Tây Nguyên:

Tổ chức chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu và đẩy mạnh truyền thông trên internet để phòng bệnh

VietTimes – Sáng nay (21/7), tại thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã chủ trì hội nghị công tác y tế dự phòng ở Tây Nguyên và triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu ở khu vực này. Đây là động thái tích cực của Bộ Y tế nhằm ứng phó mạnh mẽ trước dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp tại Tây Nguyên với một số ca tử vong đã diễn ra. 
Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu khu vực Tây Nguyên (Ảnh: Thu Nguyệt)
Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu khu vực Tây Nguyên (Ảnh: Thu Nguyệt)

Xử lý triệt để ổ dịch bạch hầu

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 của các tỉnh Tây Nguyên, khi không có ca mắc COVID-19, nhiều bệnh truyền nhiễm có số mắc và tử vong giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ tiêm chủng tăng. 

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng lưu ý công tác y tế dự phòng những tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn, do một số dịch bệnh đang bùng phát; nhận thức về phòng, chống dịch của một bộ phận đồng bào còn có sự khác biệt.

Hướng đến mục tiêu không để "dịch chồng dịch", nhất là kiểm soát chặt chẽ dịch bạch hầu đang diễn biến phức tạp, duy trì kết quả không có ca mắc COVID-19 tại khu vực Tây Nguyên, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo các tỉnh chú trọng triển khai công tác y tế dự phòng để phòng, chống bệnh các bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động,…

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thu Nguyệt)
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu chỉ đạo tại hội nghị (Ảnh: Thu Nguyệt) 

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị UBND các tỉnh Tây Nguyên chú trọng công tác phòng, chống dịch với việc kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh và tiêm chủng mở rộng từ tỉnh đến huyện, xã; chỉ đạo ngành y tế địa phương tập trung phòng chống dịch, bệnh bạch hầu: rà soát đối tượng, nhu cầu vaccine bạch hầu, lập kế hoạch và dự trù tiêm vaccine bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương thông tin đại chúng, loa truyền thanh và trực tiếp tại cồng đồng.

Thứ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên tập trung tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạch hầu và dịch COVID-19; huy động các ngành, đoàn thể tham gia phòng, chống dịch bệnh; tổ chức tiêm vaccine đủ liều, đủ lượng, đúng thời gian, đúng đối tượng theo quy định vv...

Tăng cường phòng, chống dịch, xử lý 100% bệnh dịch mới phát sinh

Thống kê cho thấy, từ ngày 6/6 đến ngày 17/7 Tây Nguyên đã ghi nhận 16 ổ dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia lai và Đắk Lắk với 114 ca dương tính, trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng; 3 ca tử vong (Đắk Nông: 2; Gia Lai: 1).

Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên đã phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đăk Nông, Kon Tum và Gia Lai điều tra, xử lý ổ dịch, đưa ra các giải pháp phòng, chống dịch hiệu quả lâu dài. Các đơn vị này cũng đã tổ chức lớp tập huấn “Hướng dẫn giám sát, phòng chống và điều trị bệnh bạch hầu” cho tuyến huyện tại Đắk Nông và tập huấn “Hướng dẫn thiết lập và vận hành đội đáp ứng nhanh” cho cán bộ tuyến tỉnh để ứng phó với dịch bạch hầu.

Về bệnh dại, trong 6 tháng đầu năm 2020 Tây Nguyên đã ghi nhận 14 ca mắc và 14 ca tử vong, cao hơn cùng kỳ năm 2019 (5 ca mắc, 5 ca tử vong); trong đó: Đắk Lắk (5 ca), Đắk Nông (3 ca), Gia Lai (5 ca), Kon Tum (1 ca); đã thực hiện tiêm 5.645 lượt vaccine phòng dại và 677 lượt huyết thanh kháng dại.

Để tiếp tục phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, trong 6 tháng cuối năm 2020, công tác phòng, chống dịch, bệnh tại các tỉnh Tây Nguyên sẽ được triển khai theo hướng phát hiện nhanh và xử lý kịp thời 100% các bệnh dịch mới phát sinh; chủ động triển khai phòng chống các dịch, bệnh nhóm A (cúm, dịch hạch, tả....); khống chế kịp thời bệnh sởi, bạch hầu, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch lớn xảy ra.

Ngành y tế các tỉnh Tây Nguyên cũng sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý 100% đối tượng được kiểm dịch y tế biên giới, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập qua cửa khẩu; giảm số mắc chết bệnh truyền nhiễm phổ biến; triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm và xử lý các ổ dịch; tổ chức các lớp tập huấn “Chẩn đoán phát hiện sớm và phòng chống bệnh bạch hầu”. 

Tại hội thảo chuyên đề phòng chống bệnh bạch hầu, các chuyên gia của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã hướng dẫn các cán bộ y tế ở Tây Nguyên giám sát xử lý ổ dịch bạch hầu, lên kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vaccine bạch hầu và hướng dẫn cập nhật điều trị bệnh này.

Bệnh bạch hầu đã tái xuất hiện tại khu vực Tây Nguyên và có xu hướng tăng dần. Nhằm không chế bệnh, Bộ Y tế đã chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông).

Với trẻ từ 2 đến 12 tháng tuổi phải rà soát triệt để các trường hợp sót, thiếu mũi để tiêm vaccine DPT-VGB-Hib bổ sung nhằm đảm bảo đủ 3 mũi vaccine có thành phần bạch hầu theo đúng quy định của chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Trẻ từ 13 đến 18 tháng tuổi phải tiêm ngay 1 mũi vaccine DPT-VGB-Hib (không chờ đến 18 tháng tuổi). Trẻ sẽ không tiêm nhắc vaccine DPT hoặc DPT-VGB-Hib lúc 18 tháng tuổi nếu trẻ đã tiêm đủ 4 mũi vaccine có thành phần bạch hầu.

Trẻ từ 19 đến 48 tháng tuổi cần rà soát, tiêm bổ sung bằng vaccine DPT cho trẻ chưa tiêm đủ 4 mũi vắc xin có thành phần bạch hầu như quy định.

Nhóm trẻ 7 tuổi phải tiêm 2 mũi vaccine Td (cách nhau 1 tháng) ngay từ tháng 7-9/2020. Nhóm trẻ này sẽ không tiêm vaccine Td theo kế hoạch tiêm vaccine Td tại vùng nguy cơ cao ban hành tại quyết định của Bộ Y tế.