Tiến sỹ Mai Liêm Trực: “Internet là kỳ quan vĩ đại nhất của nhân loại“

VietTimes -- Cách đây đúng 20 năm (ngày 19/11/1997), Việt Nam đã chính thức kết nối Internet với quốc tế. Để đạt được điều đó, chúng ta phải thoả mãn nhiều điều kiện về kỹ thuật, nhân lực và yếu tố pháp lý. VietTimes đã có cuộc trao đổi với TS Mai Liêm Trực – nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông về vấn đề này.
TS Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông.
TS Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông.

Trước hết, xin ông cho biết một vài nét về bối cảnh mà Việt Nam chính thức kết nối Internet vào cuối năm 1997.

Về sự ra đời của Internet, như chúng ta đã biết là xuất phát từ nước Mỹ từ những năm 1980 với hình thức ban đầu là thư điện tử và truyền tệp dữ liệu. Đến năm 1991 thì mới có World Wide Web. Để Internet có thể vào Việt Nam thì chúng ta phải thoả mãn một số điều kiện. Trước hết là phải có hệ thống viễn thông tự động hoá trên toàn quốc vì Internet lúc đó phải kết nối qua đường dây điện thoại (dealing up). Đến hết 1995, ngành bưu điện Việt Nam đã số hoá và tự động hoá đến tất cả các tỉnh và thành phố trong cả nước và kết nối thuận lợi với quốc tế. Thứ hai là phải có các doanh nghiệp cùng đội ngũ kỹ thuật để sẵn sàng cho việc cung cấp Internet. Lúc đó, chúng ta đã có một số doanh nghiệp sẵn sàng tham gia thị trường như VDC, FPT, SaigonNet và Netnam của Viện Công nghệ Thông tin (dù chưa phải là doanh nghiệp). Tuy nhiên, vấn đề quyết định nhất vẫn là phải được sự đồng ý, cho phép của lãnh đạo Đảng và Chính phủ cho phép kết nối.

Do Internet là lĩnh vực rất và có thể có tác động mạnh về xã hội cũng như chủ quyền an ninh quốc gia nên nhiều người nhất là lãnh đạo Đảng và Chính phủ lo ngại. Vì vậy, chúng tôi đã phải có nhiều cuộc thuyết phục với lãnh đạo Đảng và Chính phủ về Internet. Sau đó, cơ quan quản lý nhà nước lúc đó là Tổng cục Bưu điện phải ban hành được một loạt chính sách có liên quan như tự do hoá thị trường viễn thông và tháng 3/1997, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 21/CP để ban hành chính sách tạm thời về quản lý và cung cấp dịch vụ Internet. Sau đó là các thông tư liên bộ với Bộ Văn hoá Thông tin, Bộ Công an để quản lý Internet. Và tới tháng 11/1997, Việt Nam đã chính thức kết nối Internet với 4 nhà cung cấp là VDC, FPT, Saigon Postel và Netnam.

Tuy nhiên, Nghị định 21/CP cũng chỉ là chính sách tạm thời cho Internet và chính sách này theo nhiều ý kiến là còn “thắt” quá. Xin ông cho biết, nguyên nhân tại sao?

Đúng là như vậy vì Internet còn mới quá nên chúng ta còn phải xem Internet vào Việt Nam như thế nào rồi sẽ tiếp tục điều chỉnh. Chúng tôi nhận được ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị là “quản lý đến đâu, mở ra đến đó”.  Vì thế, thời kỳ đầu thì Internet rất là chậm và thậm chí những dịch vụ Internet công cộng mà chúng ta quen gọi là Internet Cà phê còn không được cho làm. Có một lần, Bưu điện Phú Yên có gọi điện thoại cho tôi và thông báo việc một cửa hàng cà phê Internet bị công an đến tịch thu thiết bị. Bản thân tôi khi đó rất bức xúc nhưng không thể làm gì vì Nghị định 21/CP không cho phép. Nhưng dù sao, tôi vẫn đánh giá việc Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành Nghị định này là một quyết định dũng cảm.

