'Tiền rẻ' sắp hết, chứng khoán về đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với việc lạm phát đang là mối lo ngại lớn nhất hiện nay, Fed đã quyết định bắt đầu 'giảm van' bơm tiền từ đầu tháng 11/2021, và gần như chắc chắn, sang năm 2022, Fed sẽ tiến hành nâng lãi suất trở lại.
Hậu kỷ nguyên 'tiền rẻ', sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp chứng khoán tiếp tục thăng hoa?
Hậu kỷ nguyên 'tiền rẻ', sự phục hồi của nền kinh tế sẽ giúp chứng khoán tiếp tục thăng hoa?

Hiểu đơn giản, lãi suất chính là chi phí vốn. Chi phí vốn cao khi cơ hội đầu tư nhiều, tiềm năng tăng trưởng lớn, và ngược lại, chi phí vốn thấp khi tiềm năng tăng trưởng cũng thấp.

Còn hiểu một cách đơn giản hơn nữa thì lãi suất chính là chỉ báo tương lai của tăng trưởng kinh tế.

Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy những nước có tăng trưởng GDP cao thì lãi suất thường cao và ngược lại. Ví dụ, Việt Nam với tăng trưởng GDP ở mức cao (trên 6%) thì mặt bằng lãi suất ở cũng luôn cao hơn ở các nước châu Âu (tăng trưởng GDP gần 1%).

Lãi suất nhiều nơi trên thế giới cũng đang có xu hướng hạ thấp hơn (nhiều nước lãi suất còn về âm). Điều này đồng nghĩa với việc thế giới đã và đang rơi vào thời kỳ tăng trưởng ngày càng chậm lại, mặc cho vô vàn các sáng tạo, phát kiến về công nghệ, AI, y sinh, năng lượng… liên tiếp được tạo ra. Dường như, thế giới đã bước vào kỷ nguyên bão hoà, đi cùng với đó là kỷ nguyên lãi suất thấp.

Khi kỷ nguyên 'tiền rẻ' tới hồi kết

Lãi suất có mối liên hệ cực kỳ mật thiết với thị trường chứng khoán. Khi lãi suất giảm chứng khoán sẽ tăng và ngược lại, lãi suất tăng chứng khoán sẽ giảm. Vậy nhưng lãi suất sẽ tăng khi triển vọng kinh tế tươi sáng trở lại, nghĩa là khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục sau đại dịch thì chứng khoán sẽ giảm. Điều này có đúng hay không (!?).

Mối liên hệ nghe có vẻ phi lý này lại thực sự tồn tại trong thực tế, đó là sự lệch pha của thị trường chứng khoán và tăng trưởng kinh tế (GDP). Trong ngắn hạn chu kỳ tăng/giảm của chứng khoán và tăng trưởng GDP là lệch pha nhau.

Khi tăng trưởng GDP chậm lại chúng ta sẽ thấy các ngân hàng trung ương sẽ nhanh chóng hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế. Việc làm này sẽ dẫn đến sự tăng giá trên thị trường chứng khoán.

Ngược lại, khi tăng trưởng GDP hồi phục, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lại suất để phòng ngừa lạm phát và tạo ra một sóng giảm giá trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, mối liên hệ nghịch đảo giữa nền kinh tế và thị trường chứng khoán chỉ tồn tại trong ngắn hạn, đặc biệt là khi xuất hiện các cú sốc đột ngột như suy thoái hay đại dịch. Còn trong dài hạn thì hai điều này là đi song song với nhau, tăng và giảm cùng nhau. Khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức ổn định, thì thị trường chứng khoán sẽ lại tăng điểm trở lại để bắt kịp chu kỳ mới của nền kinh tế.

Do đó, trong thời gian sắp tới, khi Fed tiến hành tăng lãi suất để đối phó với lạm phát, hoàn toàn có thể sẽ xảy ra một sóng điều chỉnh mạnh trên thị trường chứng khoán toàn cầu.

Nhưng có lẽ đó sẽ là cơ hội để mua vào các mặt hàng tốt mà bỗng nhiên được “hạ giá”. Một cơ hội lớn cho các nhà đầu tư muốn bám theo một chu kỳ tăng trưởng mới của nền kinh tế thế giới sau đại dịch Covid-19./.

(*) Phó Chủ tịch Quỹ đầu tư AlphaGrep (Singapore)