Tình hình Ukraine nóng bỏng: Quân đội Mỹ báo động, Nga cáo buộc Ukraine chuẩn bị tấn công Donbass

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cuộc khủng hoảng Ukraine ngày thêm nóng, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/1 tuyên bố chuẩn bị triển khai 8.500 quân tới Đông Âu, trong khi EU nhấn mạnh Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả nghiêm trọng nếu tấn công Ukraine.
Lính Ukraine ở biên giới với Nga (Ảnh: Deutsche Welle).
Lính Ukraine ở biên giới với Nga (Ảnh: Deutsche Welle).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 25/1, vào lúc NATO và Mỹ chuẩn bị cho điều mà họ tuyên truyền “một cuộc xâm lược có thể xảy ra của Nga vào Ukraine”, Bộ Quốc phòng Mỹ hôm thứ Hai (24/1) thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đặt 8.500 lính Mỹ có thể triển khai tới Đông Âu trong trạng thái "báo động cao".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng John Kirby cho biết, phần lớn trong số 8.500 quân này sẽ tham gia Lực lượng Phản ứng nhanh NATO có thể sớm được kích hoạt. Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết số còn lại sẽ là một phần trong phản ứng cụ thể của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng ngày càng sâu sắc, cũng là sự đảm bảo của Mỹ đối với các đồng minh ở Đông Âu. Họ lo ngại rằng kế hoạch của Nga đối với Ukraine có thể mở rộng đến Biển Baltic và các nước khác trong khu vực NATO gọi là Đông Âu.

John Kirby cho biết trong một cuộc họp báo ngày 24/1: "Rõ ràng là Nga hiện không có kế hoạch làm dịu tình hình. Nhưng Mỹ đang chuẩn bị như vậy để cung cấp sự đảm bảo cho các đồng minh NATO của chúng ta". Trước đó, New York Times hôm Chủ nhật (23/1) đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đang xem xét triển khai hàng ngàn quân Mỹ cùng tàu chiến và máy bay tới các đồng minh NATO ở Biển Baltic và Đông Âu.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm 24/1 tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã báo động đưa 8.500 quân tới Đông Âu (Ảnh: AP).

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm 24/1 tuyên bố Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã báo động đưa 8.500 quân tới Đông Âu (Ảnh: AP).

Những động thái này của Mỹ đánh dấu một bước ngoặt lớn của chính quyền Joe Biden trong vấn đề Ukraine - Nga. Cho đến gần đây, chính quyền Biden luôn giữ một lập trường kiềm chế đối với Ukraine vì lo ngại rằng bất kỳ động thái nào cũng sẽ khiêu khích Nga. Nhưng chính quyền Joe Biden đang thay đổi chiến lược của mình khi cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng cường đe dọa Ukraine và các cuộc đàm phán giữa các quan chức Mỹ và Nga đã không thể ngăn cản ông hành động.

Tuy nhiên, đồng thời, chính phủ Mỹ tiếp tục nhấn mạnh rằng Washington không có ý định gây chiến với Moscow về vấn đề này. Vì Ukraine không phải là thành viên của NATO, liên minh này không bị ràng buộc bởi hiệp ước và cũng không cần giúp đỡ để bảo vệ Ukraine. Tuy nhiên, việc Nga tăng cường hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine và phản ứng của NATO đã làm dấy lên nghi ngờ về một cuộc chiến có thể leo thang và mở rộng. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby nói: “Tôi cho rằng không có ai muốn thấy ​​một cuộc chiến tranh khác nổ ra trên lục địa châu Âu”.

Các nhà lãnh đạo NATO và EU họp bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).

Các nhà lãnh đạo NATO và EU họp bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine (Ảnh: Deutsche Welle).