Khi xây dựng chính sách ban đầu về Internet, có rất nhiều ý kiến khác nhau như lo lộ bí mật Nhà nước, lo những thông tin độc hại… Do đó, nếu cứ tiếp tục bàn cãi thì không biết đến bao giờ Việt Nam mới chính thức có Internet. Do vậy, với một chính sách dù chỉ là tạm thời thì chúng ta đã kết nối Internet chỉ sau Thái Lan và Singapore có 1 năm. Và chúng tôi rất thông cảm với quyết định đó của Chính phủ.

Chỉ sau đó 2 năm, Tổng cục Bưu điện đã bắt tay xây dựng và trình Chính phủ Nghị định mới để quản lý Internet và năm 2001, Nghị định 55/2001/NĐ-CP đã được Chính phủ ban hành để chính thức quản lý Internet. Một trong những điểm lợi của Internet chính là báo chí vì với báo in, việc gửi ra nước ngoài mất cước phí tới 10 USD/kg và chưa kể đến khâu phát hành, rồi tới tay bạn đọc thì cũng đã chậm ít nhất 1 tuần. Nhưng với báo điện tử thì mọi thông tin là ngay lập tức trên toàn cầu. Đó là một trong những thực tiễn mà chúng tôi đã thuyết phục được lãnh đạo Đảng và Chính phủ để phải có chính sách mới trong quản lý Internet với phương châm mới là “quản lý phải theo kịp tốc độ phát triển”.

Trong phát biểu chính thức Tuần lễ Tin học 2001, ông từng nói rằng “trong vòng 10 – 15 năm nữa, Internet sẽ phát triển khác xa so với sự tưởng tượng của chúng ta hôm nay”. Và thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Xin ông có một vài bình luận xung quanh nhận định đó của mình.

Có thể nói, Internet đã và đang phát triển rất nhanh, vào thời điểm những năm 2000, ai có thể tưởng tượng được ra rằng chiếc điện thoại thông minh (smartphone) cũng vào được Internet để đọc báo và kiêm luôn cả đồng hồ, dự báo thời tiết, thậm chí có thể đo nhịp tim, huyết áp của người sử dụng nó. Và rồi người ta có thể gọi điện thoại không mất tiền nhờ công nghệ âm thanh và hình ảnh trên Internet (OTT). Vì thế, những nhà sản xuất đồng hồ đeo tay, đồng hồ báo thức cũng mất dần thị trường. Và rồi những ứng dụng của Uber, Grab... những thực tiễn của Internet mà vào những năm 2000 chúng ta không thể tưởng tượng được ra. Như thế, hãng vận tải lớn nhất hoàn toàn không sở hữu một chiếc xe hơi nào. Và rồi với báo chí thì báo điện tử cũng đã phát triển nhanh chóng, cạnh tranh với báo in truyền thống…

Hàng loạt công nghệ liên quan đến Internet đã và đang xuất hiện. Dù biết răng nó sẽ ra đời nhưng khó ai có thể hình dung hết được. Bước vào giai đoạn phát triển Internet Vạn vật (IoT) ngày nay, không chỉ máy tính, điện thoại thông minh thì có thể có đến hàng tỷ thiết bị công nghiệp và dân dụng được kết nối Internet. Qua đó, người ta có thể điều khiển ngôi nhà thông minh của mình từ xa, điều khiển quy trình sản xuất công nghiệp cũng từ xa…  Sự kết nối của IoT vượt xa gấp nhiều lần so với kết nối với con người. Và thực tế đó cho thấy, chúng ta càng khó dự đoán được tương lai của Internet trong những năm tiếp theo.

Internet đã đem lại cho chúng ta một không gian sống mới bên cạnh không gian vật lý mà chúng ta gọi là cuộc sống thực. Tôi không muốn gọi Internet là thế giới ảo vì thực ra đó cũng là thế giới thực của chúng ta. Chúng ta đọc báo là đọc báo thật. Gọi điện thoại cho người thân qua Internet cũng là người thật. Giao dịch qua Internet cũng là giao dịch thật. Và thậm chí qua môi trường Internet, nhiều người còn nói thật hơn là gặp gỡ trực tiếp. Internet đã bổ sung cho nhân loại một không gian sống mới, một môi trường sống mới. Không gian sống mới đã làm cho chúng ta nâng cao được trí tuệ và cuộc sống trên không gian vật lý vì thế cũng được tốt đẹp hơn. Và trách nhiệm của chúng ta là phải làm cho cuộc sống online tốt đẹp hơn chứ không phải là mang những thứ rác rưởi lên đó.

