Toàn cảnh tuần từ 31/10 đến 6/11/2017: Thanh toán điện tử sẽ phổ cập như điện thoại di động

VietTimes -- Thanh toán điện tử sẽ nhanh chóng phổ cập như điện thoại di động. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Chủ tịch tập đoàn Alibaba. Mã số định danh cá nhân sẽ thay thế hộ khẩu. Google và Facebook sẽ phải đặt máy chủ ở Việt Nam: Tại sao không? Nền tảng chữ ký số rất quan trọng trong xây dựng Chính phủ Điện tử. Tái định nghĩa để khai thác tối ưu tiếp thị di động "thời 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jack - Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. (ảnh Vn Express)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp ông Jack - Chủ tịch tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. (ảnh Vn Express)

Sáng 6/11, Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017 (VEPF) đã chính thức diễn ra tại Hà Nội với chủ đề bao trùm “Mobile Payment – nhân tố thúc đẩy nền thanh toán không dùng tiền mặt”.

Phát biểu tại VEPF, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, thanh toán di động đã đem lại cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, với chi phí phải chăng cho hàng trăm triệu người thu nhập thấp. Sự xuất hiện của thanh toán di động đã giúp cộng đồng thu nhập thấp tham gia và có cơ hội hưởng lợi trực tiếp từ những thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Phó Thủ tướng tin tưởng, thanh toán di động sẽ nhanh chóng bùng nổ và phổ cập ở Việt Nam như đã làm được với điện thoại di động hơn 10 năm trước. Chính phủ sẽ có nhiều giải pháp tạo thuận lợi và thúc đẩy thanh toán di động.

Sáng cùng ngày, Thủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Chủ tịch Tập đoàn TMĐT Alibaba, ông Jack Ma – một trong các khách mời quan trọng của VEPF. Thủ tướng hy vọng, ông Jack Ma sẽ truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam khi mà thanh niên đang rất hào hứng chờ đón.

Ông Jack Ma khẳng định, Alibaba mong muốn hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh phát triển TMĐT, phát triển các hình thức thanh toán online và cho biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, đoàn cán bộ Alibaba sẽ ký thỏa thuận hợp tác về TMĐT và KHCN với phía Việt Nam.

Thủ tướng cho rằng, việc Alibaba có mặt lần này là tín hiệu đáng mừng đối với sự phát triển TMĐT của Việt Nam và đã giao các bộ, ngành làm việc với Alibaba để hiện thực hợp tác. Việt Nam rất mong muốn Alibaba giúp thiết lập một hệ sinh thái giúp nông dân, các tiểu thương vừa và nhỏ của Việt Nam có thể xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Thủ tướng mong ông Jack Ma sẽ hỗ trợ phong trào khởi nghiệp của Việt Nam, đầu tư vào các quỹ cho khởi nghiệp.

Cũng trong ngày 6/11, Tỷ phú Jack Ma, đã có buổi giao lưu trực tiếp với thanh niên, sinh viên Việt Nam. Ông đã thẳng thắn chia sẻ, gia đình mình không giàu có, trong tay cũng chẳng có công nghệ, nhưng cuối cùng ông đã làm nên tất cả chỉ với "bàn tay và khối óc".

Đối với tỷ phú này, thất bại không quan trọng, quan trọng bài học rút ra từ những sai lầm trong cuộc sống. Theo Jack Ma, khi thất bại, bạn nhất định không được bỏ cuộc vì nếu bỏ buộc là bạn đã làm mất đi một cơ hội, nếu bạn tiếp tục bước tiếp thì cơ hội vẫn còn.

Theo ông chủ Alibaba, thành công không dễ gì có được, cái giá phải trả cho nó là những thất bại, sai lầm.

Một sự kiện quan trọng nữa là Chính phủ mới có nghị quyết 112/NQ-CP, trong đó có nội dung bãi bỏ hộ khẩu nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, thủ tục đăng ký thường trú sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Thông tin này ngay lập tức đã được dư luận quan tâm và để xã hội hiểu rõ, Bộ Công an đã họp báo. Trung tướng Trần Văn Vệ – quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Nhân dân cho biết, sau khi cập nhật xong dữ liệu Bộ Công an sẽ tiến tới đề xuất bỏ sổ hộ khẩu. Theo ông Vệ, các quốc gia trên thế giới không nước nào bỏ việc quản lý dân cư cả. Sau này mỗi công dân chỉ cần một thẻ căn cước công dân.

Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an xây dựng vừa nhận được góp ý từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) với nhiều ý kiến không tán đồng với nội dung cơ quan soạn thảo đưa ra.

Trong văn bản góp ý của VCCI gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội mới đây, VCCI phản ứng khá mạnh về Khoản 4 Điều 34 trong Dự thảo Luật An ninh mạng trong nội dung yêu cầu doanh nghiệp (DN) nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng tại Việt Nam.

VCCI cho rằng, điều kiện này hiện trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Đồng thời, nếu quy định này bắt buộc DN thì họ sẽ phải đầu tư hệ thống máy chủ khổng lồ tại Việt Nam mới có thể được kinh doanh.

Tuy nhiên, trên thực tế là Google đã thiết lập máy chủ ở Việt Nam và Facebook cũng đang cân nhắc. Có ý kiến cho rằng, Facebook vẫn sẽ tuân thủ luật An ninh mạng dựa trên các quyền lợi kinh tế của họ. TS Mai Anh, đại biểu Quốc hội khóa XI, Chủ tịch Hội Tin học Viễn thông Hà Nội thì cho rằng nên tích hợp dự thảo luật An ninh mạng vào Luật An toàn thông tin năm 2015 để trình Quốc hội sửa đổi Luật An toàn thông tin. Đồng thời, đổi tên thành Luật An ninh mạng và an toàn thông tin trong môi trường mạng.

Chiều 31/10, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng ban Ban điều hành triển khai công tác ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đã chủ trì phiên họp toàn thể năm 2017 của Ban điều hành. Thứ trưởng đề nghị các cơ quan, đơn vị trong thời gian tới tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, cụ thể là trong việc xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông.

Trong báo cáo về tình hình xây dựng dự thảo Nghị định sửa Nghị định 26 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia thuộc Bộ TT&TT cho biết, về tiến độ, Bộ TT&TT đã hoàn thành các thủ tục xây dựng Nghị định theo quy định và Bộ Tư pháp đang hoàn thiện văn bản thẩm định dự thảo Nghị định này theo ý kiến Hội đồng thẩm định họp ngày 25/10 vừa qua.

Dự thảo Nghị định mới này được kỳ vọng sẽ góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dịch vụ chứng thực chữ ký số, đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong các hoạt động kinh tế - xã hội và trong cơ quan nhà nước, đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử.

Ngày 3/11, Sự kiện hàng đầu ngành tiếp thị di động (Mobiel Marketing) ở khu vực châu Á Thái Bình Dương - Diễn đàn Tiếp thị Di động 2017 đã chính thức khai mạc với chủ đề  “Tái định nghĩa tiếp thị di động - Chuyển hóa, sáng tạo, phá vỡ”.

Bà Phan Bích Tâm – Giám đốc quốc gia MMA Việt Nam chia sẻ: “Khi công nghệ phát triển, kho dữ liệu biểu thị cho hiểu biết của thương hiệu (brand) về thị hiếu khách hàng cũng sẽ phát triển vô cùng mạnh mẽ, đặc biệt là ở mobile. Các dữ liệu như về ngữ cảnh, vị trí, thời gian – là những dữ liệu mà không phương tiện truyền thông nào ngoài mobile có thể cung cấp. Những số liệu này cần được khai thác, sử dụng thông minh và nhiệm vụ trước mắt của marketer là chuyển hóa các dữ liệu này để xây dựng di động thành 1 nền tảng đáng tin cậy như bất kỳ nền tảng nào khác”.

Một nội dung khác là của ông Trương Công Tâm – Người đứng đầu Truyền thông Khu vực Đông Nam Á của Marico, nói về 4 tiêu chí cần có để làm nên 1 doanh nghiệp có khả năng thực hiện tốt các chiến dịch mobile: Sự thấu hiểu về các kênh truyền thông; Hiểu biết về khách hàng trên cả trực tuyến (online) và ngoại tuyến (offline); Kiến thức về ngành hàng của doanh nghiệp và marketing; Khả năng cập nhật, áp dụng những xu hướng marketing và tiếp cận người tiêu dùng với “khẩu vị” không ngừng thay đổi.