Tiền lớn đổ về hệ sinh thái Phúc Khang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các thành viên thuộc hệ sinh thái Phúc Khang Group đã huy động thành công ít nhất 2.750 tỉ đồng từ kênh trái phiếu.
Lô trái phiếu 700 tỉ đồng của Phúc Khang Đông Sài Gòn cao gấp 2,8 lần so với vốn điều lệ chỉ là 250 tỉ đồng (Nguồn: Phúc Khang Corporation)
Lô trái phiếu 700 tỉ đồng của Phúc Khang Đông Sài Gòn cao gấp 2,8 lần so với vốn điều lệ chỉ là 250 tỉ đồng (Nguồn: Phúc Khang Corporation)

Công ty TNHH Phúc Khang Đông Sài Gòn (viết tắt: Phúc Khang Đông Sài Gòn) vừa công bố phát hành thành công 700 tỉ đồng trái phiếu có mã PKĐSGH2023001 từ ngày 31/12/2020 - 24/2/2021.

Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm, là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm bằng tài sản, có lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Các thông tin cụ thể hơn về lãi suất cũng như danh sách trái chủ không được tiết lộ. Tổ chức tham gia thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS).

Toàn bộ số tiền thu được từ phát hành trái phiếu, Phúc Khang Đông Sài Gòn sẽ sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động và hợp tác với đối tác để phát triển các dự án bất động sản tiềm năng.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Phúc Khang Đông Sài Gòn được thành lập vào tháng 12/2013, trụ sở chính đặt tại số 51 Ngô Thì Nhiệm, quận 3, TP. HCM.

Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 50 tỉ đồng, được góp vốn bởi 2 cá nhân là bà Lưu Thị Thanh Mẫu (góp 35 tỉ đồng, nắm giữ 70% VĐL) và bà Lưu Thị Bình Dân (góp 15 tỉ đồng, nắm giữ 30% VĐL). Chủ tịch HĐTV kiêm người đại diện theo pháp luật bà Lưu Thị Thanh Mẫu (SN 1978).

Khoảng 5 tháng sau, tháng 5/2014, bà Lưu Thị Thanh Mẫu đã chuyển nhượng toàn bộ 70% cổ phần Phúc Khang Đông Sài Gòn cho 2 cá nhân là ông Lưu Văn Trung (nhận 50% cổ phần) và ông Phạm Hoàng Lương (nhận 20% cổ phần). Đồng thời, vị trí Chủ tịch HĐTV cũng chuyển sang cho ông Phạm Hoàng Lương (SN 1964) đảm nhiệm.

Đến tháng 12/2020, Phúc Khang Đông Sài Gòn tăng vốn điều lệ lên 250 tỉ đồng, thành phần cổ đông và tỷ lệ sở hữu lúc này gồm: bà Lưu Thị Bình Dân (nắm giữ 48% VĐL), ông Lưu Văn Trung (nắm giữ 50% VĐL), ông Phạm Hoàng Lương (nắm giữ 2% VĐL).

Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các năm gần đây, các chỉ tiêu kinh doanh của Phúc Khang Đông Sài Gòn đang dần được cải thiện. Như năm 2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của công ty này đạt lần lượt 96,8 tỉ đồng và 17,5 tỉ đồng, cao gấp 3,4 lần và 3,8 lần so với năm 2018.

Trước đó, năm 2016 và 2017, Phúc Khang Đông Sài Gòn báo lỗ sau thuế lần lượt 2,59 tỉ đồng và 5,8 tỉ đồng.

Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản Phúc Khang Đông Sài Gòn đạt 268,7 tỉ đồng - cao gấp 4 lần so với vốn chủ sở hữu.

Dòng vốn 2.750 tỉ đồng từ trái phiếu

Phúc Khang Đông Sài Gòn là một thành viên thuộc hệ sinh thái Phúc Khang Group của vợ chồng doanh nhân Trần Tam (SN 1974) và Lưu Thị Thanh Mẫu (SN 1978).

Như VietTimes từng đề cập, Phúc Khang Group là nhà phát triển địa ốc khá nổi tại khu vực phía Nam, với hàng loạt dự án đã và đang được triển khai như: Eco Sun (quy mô 79.000 m2 tại Đồng Nai), Eco Village (quy mô 95 ha tại Long An), Eco Town (quy mô 3 ha tại Hóc Môn, TP. HCM), Diamond Lotus Riverside (quy mô 16.600 m2 tại quận 8, TP. HCM), Diamond Lotus Lakeview (quy mô 11.459 m2 tại quận 11, TP. HCM), Rome by Diamond Lotus (trung tâm Thủ Thiêm, Quận 2, TP. HCM); và đặc biệt là dự án Làng Sen Việt Nam có quy mô hơn 65 ha tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Một số thương vụ phát hành trái phiếu của các thành viên thuộc hệ sinh thái Phúc Khang Group (Nguồn: HNX)

Một số thương vụ phát hành trái phiếu của các thành viên thuộc hệ sinh thái Phúc Khang Group (Nguồn: HNX)

Trước Phúc Khang Đông Sài Gòn, một số thành viên khác trong hệ sinh thái Phúc Khang Group cũng từng huy động được lượng vốn lớn qua kênh trái phiếu, như: Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đầu tư Phúc Khang (tên viết tắt PKIM, phát hành 500 tỉ đồng vào tháng 11/2020); CTCP Bất động sản Ngôi nhà Hạnh phúc (phát hành 200 tỉ đồng từ ngày 31/3/2020 - 2/6/2020), hay CTCP Phúc Long Vân (phát hành 1.350 tỉ đồng vào tháng 7/2019).

Được biết, toàn bộ các lô trái phiếu kể trên đều có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần so với quy mô vốn điều lệ của tổ chức phát hành. Đơn cử như lô trái phiếu 700 tỉ đồng của Phúc Khang Đông Sài Gòn đề cập ở đầu bài viết cũng cao gấp 2,8 lần so với vốn điều lệ chỉ là 250 tỉ đồng.

Về các cổ đông của Phúc Khang Đông Sài Gòn, Chủ tịch HĐTV, ông Phạm Hoàng Lương còn đứng tên tại một số pháp nhân khác như: CTCP Căn nhà Mơ ước - Hà Nội; CTCP Đầu tư Kim Đô, CTCP Khách sạn Mơ Ước.

Trong khi đó, cổ đông lớn nhất - ông Lưu Văn Trung đang đứng tên tại Công ty TNHH Du lịch Đức Hòa Eco, Công ty TNHH Đô thị Hướng Dương. Còn bà Lưu Thị Bình Dân đứng tên tại CTCP Địa ốc Phúc An Khôi./.