Kí ức của một chiến sĩ thành cổ Quảng Trị:

“Tim còn đập thì thành cổ không thể mất!”

Chiến tranh đã lùi xa gần 4 thập kỷ. Nhưng những ký ức hào hùng một thời thì vẫn còn in đậm trong ông. Ông ngồi đó, bên cạnh người vợ- cựu thanh niên xung phong độ tuổi lục tuần, cùng với những hoài niệm một thời hoa lửa. Giàn mướp trên sân nhà đã cuối mùa, chỉ còn lại những cuống hoa màu vàng trong nắng gắt. Ông mân mê từng trang sổ ghi chép những sự kiện ác liệt của thành cổ Quảng Trị. Ông là Phạm Hồng Lân 85 tuổi, trú tại phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An.
Người cựu chiến binh già bên cuốn sổ ký ức chiến tranh.
Người cựu chiến binh già bên cuốn sổ ký ức chiến tranh.

Chiến trường khốc liệt

Có lẽ không nơi đâu như ở đất nước này, mỗi một vùng miền đều thấm đẫm máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam giữ nước. Suốt chiều dài lịch sử, khúc ruột miền trung là nơi phải oằn mình gánh chịu với nhiều biến động binh đao khói lửa. Trịnh – Nguyễn phân tranh; rồi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước…

Cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đang lùi dần vào quá khứ, nhưng trong ký ức của ông Phạm Hồng Lân cuộc chiến ấy vẫn sống động như hôm nào! Với một cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch thì đó là những năm tháng không thể nào quên!

ác chiến sỹ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Tư liệu TTXVN
ác chiến sỹ giải phóng sau một trận đánh tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh Tư liệu TTXVN

Ông là cựu chính trị viên tiểu đoàn 8 – đơn vị đã từng giữ tầng tấc đất, giành giật tầng khúc giao thông hào trong chiến dịch 81 ngày đêm thành cổ Quảng Trị vào năm 1964 đến 1972. Lúc ấy, vùng đất thành cổ Quảng Trị và các vùng nông thôn đang bị quân địch chiếm đóng. Quân ta ngày đêm tiến đánh vào các vùng nông thôn ở đồng bằng để đẩy lui quân địch. Đến tháng 3 năm 1972 diễn ra trận đánh lớn, tiểu đoàn 8 được giao nhiệm vụ tổ chức đưa tiểu đoàn xuống 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng của tỉnh Quảng Trị đánh địch và chuẩn bị địa bàn để phối hợp với chủ lực đánh địch giải phóng Quảng Trị.

“Địch dày đặc. Chúng tôi đưa một tiểu đoàn xuống thì bị lọt thỏm. Một trận đánh không cân sức. Tiểu đoàn phải chống chọi với một trung đoàn của địch. Lúc ấy 2 chi đoàn xe tăng bọc thép vây tròn hòng tiêu diệt chúng tôi. Ngoài ra, chúng còn có máy bay, pháo phòng không, pháo mặt đất yếm trợ  và pháo từ hạm đội ngoài biển đánh vào. Qua 2 ngày chiến đấu quân ta tiêu diệt được 130 tên địch, bắn cháy 6 xe tăng, địch bị đẩy lùi”- ông Lân nhớ lại.

Thành cổ Quảng Trị ngày ấy là một chiến trường khốc liệt đầy máu và lửa. Xét về tương quan lực lượng lúc ấy, địch rất mạnh, được trang bị vũ khí tối tân, hỏa lực mạnh, phương tiện hiện đại. Còn phía ta quân số chênh lệch lớn, nhưng ý chí gan dạ, lòng quyết tâm cao.

Quảng Trị: 81 ngày đêm

Sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, ngày 1/5/1972, được sự viện trợ tối đa của Mỹ, chính quyền Sài Gòn dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, trong đó mục tiêu chính là chiếm lại thành cổ. Ngày 14/2/1972, địch bắt đầu mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị”. Đây là cuộc hành quân cực kỳ đẫm máu và tàn bạo. Ngày 28/6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực của quân đội chính quyền Sài Gòn ồ ạt tiến công.

Giữ vừng từng tấc đất của thành cổ
Giữ vừng từng tấc đất của thành cổ

Cạnh vợ, ông lật từng trang sổ ghi chép một thời hào hùng, ác liệt thành cổ Quảng Trị. Tôi không dám phá vỡ không gian đang lắng lại nơi căn nhà chỉ có 2 người đã bước ra từ cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Tôi lắng nghe:

Đó là những ngày tháng nóng bỏng nhất trên mặt trận Quảng Trị. Thành cổ trở thành nơi thử thách khốc liệt nhất đối đối với các chiến sỹ ta. Trong một phạm vy nhỏ hẹp của thành cổ, mấy trăm ngàn tấn bom, đạn pháo đủ loại đã dội xuống trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa 1972; đến một nhành cỏ cũng không còn sót được… Các chốt quan trọng như Long Quang, nhà thờ Trí Bưu, ngã Ba Long Hưng… là những nơi mà quân giải phóng bất chấp hiểm nguy, gian khổ để đập tan các đợt phản kích của địch. Trong trận chiến 81 ngày đêm khói lửa ấy, Mỹ - Ngụy đã sử dụng một lực lượng bom đạn hết sức khổng lồ.

