Tìm giải pháp cho đô thị thông minh

VietTimes -- Chiều 8/6/2016 tại Hà Nội, Tạp chí Kiến trúc (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và hãng sơn AkzoNobel đã phối hợp tổ chức hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh - Hướng đến phát triển bền vững". Sự kiện này sẽ được tổ chức một lần nữa tại TPHCM vào ngày 21/6/2018. 
Hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh - Hướng đến phát triển bền vững"
Hội thảo "Xây dựng đô thị thông minh - Hướng đến phát triển bền vững"
Theo dự báo đến năm 2050, 70% dân số thế giới sẽ sống ở các đô thị. Tại Việt Nam, hiện có 813 đô thị với mức độ đô thị hóa rất nhanh, khoảng 37,5%. Chỉ riêng Hà Nội và TPHCM đã có dân số xấp xỉ 30% dân số đô thị trên toàn quốc. Điều này tạo nên áp lực vô cùng lớn lên cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất và không gian sống; đòi hỏi các kiến trúc sư, các nhà xây dựng phải nắm bắt, đáp ứng xu hướng thực tế và nhu cầu sống của cộng đồng. Đây chính là tiền đề cho sự ra đời và phát triển các đô thị thông minh, giúp cộng đồng cư dân phát triển bền vững. 
Là diễn giả chính được mời của hội thảo, ông Larry Ng - Giám đốc Phát triển Kiến trúc và Thiết kế Đô thị thuộc Cục Tái thiết và Phát triển Đô thị, Bộ Phát triển Quốc gia Singapore cho biết, do là một quốc gia hết sức nhỏ bé, công tác quy hoạch đô thị của Singapore được xây dựng rất chặt chẽ từ hàng chục năm trước. Singapore phải là đô thị phát triển bền vững trước khi trở thành đô thị thông minh. 
Từ phía Bộ Xây dựng, ông Trần Quốc Thái - Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị cho biết, Bộ Xây dựng đang đề xuất Đề án "Phát triển đô thị thông minh Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030". Đây là đề án quan trọng của quốc gia, cần sự tham gia tích cực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao. Ông cũng cho biết, xây dựng đô thị thông minh là vấn đề mang tính liên ngành, trong đó không thể thiếu yếu tố CNTT. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất vẫn phải là công tác quy hoạch và phát triển bền vững.
Nói đến đô thị thông minh, đương nhiên phải nói đến các quá trình kiểm soát thông minh thông qua các hệ thống giám sát tự động từ xa cùng sự tham gia của người dân thông qua việc sử dụng tốt nhất là làm sao chỉ cần một loại thẻ thông minh để có thể đi xe buýt, xe điện ngầm, xe điện trên cao... Cùng với việc đó, phải có được một cơ sở dữ liệu thống nhất về đô thị để phục vụ công tác quy hoạch...  
Ông Trần Quốc Thái cũng cho biết, với các đô thị nhỏ, việc xây dựng đô thị thông minh hoàn toàn có thể làm một cách tổng thể. Còn với các đô thị lớn thì đành phải chia nhỏ ra để làm trong những phạm vi nhất định.
Các diễn giả tại phần tọa đàm "Cần ưu tiên làm gì cho Hà Nội triển khai thành công dự án Đô thị Thông minh"
Các diễn giả tại phần tọa đàm "Cần ưu tiên làm gì cho Hà Nội triển khai thành công dự án Đô thị Thông minh" 
Có thể nói, đây là một hội thảo rất đáng quan tâm và đây là lần đầu tiên ngành xây dựng chủ động tổ chức thảo luận về chủ đề đô thị thông minh. Rất tiếc, không rõ vì lý do nào mà tại hội thảo đã không hề thấy sự hiện diện của đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các doanh nghiệp, hiệp hội trong lĩnh vực CNTT. Do vậy, hội thảo chưa thể nói là thành công khi tiếng nói chung giữa ngành xây dựng, kiến trúc và CNTT là hoàn toàn chưa có.