Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm

E-magazine Tiến sĩ triết học Nguyễn Hữu Liêm: "Vũ trụ là một cấu trúc số"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chia sẻ với những người tham dự tại buổi thảo luận chuyên đề của Câu lạc bộ Cafe Số, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm nói rằng vũ trụ chính là một cấu trúc số, và là một bản giao hưởng của năng lượng.

Vũ trụ là cấu trúc số

Để nói về vũ trụ, tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm đã dẫn lại học thuyết của nhà toán học, nhà triết học nổi tiếng của Hy Lạp là Pythagoras - vốn được người Việt Nam biết đến với định lý Pi-ta-go trong Toán học.

Pythagoras sinh khoảng năm 580 đến 572 trước Công nguyên, mất khoảng năm 500 đến 490 trước Công nguyên. Ông là một huyền thoại Hy Lạp - quốc gia này là cái nôi của văn minh Tây phương, khai sinh ra ý thức.

Ông tin vào sự tồn tại của linh hồn từ kiếp này sang kiếp khác (tái sinh).

Pythagoras nói rằng vũ trụ này được hình thành và sáng tạo bởi một chương trình, một kế hoạch trừu tượng. Kế hoạch trừu tượng này hoàn toàn của tri thức, tri kiến.

Triết học cổ đại Pythagoras cho rằng mỗi con người sinh ra đều được gán một con số (mệnh). Nhờ mức độ tín dụng của người tiền kiếp mà con người ở kiếp này được có một số (mệnh). Nếu con người làm sai số (mệnh) mà mình đã được sinh ra đó, thì người đó sẽ rất đau khổ, thất bại. Cái số này là bí mật mà con người phải tìm cho được. Đó là cái tinh hoa của triết học Pythagoras.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm nói rằng các triết gia cổ đại đã thấy cần có Toán học, phương tiện của Toán học để giải thích sự tồn tại của vật chất và vũ trụ. Nhà toán học Albert Einstein đã từng dùng Toán học để dự đoán có lỗ đen trong hệ thống ngân hà, mà khi đó ai cũng chế nhạo ông. Sau này với khoa học công nghệ hiện đại, người ta đã xác nhận lỗ đen là có thực.

Theo TS Nguyễn Hữu Liêm, Toán học tiên đoán thực tại mà kinh nghiệm, cảm giác, quan sát chưa thể vươn đến được. "Toán học và con số - nếu chúng ta nắm được bí mật của con số thì chúng ta nắm được bí mật của vũ trụ, vũ trụ là một cấu trúc số," TS Liêm nhấn mạnh.

Vũ trụ cũng là một cấu trúc về luân lý. Cấu trúc về luân lý trong vũ trụ này có thể áp dụng cho tất cả các yếu tố từ con người, xã hội, hệ thống chính trị, thời đại. Quy luật luân lý (đạo đức) còn mạnh hơn quy luật vật lý. Quy luật vật lý có thể sai, có thể thay đổi, còn quy luật luân lý tồn tại mãi mãi.

Trong chữ Ngôi Lời (Word Logos) trong giáo lý Thiên chúa giáo, chữ Logos xuất phát từ quy luật đó. Quy luật đó có luân lý, chân lý. Nhiệm vụ của con người là phải nhìn ra những quy luật đó vận hành bên trong chúng ta như thế nào để chúng ta tìm ra định mệnh của mình.

Pythagoras ăn chay trường và tin rằng mọi chúng sinh đều có linh hồn. Về sau Aristotle phát triển triết lý này lên và nói rằng ở cõi đất đá thì chúng không có cá tính/ tính cá nhân. Khi lên cõi cây cỏ (thực vật) thì có tính cá nhân. Thực vật, cây cỏ đều có 2 năng lực chủ yếu: tái sinh sản (hay còn gọi là năng lực tính dục) và ăn uống. Tính dục là linh hồn của thực vật. Thiên nhiên đều là năng lực tính dục giữa trai và gái, giữa nam và nữ, giữa âm và dương.

Theo TS Nguyễn Hữu Liêm, rất ít người vượt qua được năng lực tính dục đó. Ngoài cái dục thân xác, người tu hành ngày nay phải vượt qua cái dục về tiền bạc vì sự sa đọa của con người đã đi ra khỏi những luân lý ở trên.

Năng lực/linh hồn thứ hai của thực vật là ăn uống. Cây cỏ cần tìm nước và hướng đến ánh mặt trời. Ở những vùng sa mạc không có mưa, cây cỏ mọc trên đá nhưng vẫn sống được nhờ ăn hơi sương chứ không phải hút nước từ rễ.

Lên đến động vật thì lại có thêm 2 năng lực nữa là cảm giác (cảm nhận cái đau) và chuyển động. Theo TS Liêm, người nào ngồi một chỗ không yên, muốn chuyển động, là linh hồn động vật còn rất mạnh. Ở con người, ngoài linh hồn thực vật và động vật còn có linh hồn lý tính.

Triết gia Pythagoras là người đầu tiên cho phép phụ nữ tham gia cùng nam giới trong các lớp học do ông tổ chức. Ông ủng hộ bình đẳng giới. Nên biết rằng nước Mỹ phải đến năm 1934 mới bỏ đạo luật không cho phụ nữ đi bỏ phiếu. Năm 1931 lần đầu tiên phụ nữ mới được đứng tên sở hữu bất động sản.