Trong khi đó, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 24/1 tuyên bố rằng các đồng minh phương Tây cần đoàn kết để cảnh báo Moscow, nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công của Nga vào Ukraine sẽ gây ra phản ứng quyết liệt. Ông Stoltenberg viết trên Twitter sau cuộc gặp gỡ trên mạng với Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu: “Chúng tôi nhất trí cho rằng bất kỳ hành động xâm lược nào của Nga ở Ukraine nữa sẽ phải trả giá nghiêm trọng”.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói, nếu Nga tấn công Ukraine sẽ lĩnh "hậu quả nghiêm trọng". Ông tiết lộ rằng các nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng việc thực hiện hành vi tùy thuộc vào Nga. Ông Biden cũng cho biết sau cuộc họp rằng các đồng minh phương Tây đã đạt được nhất trí hoàn toàn về cách đối phó với mối đe dọa quân sự của Nga đối với Ukraine.

Ngoài ra, hôm 24/1, các Ngoại trưởng của 27 nước thành viên EU đã gặp nhau tại Brussels để xác định cách thức EU nên phản ứng ra sao trước những lo ngại về việc Nga tấn công Ukraine. Sau cuộc họp, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell cho biết các nước thành viên EU “sẽ hành động nhất trí nếu Nga xâm lược Ukraine”.

Máy bay Mỹ gấp rút vận chuyển vũ khí tới viện trợ Ukraine hôm 24/1 (Ảnh: AP)

Máy bay Mỹ gấp rút vận chuyển vũ khí tới viện trợ Ukraine hôm 24/1 (Ảnh: AP)

Borrell nói thêm rằng EU đã cam kết hỗ trợ Ukraine trong "các lĩnh vực mấu chốt", bao gồm chống lại các cuộc tấn công mạng và các mối đe dọa hỗn hợp như chiến dịch thông tin sai lệch của Nga. Tuy nhiên, EU sẽ tiếp tục một "nỗ lực tập thể" để thuyết phục Nga giải quyết tình hình căng thẳng thông qua đối thoại. Ông cho biết EU sẵn sàng đáp trả nếu ngoại giao thất bại. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tham gia cuộc họp này qua cầu truyền hình.

Ngoại trưởng của một số quốc gia thành viên EU cho rằng trong tình hình hiện nay, EU đang cảm thấy bị gạt ra rìa do chính phủ Nga chỉ tập trung vào các cuộc đàm phán với Mỹ và NATO. Tuy nhiên, Washington đã kêu gọi tất cả các nước đồng minh hãy đưa ra các biện pháp chế tài kinh tế để trừng phạt Nga trong trường hợp họ tấn công Ukraine.

Tại cuộc họp ở Brussels, NATO tuyên bố sẽ triển khai thêm máy bay chiến đấu và tàu chiến tới Đông Âu. Ví dụ, Hà Lan sẽ đưa 2 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đến Bulgaria từ tháng 4/2020, trong khi Đan Mạch sẽ đưa một tàu hộ vệ đến Biển Baltic và đưa thêm máy bay đến Lithuania.

Các ngoại trưởng EU đã bày tỏ những quan ngại mới nhất của họ về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngoại trưởng của một số quốc gia thành viên đã đe dọa sẽ trừng phạt nghiêm khắc nếu Nga tiến hành cuộc tấn công vào Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết Berlin chuẩn bị ủng hộ Kiev về kinh tế và tài chính.

Binh sĩ Ukraine ở tuyến giáp ranh với "Cộng hòa Nhân dân Donesk". (Ảnh: AP)

Binh sĩ Ukraine ở tuyến giáp ranh với "Cộng hòa Nhân dân Donesk". (Ảnh: AP)

Ông Baerbock nói với nhiều phóng viên: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ukraine, bao gồm cung cấp cả hỗ trợ tài chính và kinh tế.

Ngoại trưởng Đan Mạch Jeppe Kofod nói, nếu Nga tấn công Ukraine. EU đã chuẩn bị tiến hành một cuộc trừng phạt “chưa từng có” để nhắm vào Nga.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết Nga dự định tổ chức một trò chơi chiến tranh cách xa bờ biển phía tây nam của nước này 240 km (150 dặm). Trò chơi chiến tranh này sẽ diễn ra ở cả vùng biển quốc tế và vùng đặc quyền kinh tế của Ireland. Ông nói: “Chúng tôi không có quyền ngăn điều này xảy ra, nhưng tôi đã nói rõ với đại sứ Nga tại Ireland rằng điều này không được hoan nghênh”.

