Tiết lộ lực lượng bí mật nhất của Nga trong “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Tập đoàn Công nghệ Quốc gia Nga (Rostec), quân đội Nga đã sử dụng hầu như tất cả các hệ thống và tổ hợp tác chiến điện tử hiện có để tham gia vào “Chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Quân đội Nga triển khai nhiều hệ thống, tổ hợp tác chiến điện tử tham gia "Chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine (Ảnh: QQ).
Quân đội Nga triển khai nhiều hệ thống, tổ hợp tác chiến điện tử tham gia "Chiến dịch quân sự đặc biệt" chống Ukraine (Ảnh: QQ).

Thực tế cho thấy chiến trường Ukraine đã trở thành bãi huấn luyện lớn nhất của lực lượng tác chiến điện tử Nga; các hệ thống và tổ hợp tác chiến điện tử của họ đều thể hiện được hiệu quả và độ tin cậy trong tác chiến.

Bộ đội Tác chiến Điện tử Nga là một lực lượng rất "đặc biệt", luôn được đặt dưới chế độ giữ bí mật cao nhất, điều này cũng dễ hiểu. Khái niệm chiến tranh lấy không gian mạng là trung tâm được thực hiện ngày nay được coi là then chốt của chiến tranh điện tử hiện đại.

Chiến trường hiện đại mang lại cho tác chiến điện tử cơ hội thực hiện thành công các nhiệm vụ rộng nhất và rất "cụ thể", bao gồm:

- Chế áp thông tin liên lạc vô tuyến của đối phương, đảm bảo phối hợp quản lý lực lượng quân mình;

- Chiếm thế chủ đạo trong Ethernet;

- Gây nhiễu các hệ thống và tổ hợp điện tử của đối phương;

- Làm gián đoạn chức năng đến khi làm hỏng hoàn toàn hệ thống chỉ huy điều khiển quân đội và hỏa lực của đối phương, dẫn đến việc làm giảm hiệu quả sử dụng của các thiết bị quân sự;

- Bảo vệ hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí của lực lượng mình không bị các ảnh hưởng điện tử của đối phương.

Một tổ hợp tác chiến điện tử trên chiến trường Ukraine (Ảnh: QQ).

Một tổ hợp tác chiến điện tử trên chiến trường Ukraine (Ảnh: QQ).

Hiện nay, nếu không có sự tham gia của các thiết bị tác chiến điện tử, thì các hoạt động trinh sát, tổ chức phòng không các cơ sở chiến lược quan trọng cũng như các biện pháp phản chế áp đều không thể thực hiện được. Tất nhiên, nếu không có chiến tranh điện tử, sẽ là hoàn toàn không thể tiến hành hiệu quả các hoạt động tác chiến ở cấp độ hiện đại. Luận điểm này đã được chứng thực thành công hơn trong “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga.

Việc sử dụng các máy bay không người lái chiến tranh điện tử hiện đại được trang bị để nhận và chuyển tiếp thông tin cũng đã tăng lên đáng kể. Trong tương lai, nó sẽ ngày càng gia tăng thêm. Trong tình hình này, theo Trung tướng Yuri Rastochkin, người đứng đầu Lực lượng tác chiến điện tử Nga, việc sử dụng hệ thống tác chiến điện tử kết hợp với tên lửa có độ chính xác cao đã cho thấy hiệu quả một cách đáng ngạc nhiên.

Theo tạp chí Military Watch của Mỹ, quân đội Ukraine rất thích sử dụng máy bay không người lái (UAV) khi tiến hành các hoạt động trinh sát chiến thuật. Trong bối cảnh đó, các UAV của quân đội Ukraine sợ nhất là sự can thiệp gây nhiễu của các thiết bị tác chiến điện tử của Nga, đảm nhiệm việc ngăn cản công việc trinh sát và tấn công các máy bay không người lái. Các máy bay không người lái loại nhỏ được quân đội Ukraine và những người theo chủ nghĩa dân tộc sử dụng cho mục đích do thám, thường bị bắn hạ bởi súng chống máy bay không người lái REX-1 của Nga.

Súng chống máy bay không người lái REX-1 của Nga.

Súng chống máy bay không người lái REX-1 của Nga.

REX-1 là một thiết bị gây nhiễu di động giống khẩu súng trường được một công ty con của Tập đoàn Kalashnikov phát triển và ra mắt lần đầu tiên tại Triển lãm Quốc phòng Nga năm 2017. Nó không có cơ chế tiêu diệt động năng mà dựa vào khả năng của thiết bị gây nhiễu để cắt đứt khả năng giao tiếp và điều khiển hành trình tự động của máy bay không người lái với người điều khiển để vô hiệu hóa mối đe dọa do chúng gây ra.

