Tin giả trên mạng khiến hàng trăm người chết

Những tin giả liên quan đến y tế, cách chữa bệnh có thể gây hại cho rất nhiều người.

Tờ báo Anh The Guardian vừa dẫn lại kết quả nghiên cứu của Avaaz, một tổ chức hoạt động xã hội trực tuyến báo cáo về tình hình lan truyền tin giả trên Facebook. Theo đó, các website lan truyền tin giả đã nhận được gần nửa tỷ lượt xem từ Facebook chỉ trong tháng 4, khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.

Facebook đã hứa hẹn sẽ mạnh tay với thuyết âm mưu, tin giả trên nền tảng của họ từ đầu đại dịch. Tuy nhiên, thuật toán của Facebook dường như lại đẩy mạnh truy cập cho hàng loạt website chia sẻ tin giả gây nguy hiểm, Avaaz nhận xét.

Thuật toán của Facebook dường như đang thực hiện ngược với những gì mà lãnh đạo công ty này hứa hẹn. Ảnh: Getty.

Sự nguy hiểm của tin giả giữa mùa dịch


Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế bệnh tiêu hóa Bangladesh vào đầu tháng 8 công bố báo cáo về hậu quả của những thông tin sai lệch về sức khỏe trên mạng xã hội.

Theo đó, riêng một bài viết khẳng định rượu có độ cồn cao có thể diệt virus đã dẫn tới khoảng 800 cái chết, 5.876 người nhập viện và 60 người bị mù vĩnh viễn.

Một nghiên cứu khác, đăng tải trên Tạp chí bệnh nhiệt đới Mỹ, cho thấy trên mạng xã hội ở 87 quốc gia có tới hơn 2.000 bản tin về virus corona, trong đó hơn 1.800 tin là giả.

"Ở Ấn Độ, 12 người, trong đó có 5 trẻ em, đã bệnh nặng sau khi uống rượu làm từ lá độc Datura để chữa Covid-19. Nạn nhân được cho là đã xem một video trên mạng xã hội, trong đó khẳng định lá Datura giúp phòng Covid-19", báo cáo nghiên cứu cho biết.

Tin giả vẫn là vấn nạn nhức nhối trên Facebook. Ảnh: CNN.

Bên cạnh đó, nhiều thông tin được lan truyền không gây hại trực tiếp nhưng cũng có thể khiến nhiều người chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, như thông tin nhà thờ ở Hàn Quốc xịt nước muối để phòng dịch.

Họ đưa chai nước muối vào xịt miệng một người đi lễ, sau đó lại xịt cho người khác mà không khử trùng. Một người đi lễ bị phát hiện nhiễm virus, và sau đó hơn 100 người khác cũng dương tính với virus.

Facebook hứa hẹn nhiều nhưng thuật toán lại phản chủ


Báo cáo của Avaaz cho thấy top 10 trang web chia sẻ tin giả, thuyết âm mưu mùa dịch nhận lượt truy cập từ Facebook cao gấp 4 lần 10 trang web uy tín về sức khỏe. Trong đó, 82 trang web chia sẻ tin giả đã nhận khoảng 3,8 tỷ lượt truy cập từ Facebook, và chỉ riêng tháng 4 đã có tới 460 triệu lượt.

Tổ chức này tập trung vào các trang web lan truyền tin giả được chia sẻ nhiều trên Facebook. Các chủ đề tin giả bao gồm y học thay thế, chính trị cực hữu và nhiều thuyết âm mưu khác.

Một số bài viết được truy cập đặc biệt nhiều, như bài viết khẳng định Tổ chức y tế Mỹ khuyến khích các bác sĩ và bệnh viện báo cáo quá lố số người chết vì Covid-19 đã được truy cập tới 160 triệu lần.

Lượng truy cập lên tới cả trăm triệu lượt cho những bài viết tin giả cho thấy nỗ lực của Facebook không đủ để bảo vệ người dùng.

"Những số liệu này cho thấy khi mà mọi người cần thông tin sức khỏe uy tín nhất, và Facebook cố gắng tăng sức ảnh hưởng của các tổ chức y tế được xác thực, thì thuật toán của họ lại làm cho những nỗ lực về không", báo cáo của Avaaz nhận xét.

"Nghiên cứu của Avaaz một lần nữa cho thấy khả năng phóng đại những tin tức giả mạo, sai lệch về y tế trong đại dịch của Facebook. Phần lớn những nội dung nguy hiểm đó vẫn còn trên Facebook mà không có một lời cảnh báo nào.

Đã đến lúc Zuckerberg cần hành động. Anh ta phải dọn sạch nền tảng của mình và ngăn chặn những thông tin gây hại", nghị sĩ Damian Collins ở Quốc hội Anh nói với Guardian.

"Các cơ quan quốc gia và quốc tế, bao gồm cả các cơ quan kiểm tra thông tin, không nên dừng lại ở việc chỉ ra các tin đồn, thuyết âm mưu là sai. Họ nên kết hợp với các mạng xã hội để lan truyền thông tin đúng", nghiên cứu trên tạp chí bệnh truyền nhiễm nhận xét.

Tới tháng 8, Facebook mới cập nhật tính năng hiển thị "nguồn tin tức đầu tiên" của bài đăng có nội dung liên quan tới Covid-19. Ảnh: Facebook.

Năm 2018, CEO Mark Zuckerberg từng hứa hẹn thuật toán của Facebook sẽ "làm giảm tương tác và lượt bấm trung bình 80%" đối với các tin bị xác định là giả. Tuy nhiên, báo cáo của Avaaz cho thấy có tới hơn 200 tin y tế vẫn được chia sẻ trên các trang web trước đó đã bị xác định là trang tin giả.

Chưa tới 1/5 trong số đó được gắn mác cảnh báo. Phần lớn các tin, lên tới 84%, vượt qua sự kiểm soát của thuật toán khi được dịch sang ngôn ngữ khác, hoặc được chia sẻ lại từng phần.

"Báo cáo này chỉ ra khoảng cách giữa khả năng nhận biết tin giả và kiểm tra nội dung của Facebook, đặc biệt là khi nó được dịch ra nhiều ngôn ngữ, và khả năng gắn nhãn cảnh báo vào các tin này", báo cáo của Avaaz nhận định.

Báo cáo này đề xuất hai bước để giảm tin giả: đầu tiên là đăng tải các đính chính trước khi gắn nhãn tin là tin giả, và đẩy mạnh các tin chính xác lên trang tin của người dùng; và bước thứ hai là tăng cường khả năng nhận biết các thông tin giả đã được dịch hoặc biên tập lại.

"Chúng tôi có chung mục tiêu giảm tin giả cùng với Avaaz, nhưng các thông tin của họ không phản ánh những bước tiếp cận của chúng tôi để giảm tin giả trên dịch vụ của mình", đại diện của Facebook phản hồi về thông tin trên.

"Nhờ mạng lưới phát hiện tin giả toàn cầu, từ tháng 4-6 chúng tôi đã gắn nhãn 98 triệu tin giả về Covid-19 và xóa 7 triệu nội dung có thể dẫn tới sự nguy hại. Chúng tôi cũng định hướng 2 tỷ người dùng tới các thông tin từ tổ chức y tế. Khi mọi người cố chia sẻ thông tin về Covid-19, chúng tôi mở ra một bảng để kết nối họ với các thông tin y tế uy tín", Facebook nói thêm.

Theo Zing