Toàn cảnh tuần từ 7-13/11: Kinh tế số bao trùm Tuần lễ cấp cao APEC 2017

VietTimes -- Kinh tế số bao trùm Tuần lễ cấp cao APEC 2017. Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật An ninh Mạng. Nguy cơ doanh nghiệp bị tấn công mạng trong cách mạng công nghiệp 4.0. Cần có sự hợp tác giữa ngân hàng và công nghệ tài chính.  
Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull và Giám đốc Tác nghiệp (COO) Facebook – bà Sheryl Sandberg Trong phiên thảo luận về “Kết nối và Cộng đồng trong thế giới ứng dụng công nghệ” tại APEC 2017. (ảnh: báo Đấu Thầu)
Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull và Giám đốc Tác nghiệp (COO) Facebook – bà Sheryl Sandberg Trong phiên thảo luận về “Kết nối và Cộng đồng trong thế giới ứng dụng công nghệ” tại APEC 2017. (ảnh: báo Đấu Thầu)

Tuần qua tại Đà Nẵng đã diễn ra Tuần lễ cấp cao APEC 2017 và trong bài phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho biết, Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á - Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Việt Nam cũng là nước kết nối di động cao với khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu khu vực về số người sử dụng điện thoại di động. Đây vừa là một nền tảng quan trọng vừa là cơ hội lớn để giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các sản phẩm, dịch vụ của mình đến lượng khách hàng tiềm năng lớn của Việt Nam.

Cũng trong khuôn khổ APEC 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hiệp hội các đại học vành đai Thái Bình Dương và ĐHQG Hà Nội đã phối hợp tổ chức Diễn đàn lãnh đạo các đại học APEC 2017. Các thách thức mà giáo dục đại học phải đối mặt trong quá trình trang bị các kỹ năng cần thiết cho sinh viên để trở thành nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Cách tiếp cận của khu vực tư nhân đối với sự thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh APEC (CEO Summit) 2017 cũng đã bàn thảo sâu về tác động cũng như thời cơ mới mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem tới. Ông Nicolas Aguzin - Chủ tịch kiêm CEO của JP Morgan châu Á - Thái Bình Dương nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chắc chắn sẽ mở đường cho robot tiến vào nhà máy, văn phòng cho không ít loại hình công việc khác nhau. Tuy nhiên theo ông, robot không cướp việc của con người bởi nhiều việc làm mới sẽ xuất hiện”.

Trong phiên thảo luận về “Kết nối và Cộng đồng trong thế giới ứng dụng công nghệ”, Thủ tướng Australia - Malcolm Turnbull và Giám đốc Tác nghiệp (COO) Facebook – bà Sheryl Sandberg đều cho rằng công nghệ đã giúp cải thiện cuộc sống của con người. Bà Sandberg cho rằng công nghệ sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn. Với mỗi công việc bị mất đi bởi công nghệ, 4 công việc khác sẽ được tạo ra. Khi mọi người được kết nối, được trang bị kỹ năng số, họ sẽ có việc làm. Ông Turnbull cũng đồng tình với quan điểm này và nhận định một thập kỷ gần đây, thế giới đã có nhiều thay đổi, nhờ công nghệ, cụ thể là các thiết bị di động hiện đại. Nhiều người được sử dụng internet và smartphone. Việc này đã thúc đẩy thương mại, tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Bà Sheryl Sandberg cũng khẳng định "công nghệ đã giúp mọi người thay đổi suy nghĩ và có cuộc sống tốt hơn". Tuy nhiên, thách thức đặt ra là mọi người cần được kết nối và cải thiện kỹ năng số.