REX-1 hoạt động trong phạm vi tần số 2,4 GHz và 5,8 GHz. Phạm vi này thường được dùng cho hoạt động của vô tuyến điện, điện thoại di động cũng như các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GNSS) như BeiDou, Galileo, GLONASS và GPS.

Để chế áp các UAV tiên tiến hơn, chẳng hạn như UAV chiến lược của NATO thực hiện các hoạt động do thám ở Biển Đen mang theo các tổ hợp và hệ thống tác chiến điện tử của chúng. Một trong những thiết bị tác chiến điện tử mạnh nhất của Nga, các chức năng của nó cho phép tước đoạt thông tin liên lạc, dẫn đường và vô hiệu hóa hệ thống điện tử hàng không của máy bay và tàu mặt nước (không cần nói đến máy bay không người lái), là tổ hợp tác chiến điện tử ven biển sóng ngắn "Murmansk-BN”. Hệ thống tác chiến điện tử này có khả năng gây nhiễu tín hiệu sóng ngắn (tần số từ 3 MHz đến 30 MHz) ở phạm vi 5.000 km. Ăng ten mở rộng tần số thấp của nó chiếm diện tích bằng 20 sân bóng đá và cột điện tử có độ cao tới 32 mét.

Một phần hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga.

Một phần hệ thống tác chiến điện tử Murmansk-BN của Nga.

Phạm vi phủ sóng của một tổ hợp Murmansk-BN được lắp đặt trên bán đảo Crimea đến tận Địa Trung Hải, chưa cần kể đến đất liền Ukraine.

Rõ ràng là một chiếc UAV không phải là mục tiêu ưu tiên của một tổ hợp tác chiến điện tử uy lực như Murmansk-BN. Tuy nhiên, trong kho vũ khí của Nga còn có một số hệ thống khác cũng có mức độ hiệu quả chiến đấu cao không kém.

Trước hết, đó là hệ thống "Quicksilver-BM" (có diện tích tác chiến 20-50 ha), hệ thống tác chiến điện tử dòng Krasuha và trạm gây nhiễu 1L267 "Moscow-1". Hai loại sau có thể làm tê liệt, vô hiệu hóa nghiêm trọng chức năng của bất kỳ vũ khí tấn công hoặc phòng thủ nào của đối phương trong khu vực hoạt động của chúng.

Trạm gây nhiễu 1L267 "Moscow-1" của Nga.

Trạm gây nhiễu 1L267 "Moscow-1" của Nga.

Các máy bay không người lái của Mỹ có giá 8 triệu USD/chiếc và các chuyên gia NATO cho rằng các hệ thống vũ khí hiện đại và tác chiến điện tử của Nga có thể “gây nhiễu các kênh điều khiển của máy bay không người lái, dẫn đến việc máy bay không người lái của Mỹ hoặc bị bắt hoặc bị rơi vì hỏng hóc không thể khắc phục được.

Ngoài ra, nguồn tin của Lầu Năm Góc chỉ ra rằng hiệu quả chiến đấu của loại "vũ khí thần kỳ" của Mỹ - các máy bay không người lái tự sát Switchblade thấp chưa từng có, với tỷ lệ hiệu quả tác chiến chỉ là 20%, điều này không phù hợp với tuyên truyền trước đó. Điều đáng chú ý, đó chủ yếu là do sự can thiệp thành công của hệ thống tác chiến điện tử tầm xa uy lực của quân đội Nga.

Hệ thống gây nhiễu vệ tinh từ mặt đất Tirada.

Hệ thống gây nhiễu vệ tinh từ mặt đất Tirada.

Nga cũng đã triển khai hệ thống liên lạc chống vệ tinh trên mặt đất "Tirada". Theo trang web của Mỹ, Tirada-2 có thể được sử dụng để gây nhiễu kênh tín hiệu lên của các vệ tinh thông tin, làm gián đoạn trung kế tín hiệu bằng cách buộc vệ tinh sử dụng toàn bộ điện lực của mình để đối phó các tín hiệu gây nhiễu; thậm chí có thể gây ra tổn hại vĩnh viễn.

Tất nhiên, quân đội Nga chắc chắn còn có các hoạt động tác chiến điện tử khác chưa được lộ diện trên chiến trường.