Pythagoras nói rằng mỗi xã hội, mỗi quốc gia là một tổng thể của tất cả những tiềm năng, có cùng một tần số/số phận. Tổng thể đó - trên cơ sở là một quốc gia, một dân tộc cùng nhau học hỏi để phát triển.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm, các nhà toán học và các nhà vật lý đã phát hiện ra 20 hằng số vũ trụ (universal constants). Chỉ cần thay đổi một chút nhỏ hằng số constant này thôi thì Trái đất không thể tồn tại. Do đó, sự hình thành vũ trụ, Trái đất này là cả một kế hoạch, mà cái kế hoạch này đã được định trước bằng công thức toán học.

Vũ trụ là bản giao hưởng

Sau khi dành nhiều năm đến Ấn Độ, Babylon và Ai Cập để tìm hiểu nền khoa học của các dân tộc, ở tuổi 50, Pythagoras trở về quê nhà mở lớp Toán học, Số học và Âm nhạc. Bởi vì, Số học là chìa khóa để mở ra tất cả bí mật của vũ trụ. Pythagoras cũng nói rằng vũ trụ là một bản giao hưởng mà thực tại của vũ trụ - từ hạt cát, con người, hành tinh cho đến dải ngân hà - đều là bản giao hưởng theo trình độ.

Các nhà vật lý đã tìm ra dưới nguyên tử có neutron, electron, proton. Dưới neutron có hạt quark và dưới quark chính là một bản nhạc. Nhạc đi theo nốt - tất cả đều là số. Nhạc là cơ sở, nền tảng siêu hình của thực tại vũ trụ này, do đó vũ trụ này là cả một bản hòa tấu theo thời đại - TS Nguyễn Hữu Liêm nói.

Các nhà vật lý của NASA trong dự án gần đây đã phát hiện ra rằng các hành tinh chuyển động theo một làn sóng, một giao hưởng. Vào đầu những năm 1980, một số nhà vật lý hàng đầu đã nêu ra Thuyết dây (string theory). Thuyết này nói rằng cái cuối cùng/tối hậu của vật thể là một bản nhạc, là cái vibration - sự chuyển động của năng lượng.

Khi các nhà vật lý nhìn lại lý thuyết về số học của Pythagoras thì vòng lịch sử của nhân loại về kiến thức nó hoàn tất. Hồi đầu khi có người nói về cái giao hưởng của vũ trụ thì sẽ bị chế nhạo nhưng bây giờ các nhà vật lý đã nói nhiều hơn về điều này.

Theo TS Nguyễn Hữu Liêm, ý niệm về không gian, thời gian bây giờ cũng đã thay đổi, không còn như xưa nữa. Cấu trúc vụ trụ như là một hệ thống các con số. Mỗi một người, một quốc gia, một hành tinh đều được sinh ra với một tập các con số (set of numbers), mà nhiệm vụ của chúng ta là phải khám phá ra giá trị của các con số nhận được.

Cũng theo tiến sĩ Liêm, kiến thức của Tây phương đã đi theo một vòng tròn. Giờ đây họ quay lại khám phá và phát hiện ra những gì nguyên thủy nhất.

Vũ trụ đi theo chu kỳ

Nguyên tắc thứ ba mà ông Pythagoras đề cập về lý thuyết số là vũ trụ này đi theo chu kỳ (cycle). Tất cả đều có mùa, đều có thời kỳ và trải qua các vòng lặp. Theo Pythagoras thì con người có chu kỳ 9 năm: 1-9 phát triển cơ thể cơ bản; 9-18 phát triển cá tính; 18-27 bắt đầu đời sống xã hội; 28 bắt đầu cơ sở tinh thần. Nếu biết được chu kỳ của con người thì và làm những thứ phù hợp với chu kỳ thì công việc sẽ thuận lợi. Còn triết học phương Đông thì cho rằng "tam thập nhi lập" - đến tuổi 30 thì con người có thể vững vàng lập nghiệp.

Chu kỳ của thiên nhiên và vũ trụ tạo ra các quy luật ảnh hưởng đến đời sống con người. Chẳng hạn khi trăng tròn thì con người rất dễ bị xúc động.

Theo triết gia Aristotle, Thượng đế là có thực, còn con người nằm giữa tiềm năng và thực tại, nên con người muốn làm gì thì phải biến tiềm năng thành thực tại.

Aristotle cũng nói: hạnh phúc là mức độ mà một con người hiện thực hóa được tất cả tiềm năng của mình. Người nông dân có loại hạnh phúc của ông ta, người ngư dân có hạnh phúc kiểu ngư dân, người vợ hiền có hạnh phúc của vợ hiền, triết gia có hạnh phúc của triết gia. Không có một mẫu hạnh phúc chung cho mọi người. "Bởi vì như Pythagoras đã nói chúng ta sinh ra là một tập hợp con số. Định mệnh con người không phải là gắn chặt vào số (mệnh) mà con người khám phá phát huy tất cả các tiềm năng của mình," tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Liêm là tiến sĩ Luật khoa, tiến sĩ Triết học, nguyên Chủ nhiệm khoa Triết - San Jose City College.

Triết gia Dương Ngọc Dũng từng nhận xét về ông Nguyễn Hữu Liêm rằng: "Có thể nói mà không sợ mang tiếng quá phóng đại rằng Nguyễn Hữu Liêm đang là Hegel của Việt Nam. Ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào một lĩnh vực xưa nay vốn vẫn chỉ dành riêng cho một thiểu số đặc biệt. Ông đi thẳng vào những vấn đề triết học mà ông quan tâm nhất: Hegel, Fukuyama, Wilber, và truyền thống huyền học (esoteric tradition) Tây phương."