Lật những ký ức, ông nhớ lại: trận đánh kết thúc thì có chỉ thị “phối hợp các đơn vị chủ lực để đánh địch giải phóng dân, giải phóng Quảng Trị trong năm 1972”. Cùng với trung đoàn 57, Sư 324 và nhiều đơn vị đánh giải phóng Quảng Trị. Sau khi giải phóng, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực rút ra để tiếp tục nhiệm vụ tiến xuống phía Nam, Tiểu đoàn 8 được giao tiếp quản thị xã Quảng Trị và xây dựng cơ sở quản lý, giáo dục tù, hàng binh.

5 ngày sau đó địch phản kích, tiểu đoàn 8 tổ chức cho đơn vị sẵn sàng chiến đấu. Sau hơn 10 ngày liên tục tiến công, với sự chi viện mạnh của không quân, hải quân, pháo binh, thiết giáp, sư đoàn dù Ngụy vẫn không thực hiện được ý đồ tiến vào thị xã, cắm cờ lên thành cổ vào ngày 10/7, rồi lui lại ngày 13/7. Sau khi thất bại nặng nề không thực hiện được việc chiếm thị xã trước ngày 13/7, một mặt địch tìm cách đẩy lùi thời gian họp lại ở Pari, một mặt chúng tăng cường mật độ hỏa lực phi pháo để cắt đứt các con đường chi viện trực tiếp của ta vào thị xã; tăng cường lực lượng, hình thành thế trận bao vây và tiến công từ nhiều hướng để chiếm thị xã và thành cổ trước ngày 18/7 hoặc 28/7 là những ngày 2 phái đoàn ta và Mỹ dự định gặp nhau ở Pari.

Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị.
Mùa hè đỏ lửa Quảng Trị.

Tính đến ngày 16/9 năm 1972 cuộc chiến ở thị xã và thành cổ Quảng Trị đã trải qua 81 ngày đêm. Để giữ thị xã Quảng Trị và thành cổ, ta đã sử dụng lúc cao nhất 10 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo cao xạ và súng máy phòng không, 3 đại đội xe tăng, thiết giáp đồng thời có sự chi viện hiệu quả của 3 trung đoàn và 1 tiểu đoàn pháo bố trí bên tả ngạn sông Thạch Hãn.

Ta đã sử dụng lần lượt nhiều sư đoàn, nhiều đơn vị binh chủng để tiến hành các đợt phản kích đánh bên sườn, phía sau lưng địch phối hợp với lực lượng bảo vệ thị xã.Ta đã bẻ gãy nhiều đợt tiến công của địch, giữ thành cổ được 81 ngày đêm góp phần phục vụ đăc lực cho yêu cầu đấu tranh ngoại  giao, cho yêu cầu đấu tranh chinh trị, quân sự nói chung và tạo điều kiện để ta có thời gian củng cố và tổ chức giữ vững vùng giải phóng Quảng Trị.

“… Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều…”

Nhâm nhi ly trà hoa cúc thơm nồng, tôi quay sang hỏi chuyện vợ ông thì thấy bà lấy từ túi ra một cuốn sổ tay đưa cho tôi và nói: “chị xem qua, rồi cần gì cứ hỏi thêm”. Một cuốn sổ nhỏ gọn, ghi chép rất đều đặn những cung bậc cảm xúc khi mang bầu rồi đến lúc sinh con, chờ đợi ngày tháng ông trở về. Nét chữ nhiều chỗ chuệch choạng vì bàn tay run run cầm bút khi đang sắp chuyển sinh em bé. Những giọt nước mắt chảy loang đã làm cho đôi chỗ bị nhòe đi. Cuốn sổ khắc sâu tâm trạng của người viết. Có những dòng chữ rung lên trong tiếng gọi của tình yêu và hơi nồng của người vợ gánh vác cả gia đình, bỗng trở thành người dẫn dắt chuyện.

Ký ức những ngày hè đỏ lửa trên đất thành cổ Quảng Trị lại ùa về trong ông.
Ký ức những ngày hè đỏ lửa trên đất thành cổ Quảng Trị lại ùa về trong ông.

Ngày anh và em về chung một mái nhà chưa một lần chúng ta ăn một bữa cơm cùng nhau, chưa một lần đôi co cãi vã, bất đồng quan điểm. Vì chúng mình chưa được gần nhau thì anh lại tất bật lên đường làm nhiệm vụ rồi. Em chẳng biết thời gian bao lâu hòa bình sẽ lặp lại nhưng sẽ đợi anh về…”

Bà đã già, không còn minh mẫn nữa, nhưng vẫn nhớ như in mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu mà trong một bức thư  ông đề gửi cho bà: “Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ/ Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/ Phần cho thơ và phần để em yêu…”. Cứ lấy ý tứ mà suy thì ông chỉ dành tình cảm cho cái riêng (em yêu) chỉ chiếm 1/3 trái tim tươi đỏ của ông, còn hai phần nữa ông dành cho Đảng. Bởi vậy, trái tim tươi đỏ của ông có đến 2/3 dành cho Đảng, 1 phần cho gia đình.

Bức thư ấy, ông đã viết sau khi trận đánh ở thành cổ kết thúc. Lúc mà người này ngã xuống, người kia lại tiếp tục với ý chí: Tim còn đập thì thành cổ không thể mất!

Trở về cơ thể không còn lành lặn nhưng may mắn ông được sống, còn những người hi sinh, họ đã hóa thân vào màu xanh của hoa lá nơi Thành cổ, hòa tan vào dòng nước trong xanh sông Thạch Hãn để chở che và tắm mát cho chúng ta hôm nay.