Trong cuộc họp hôm 24/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen đã công bố gói viện trợ 1,2 tỷ euro cho Ukraine. Von der Leyen nói với các phóng viên tại Brussels: "Phương án này sẽ giúp Ukraine giải quyết nhu cầu tài chính phát sinh từ xung đột". Bà đồng thời thúc giục Nghị viện châu Âu sớm phê duyệt khoản viện trợ này.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cảm ơn bà von der Leyen vì quyết định kịp thời của bà. Ông viết trên Twitter: "Một Ukraine hùng mạnh là chìa khóa cho an ninh châu Âu". Ông Zelensky cũng gửi lời cảm ơn đến Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel qua điện thoại.

Giữa lúc này, lại có thêm các nước triệt thoái khỏi Ukraine. Tờ Izvestia của Nga ngày 25/1 đưa tin, Bộ Ngoại giao Ukraine ra thông báo cho biết, tính đến ngày 24/1, đã có 4 nước Mỹ, Anh, Australia và Đức đã thông báo cho Bộ Ngoại giao Ukraine chuẩn bị sơ tán các nhân viên của đại sứ quán và gia đình của họ tại Ukraine về nước.

Bộ Ngoại giao Ukraine cho biết họ đã được chính phủ Đức thông báo rằng họ đang chuẩn bị rút một số phái đoàn ngoại giao và nhân viên khỏi đại sứ quán ở Kiev. Tuyên bố nói, ngoài Mỹ, Anh, Australia và Đức, một số quốc gia khác, cũng như các tổ chức quốc tế như Ủy ban Châu Âu, OSCE, Liên hợp quốc và NATO, cho biết hiện chưa có kế hoạch sơ tán hoặc giảm bớt nhân sự khỏi Ukraine.

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/1 đã đưa ra tuyên bố cho biết họ đã ủy quyền cho các nhân viên của đại sứ quán Mỹ tại Ukraine tự nguyện sơ tán khỏi Kiev và yêu cầu gia đình của những nhân viên có liên quan phải sơ tán. Do "mối đe dọa gia tăng hành động quân sự quan trọng của Nga chống lại Ukraine", Bộ Ngoại giao Mỹ duy trì kiến nghị đi lại của họ đối với Ukraine ở mức độ "không lui tới".

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Nikolenko ngày 24/1 nói, quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ cho phép các nhân viên của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine tự nguyện ra đi cho thấy "sự thận trọng quá mức". Tình hình an ninh ở Ukraine không có "thay đổi đột biến" nào. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhận xét quyết định của Mỹ là "kỳ lạ và ngu ngốc."

Ông Denis Pushilin, người lãnh đạo "nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng ly khai ở Đông Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Ông Denis Pushilin, người lãnh đạo "nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk" tự xưng ly khai ở Đông Ukraine (Ảnh: Sputnik).

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/1 nói, việc Ukraine tập kết lực lượng quân đội quy mô lớn trên tuyến tiếp xúc ở khu vực Donbass cho thấy Ukraine đã sẵn sàng tiến hành một cuộc tấn công. "Chính phủ Ukraine đang tập trung một số lượng lớn binh lính và thiết bị quân sự ở tuyến tiếp giáp với “Cộng hòa Nhân dân Donetsk” tự xưng. Trên thực tế, bản chất của việc tập kết này là để chuẩn bị cho hành động tấn công", ông Peskov nói.

Ông Peskov nói, trong trường hợp này, Moscow hy vọng NATO thúc giục Ukraine không nên xem xét khả năng có một giải pháp quân sự. Ông Peskov nói: "Hiện tại, khả năng Ukraine phát động một cuộc xung đột quân sự ở miền đông Ukraine đang cao hơn bao giờ hết".

Theo Sputnik, lãnh đạo của Donetsk People's Republic (Cộng hòa Nhân dân Donetsk) Denis Pushilin ngày 24/1 nói, Ukraine đang vận chuyển pháo và xe tăng đến tuyến tiếp giáp Donbass. Ông Pushlin nói: "Động thái của Ukraine cho thấy đây là sự chuẩn bị cho một cuộc tấn công, lực lượng pháo binh và xe tăng đã được triển khai tới các địa điểm cụ thể".