Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần: SCIC tổ chức roadshow thoái vốn, xuất siêu cao lịch sử

VietTimes -- Điểm nhấn nổi bật trong tuần qua là phần trả lời trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV của Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Bên cạnh đó là số liệu về tình hình xuất siêu của Việt Nam đạt mức kỷ lục và hoạt động triển khai thoái vốn của SCIC.
Biểu đồ Kim ngạch XK, NK, cán cân thương mại theo tháng từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)
Biểu đồ Kim ngạch XK, NK, cán cân thương mại theo tháng từ tháng 10/2016 đến tháng 10/2017 (Nguồn: Tổng cục Hải quan)

Tháng 10, Việt Nam xuất siêu đạt mức cao nhất trong lịch sử

Theo số liệu thống kê sơ bộ “Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng năm 2017” của Tổng cục Hải quan Việt Nam, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 10 thặng dư 2,18 tỷ USD (qua đó đưa cán cân thương mại hàng hóa cả nước 10 tháng/2017 thặng dư 2,56 tỷ USD). Đây được đánh giá là mức thặng dư cao nhất trong lịch sử và gần gấp đôi so với giá trị xuất siêu trong tháng 9.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu tháng 10 đạt 20,29 tỷ USD, tăng 4,9% và giá trị nhập khẩu đạt 18,11 tỷ USD, giảm nhẹ 0,7% so với tháng 9.

Đóng góp lớn vào giá trị xuất siêu của Việt Nam là khối doanh nghiệp có vốn FDI. Cụ thể, trong tháng 10/2017, khối này xuất siêu đạt 3,95 tỷ USD, nâng thặng dư cán cân thương mại của khối này 10 tháng đạt 20,94 tỷ USD trong khi khối doanh nghiệp trong nước thâm hụt là 18,38 tỷ USD.

Về thị trường xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa, Trung Quốc là thị trường lớn nhất với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 73,3 tỷ USD (chiểm 21,2% tổng kim ngạch XNK), tăng 27,18% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Hoa Kỳ đạt 40,12 tỷ USD thặng dư (chiếm 12,2% tổng kim ngạch XNK) tăng 9,7% so với cùng kỳ; thị trường EU đạt 41,62 tỷ USD (chiếm 12,2%), tăng 14,2%. 

Mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam trong tháng 10/2017 có 26 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như: điện thoại các loại và linh kiện (đạt 5,26 tỷ USD, tăng 8,4% so với tháng trước); hàng dệt may (đạt 2,23 tỷ USD, giảm 6,3% so với tháng trước); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (đạt 2,53 tỷ USD, tăng 4,9% so với tháng trước); giầy dép các loại (đạt 1,18 tỷ USD, tăng 13,4% so với tháng trước), máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng (đạt 1,13 tỷ USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước).

Một số nhóm hàng nhập khẩu chính lũy kế 10 tháng/2017 có 27 nhóm hàng đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 84,6% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Trong đó, chủ yếu là các nhóm hàng: máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,2 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng 5,1 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,32 tỷ USD; xăng dầu các loại tăng 1,42 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2016.

Không cho phép “chìm xuồng” các vụ án tham nhũng

Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần: SCIC tổ chức roadshow thoái vốn, xuất siêu cao lịch sử ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP

Trong chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, từ ngày 16 – 18/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Thủ tướng bày tỏ vẫn chưa hài lòng với kết quả đạt được. Do đó, Chính phủ sẽ tiếp tục hành động, kiến tạo, liêm chính để phục vụ nhân dân, để không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực...

Về vấn đề xử lý tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng. “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai" – Người đứng đầu Chính phủ nói.

Thống đốc Lê Minh Hưng nợ xấu và nợ tiềm ẩn rủi ro trở thành nợ xấu giảm xuống còn 566.000 tỷ đồng

Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần: SCIC tổ chức roadshow thoái vốn, xuất siêu cao lịch sử ảnh 2Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng. Ảnh: VTV
 

Cũng trong chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Minh Hưng cũng có phần trả lời chất vấn về các vấn đề: Giải pháp mới trong xử lý nợ xấu; giải pháp đảm bảo tốc độ tăng trưởng tín dụng phục vụ tăng trưởng GDP; đầu tư vốn cho lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; giải pháp đột phá, tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý ngân hàng yếu kém; việc hợp nhất, sáp nhập một số tổ chức tín dụng, mua ngân hàng với giá 0 đồng; giải pháp giảm lãi suất cho vay thương mại; giải pháp huy động vàng, ngoại tệ trong dân ...