Ngày 13/11, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật An ninh Mạng. Phát biểu trước thềm sự kiện này, ông Vũ Hoàng Liên – Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng: “Phải đặt mục tiêu tạo điều kiện để phát triển. Khái niệm phát triển phải hiểu là không được để tụt hậu, vì như thế đồng nghĩa với mất thị trường cả trong nước và nước ngoài vì các điều kiện quá sức chặt chẽ sẽ tự đẩy các doanh nghiệp nội vào thế khó”. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan soạn thảo xác định đây là vấn đề an ninh phi truyền thống. Vấn đề này hiện nhận được sự quan tâm của quốc tế, các diễn đàn song phương, đa phương, Liên hợp quốc, Liên minh nghị viện thế giới, các tổ chức quốc tế, khu vực... Vấn đề an ninh mạng không quốc gia nào trên thế giới không phải xử lý. Đây là vấn đề đòi hỏi có sự đoàn kết thống nhất giữa các quốc gia. Trái với các quan điểm của nhiều đại biểu, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, lại ủng bộ với việc tăng cường quản lý, ngăn chặn thông xin xấu độc. “Luật An ninh mạng cần ngăn chặn hành vi thông tin xấu độc và phải phạt nặng hành vi lừa đảo người tiêu dùng Việt Nam, cũng như có biện pháp quản lý tốt nhất, chặt chẽ thông tin của các nhà cung cấp Facebook, Goolge”, ông Thịnh nói. Theo ông Thịnh, nếu việc cung cấp thông tin mang tính chất nhạy cảm về chính trị thì nhất thiết phải đặt máy chủ ở Việt Nam.  

Ngày 9/11, tại Hội nghị Quốc gia An ninh mạng 2017 do Cục An ninh mạng - Bộ Công An; Cục An Toàn Thông Tin - Bộ Thông tin và Truyền thông; Cục Quản lý Mật mã Dân sự và Kiểm định Sản phẩm mật mã - Ban Cơ yếu chính phủ và Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG) phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã cảnh báo và đưa ra nhiều giải pháp về bảo mật cho doanh nghiệp. Cảnh báo nguy cơ tấn công mạng doanh nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0, Đại tá Trần Văn Hòa, Học Viện An ninh nhân dân cho rằng, nguy cơ bị tấn công từ truy cập không dây, như: wifi công cộng, wifi của các doanh nghiệp dễ bị lộ mật khẩu để các đối tượng tấn công; nguy cơ từ thiết bị công nghệ vạn vật kết nối, từ phần cứng không nâng cấp, cập nhật; không kiểm tra an ninh, không có tường lửa bảo vệ… Từ đó dẫn đến nguy cơ tấn công mạng, gồm: Nguy cơ tắc nghẽn đường truyền; nguy cơ xâm nhập trái phép, lấy cắp phá hoại dữ liệu; nguy cơ bị cài mã độc, nguy cơ bị tấn công, chiếm đoạt tài sản trí tuệ và nguy cơ phát tán thông tin nhạy cảm. Ông Vũ Văn Xứng, Cục trưởng Cục Quản lý mật mã Dân sự và kiểm định sản phẩm mật mã, Ban Cơ yếu Chính phủ cho rằng, trong thời đại cách mạng 4.0, để hoạt động bảo vệ, đảm bảo bí mật an toàn, an ninh thông tin đạt hiệu quả, Ban cơ yếu Chính phủ tiếp tục chủ trì phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện khung pháp lý về quản lý bảo mật, an toàn thông tin…

Công nghệ tài chính (Fintech) được nhận định là xu hướng phát triển tất yếu nhưng cũng là thách thức của ngành ngân hàng. Vì thế, tại hội thảo quốc tế thường niên bàn về cơ hội, thách thức giữa ngân hàng và Fintech diễn ra sáng 10.11, các chuyên gia cho rằng cần có định hướng, phương pháp để sự hợp tác giữa ngân hàng và Fintech thuận lợi, đem lại hiệu quả cao. Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, Fintech còn là lĩnh vực mới mẻ nhưng đã phát triển trong thời gian gần đây với hơn 70 công ty hoạt động đa dạng trên các mảng dịch vụ tài chính, ngân hàng. Về phía ngân hàng, sự hợp tác với các công ty Fintech đã mang tới những đổi mới, sáng tạo, giúp cải tiến và thay đổi căn bản nhiệm vụ ngân hàng truyền thống, giúp các ngân hàng có những đầu tư nhất định nhằm thay đổi cách thức phục vụ truyền thống. Fintech có nhiều lợi ích về công nghệ, mô hình kinh doanh sáng tạo nhưng lại chưa có nhiều kinh nghiệm, hạn chế trong việc tiếp cận khách hàng, trong khi đó, ngân hàng truyền thống lại có thế mạnh về mạng lưới khách hàng, nguồn nhân lực, bộ máy kiểm soát tuân thủ pháp lý chắc chắn. Chưa kể, hành lang pháp lý hiện hành dành cho hoạt động của Fintech còn hạn chế.