Qua những thực tế trên, tôi cho rằng Internet chính là kỳ quan vĩ đại nhất của nhân loại. Những kỳ quan thế giới như Vạn lý Trường thành, Kim tự tháp Cheops cũng chỉ có hàng triệu người đến tham quan mỗi năm. Trong khi đó thì Internet có đến hàng tỷ người sử dụng thường xuyên.  

Nối tiếp của Internet, tôi muốn nói đến cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0). Đây là cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của số hoá và kết nối mà Internet vạn vật là một thành tố. CMCN 4.0 đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực mà chúng ta khó có thể tưởng tượng hết được về những thành tựu của nó. Tôi tin chắc, trong sản xuất công nghiệp, CMCN 4.0 sẽ làm được tính cá thể hoá sản xuất. Cụ thể là có thể may đo cho từng cá nhân với tốc độ như sản xuất hàng loạt hơn cả dây chuyền sản xuất hiện nay. Công nghệ in 3D là tạo ra sản phẩm đơn chiếc có chất lượng như sản phẩm sản xuất hàng loạt. Cá thể hoá còn là từng cá nhân có thể sản xuất và cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn cầu.

Tiếp đó là sự xuất hiện của robot sẽ làm thay đổi cơ cấu lao động. Những công việc sử dụng lao động giản đơn sẽ dần được máy móc thay thế. Thậm chí, robot còn tham gia vào những công việc của lao động bậc trung, thậm chí bậc cao chứ không chỉ là những lao động giản đơn. Thí dụ như luật sư sau này có thể khó có công ăn việc làm hơn vì toàn bộ các thông tin tư vấn đã được số hoá và máy tính với trí tuệ nhân tạo cũng hoàn toàn có thể tư vấn cho khách hàng. Thế rồi các ngành dệt may và kể cả nông nghiệp cũng sẽ có nhiều thay đổi khi robot được ứng dụng. Và rồi sẽ xuất hiện xe hơi không người lái, máy bay không người lái, tàu ngầm không người lái… Rồi có thể nói đến y học thì thay vì phải đi khám bệnh ở bệnh viện, phòng khám… người ta có thể mặc lên người một chiếc áo đặc biệt là mọi số liệu về nhịp tim, huyết áp… có thể được theo dõi 24/24 giờ hàng ngày. Và tất cả các số liệu đó đều được truyền qua Internet đến bác sĩ.

Theo một số ý kiến, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội với 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước và với CMCN 4.0 thì đây là cơ hội cuối cùng. Ông có bình luận gì về những ý kiến này?

Với các cuộc cách mạng công nghiệp trước, Việt Nam đã chậm hơn thế giới nhưng với cách mạng công nghiệp thứ 3 tuy có chậm hơn nhưng khoảng cách cũng không lớn. Riêng với Internet, chúng ta không chậm hơn và đó là điều kiện để chúng ta rút ngắn khoảng cách so với các nước. Với CMCN 4.0, tôi không muốn nói đó là cơ hội cuối cùng mà chỉ muốn nói rằng đó là thời cơ rất tốt để Việt Nam cùng đi với các nước trên một chuyến tàu, cùng làm công nghiệp 4.0 với các nước ở một lĩnh vực nào đó mà Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, dịch vụ cũng như là ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghệ số và kết nối vạn vật.

Việt Nam phải tranh thủ thành tựu của CMCN 4.0 để phục vụ sản xuất và đời sống của người dân. Đây là một cơ hội mà nếu bỏ lỡ thì chúng ta sẽ lại tiếp tục đi sau các nước. Đó chính là khát vọng của thế hệ trẻ, của các nhà khoa học hiện nay. Và đó cũng là khát vọng của đất nước từ Chủ tịch nước, Tổng bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội đều đã có những tác động để cổ vũ cho CMCN 4.0. Nếu chúng ta làm được như vậy thì đó là may mắn cho đất nước để rút ngắn khoảng cách tụt hậu và có thể đàng hoàng tham gia chuyến tàu của thế giới với CMCN 4.0.

Xin cám ơn ông!