuất hiện cáo buộc tập đoàn này gian lận xuất xứ sản phẩm./.