Về vấn đề xử lý tình trạng Sở hữu chéo trong hệ thống Ngân hàng thường mại (NHTM), Thống đốc cho biết đến nay không còn cá nhân sở hữu trên 50% vốn cổ phần tại NHTM cổ phần. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống chỉ còn 2 cặp. Tình trạng sở hữu cổ phần chéo đã được giải quyết cơ bản giúp hệ thống Ngân hàng minh bạch hơn, nhóm cổ đông lớn thao túng chi phối Ngân hàng đã được nhận diện và xử lý.

Về tình hình nợ xấu, theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 9/2017, tỷ lệ Nợ xấu nội bảng của các Tổ chức tin dụng (TCTD) là 2,34%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo quan điểm của Thống đốc, để đánh giá nợ xấu một cách thận trọng thì cần phải tính đến một số khoản nợ có khả năng tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ xấu nội bảng và nợ xấu đã bán cho VAMC (Công ty quản lý tài sản) mà chưa xử lý được.

Nếu tính cả nợ xấu và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 là 566.000 tỷ đồng, giảm hơn so với con số 600.000 tỷ đồng cuối năm 2016. Tỷ lệ Nợ xấu và các khoản vay tiềm ẩn nợ xấu trên Tổng dư nợi cho vay vào cuối tháng 9/2017 ở mức 8,61%, giảm so với với con số 10,08% so với cuối 2016.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.

SCIC tiếp tục tổ chức Roadshow bán vốn cổ phần tại VCG, FPT, BMP, NTP, DMC

Tâm điểm chú ý của TTCK tuần qua là hoạt động triển khai tổ chức các buổi Roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), về việc bán cổ phần tại Vinaconex (VCG), Nhựa Tiền Phong (NTP), Nhựa Bình Minh (BMP), Domesco (DMC) và FPT (FPT) trong hai ngày 16 - 17/11/2017.

Tại các buổi roadshow, đại diện các các doanh nghiệp có cổ phần được chào bán đã trình bày về tình hình hoạt động và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Lãnh đạo SCIC đã trình bày về kế hoạch bán vốn, quy trình chào bán cạnh tranh và giải đáp câu hỏi của các nhà đầu tư quan tâm.

Số lượng cổ phần chào bán

Ngày công bố giá khởi điểm

Ngày tổ chức chào bán

Địa điểm tổ chức

VCG

21,79%

28/11/2017

08/12/2017

HNX

BMP

37,1%

28/11/2017

08/12/2017

HOSE

NTP

34,71%

01/12/2017

13/12/2017

HNX

DMC

29,51%

28/11/2017

12/12/2017

PSI

FPT

5,96%

27/11/2017

11/12/2017

MBS

Ước tính với thị giá hiện tại, cuối năm nay, SCIC có thể thu về khoảng 5.000 tỷ đồng từ việc bán vốn tại 5 công ty này.  

Trước đó, ngày 10/11/201, SCIC cũng đã bán thành công 3,33% vốn cổ phần tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (Mã: VNM) cho nhà đầu tư nước ngoài là Jardine Cycle & Carriage Limited (JC&C), với mức giá 186.000 đồng/cổ phần, thu về 8.990 tỷ đồng.

Ngày 20/11/2017, Mai Linh sẽ ra mắt xe ôm công nghệ giá ngang với Uber, Grab

Bắt đầu từ ngày 20/11, hãng taxi Mai Linh sẽ chính thức khai thác dịch vụ xe ôm công nghệ (M.bike) tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

Tương tự GrabBike và UberMoto, khách hàng sử dụng xe ôm của Mai Linh sẽ biết được các thông tin về lái xe như họ tên, hình ảnh, biến số xe và số điện thoại.

Giá cước mà Mai Linh đưa ra không chênh lệch nhiều so với UberMoto và GrabBike. Cụ thể, đối với loại xe thông thường, mức giá cước được áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.800 đồng/km tiếp theo. Loại xe cấp cao (Premium) có mức giá cước gấp đôi thông thường, ở mức 20.000 đồng/2km đầu và 7.000 đồng/km tiếp theo.

Tuy nhiên loại hình Premium này chỉ được triển khai ở giai đoạn 2, thời gian sau này.