Tính chuyện tăng trưởng năm 2020: Chỉ dũng cảm thôi chưa đủ…

VietTimes -- Việt Nam vẫn đang nổi lên là một trong những điểm sáng tăng trưởng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài nhưng trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung gây ra nhiều phiền toái, việc xây dựng và củng cố các “khoảng đệm” chính sách, đầu tư cho cơ sở hạ tầng vẫn là những ưu tiên hàng đầu.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Điểm sáng và sự dũng cảm

Trong báo cáo Điểm lại cập nhật kinh tế Việt Nam tháng 12/2019, Ngân hàng Thế Giới (World Bank) đã đưa ra quan điểm: Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.

Mức dự báo tăng trưởng 6,8% cho nền kinh tế Việt Nam khi ấy của World Bank, dù thấp hơn mức tăng trưởng 7,02% mà Chính phủ công bố, được so sánh là đã “cao gần gấp ba lần so với tốc độ bình quân của thế giới (2,6%), cao hơn 1,2 điểm phần trăm so với bình quân ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương theo ước tính mới nhất tại báo cáo Viễn cảnh kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới”.

Nhắc lại ví dụ trên để thấy, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2019 đã vượt các dự báo lạc quan đến nhường nào.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định những thành quả kinh tế - xã hội có được trong năm 2019 đã chứng minh rằng, với ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết cũng như quyết tâm lớn, chúng ta đã đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được.

Bổ sung thêm, Thủ tướng cho biết năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.

Việt Nam không chỉ tăng trưởng nhanh mà còn duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới 3%, cán cân ngân sách thặng dư, tỷ giá ổn định, nợ công giảm còn 56% GDP, thu ngân sách vượt trên 8% dự toán Quốc hội giao, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối 18 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh đó là “những con số gần như 10 năm trước chúng ta không thể tưởng tượng được”.

Theo ghi nhận của VietTimes, chất lượng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 cũng được nhiều chuyên gia đánh giá cao.

Trong một bài viết trên VietTimes với tiêu đề “Kinh tế Việt Nam 2019 - Những mảng màu sáng tối”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành cho hay điểm sáng trong năm 2019 là việc ổn định kinh tế vĩ mô và rằng Việt Nam đã thoát được khỏi “bóng ma” ám ảnh của chu kỳ khủng hoảng 10 năm.

Tại diễn đàn Đầu tư và Phát triển Kinh doanh 2020: “Cơ hội tăng tốc & bứt phá", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chia sẻ hai từ khóa của năm 2019 là “gian nan” và “dũng cảm”.

Theo quan điểm của người đứng đầu VCCI, thương chiến Mỹ - Trung đang gây ra nhiều bất lợi cho kinh tế Việt Nam nhưng chúng ta đã dũng cảm vượt lên thông qua những chỉ số kinh tế vĩ mô.

Gỡ bỏ các “nút thắt”

Dẫn lời trên truyền thông, ông Vũ Tiến Lộc nhận định, năm 2020 sẽ tiếp tục là năm gian nan, khó khăn, thậm chí khó khăn hơn với doanh nghiệp vì xu thế thế giới giảm tốc, thách thức với kinh tế còn nhiều. Chủ tịch VCCI này lưu ý dù quy mô nền kinh tế tăng nhanh, nhưng sức khỏe của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có vấn đề.

Tăng trưởng của 2019 cũng như nhiều năm trước, công nghiệp chế biến chế tạo là ngôi sao của nền kinh tế, chiếm hơn 11% nhưng tồn kho của khu vực này rất cao. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mà không báo lãi.

"Bất kỳ sự tăng trưởng nào sẽ gây hại nếu không có sự phát triển tương ứng. Nguồn thu từ sản xuất kinh doanh vào ngân sách nhà nước không đạt dù rằng đã điều chỉnh giảm mục tiêu. 50% mức tăng của FDI. Xuất khẩu với phần lớn các thị trường giảm, trừ thị trường Mỹ. Tăng được xuất khẩu của thị trường Mỹ nhưng mừng cũng đi kèm với lo. 30% GDP của Việt Nam thuộc khu vực hộ kinh tế gia đình, nhóm lĩnh vực kinh tế còn hoang sơ" - ông Vũ Tiến Lộc chia sẻ quan điểm.

Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, những “nút thắt cổ chai” kìm hãm phát triển, nổi cộm là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

“Tuy Chính phủ đã có nhiều nỗ lực rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính và xóa bỏ các loại “giấy phép con” đang hành doanh nghiệp và người dân, nhưng đó mới chỉ là các cải thiện hình thức bề ngoài. Trên thực tế, các thể chế thị trường quan trọng như thực thi và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, cơ chế phân bổ nguồn lực đất đai, hệ thống quy tắc xử lí tranh chấp thương mại, luật phá sản…vẫn thiếu vắng hay chưa vận hành đầy đủ.

Trong ba điểm nghẽn tăng trưởng này, cơ sở hạ tầng là dấu trừ lớn nhất không chỉ của năm 2019 mà hầu như cả nhiệm kì này, khi các ách tắc về cơ sở hạ tầng đều không được giải quyết” - ông Thành cho biết.

Tại buổi tọa đàm công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS. Cấn Văn Lực nêu thách thức về cải cách thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế số.

“Những nghị định cho mô hình kinh doanh mới như fintech, cho vay ngang hàng vẫn chưa có. Điều chỉnh chậm về thể chế sẽ làm mất cơ hội trong nền kinh tế số” - ông Lực nhấn mạnh.

Đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Xuân Thành vẫn tỏ ra lạc quan khi cho biết Việt Nam hoàn toàn có thể vượt mốc 7% nếu kinh tế toàn cầu không đi vào suy thoái.

Có phần thận trọng hơn, nhóm nghiên cứu của VEPR trong báo cáo Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý IV và cả năm 2019, dự báo tăng trưởng kinh tế cho cả năm 2020 chỉ dừng ở mức 6,48% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà Quốc hội đề ra.

Theo quan điểm của nhóm nghiên cứu, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% do những bất ổn địa chính trị trên thế giới. Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần củng cố và xây dựng các “khoảng đệm” chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm ứng phó tốt hơn với các cú sốc bên ngoài./.