Tiếp tục kiến nghị triển khai hết gói 30.000 tỷ

Gói 30.000 tỷ đồng đã dần khép lại nhưng không ít lần Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) kiến nghị việc tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi cho đến khi hết gói tín dụng này.
HoREA tiếp tục kiến nghị triển khai hết gói 30.000 tỷ với các dự án đã cho vay dang dở. Ảnh: Zen Nguyễn.
HoREA tiếp tục kiến nghị triển khai hết gói 30.000 tỷ với các dự án đã cho vay dang dở. Ảnh: Zen Nguyễn.

Ngày 23/5, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) lại có văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02 với lãi suất ưu đãi theo tiến độ giải ngân mua căn hộ.

HoREA cho biết, gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng là nhân tố quan trọng góp phần tích cực giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu, hỗ trợ hơn 46.000 hộ gia đình có nhà ở và tạo tiền đề giúp cho thị trường bất động sản phục hồi từ cuối năm 2013 đến nay. Tuy nhiên, theo quy định thì gói tín dụng này sẽ dừng thực hiện vào ngày 1/6 tới. Và từ 31/3, NHNN đã yêu cầu các NHTM dừng ký thêm các hợp đồng mới, vì số vốn trên đã được giải ngân hết.

Theo số liệu từ HoREA, đến ngày 10/3/2016, các ngân hàng thương mại đã ký cam kết cho vay 30.122 tỷ đồng với 46.246 khách hàng, đã giải ngân theo tiến độ 21.321 tỷ đồng (đạt 71%).

Riêng tại TP HCM, đến ngày 31/3/2016, các ngân hàng đã cam kết cho vay 7.518 tỷ đồng (chiếm 25% gói tín dụng ưu đãi) cho 9.831 khách hàng (chiếm 21,25% tổng số khách hàng toàn quốc). Trong số này có 5.975 tỷ đồng cho 9.823 cá nhân vay, và đã giải ngân được 5.357 tỷ đồng.

Kiến nghị của Hiệp hội gửi NHNN là tiếp tục triển khai gói tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng với các dự án đã triển khai cho đến khi hết.

Để giải quyết bài toán này, HoREA đưa ra đề xuất thống kê, xác định số dư nợ theo các hợp đồng vay của từng ngân hàng thương mại. Sau ngày 31/5/2016, các ngân hàng thương mại được tiếp tục giải ngân cho khách hàng vay đến hết hợp đồng theo tiến độ. Điều kiện giải ngân được xác định trong hợp đồng tín dụng để các doanh nghiệp và người vay yên tâm.

Hiệp hội cũng kiến nghị sửa Thông tư 36 cần có lộ trình phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó kiến nghị cho phép tổ chức tín dụng được sử dụng 50% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn, và đề nghị vẫn xếp các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản vào nhóm tài sản có hệ số rủi ro 150% như hiện nay. Việc áp dụng các quy định này thích hợp nhất có thể sau năm 2017, để các bên có liên quan chủ động điều chỉnh hoạt động của mình thì hợp lý hơn và không gây sốc cho thị trường.

Theo Zing