Tiền hoa hồng, lót tay sẽ phải nộp cho Nhà nước

Tất cả các loại tiền “hoa hồng”, “chiết khấu”, hay “lót tay” khi mua sắm tài sản công sẽ phải nộp về Ngân sách Nhà nước trung ương, thay vì được “chia chác” ở các đơn vị như trước đây.
Ông Nguyễn Tân Thịnh (đứng) cho biết cơ chế mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách quốc gia. Ảnh TL
Ông Nguyễn Tân Thịnh (đứng) cho biết cơ chế mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách quốc gia. Ảnh TL

Đây là quy định của hai thông tư của Bộ Tài chính là Thông tư số 34/2016/TT-BTC và Thông tư số 35/2016/TT-BTC. Hai văn bản này công bố danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia, và đồng thời hướng dẫn trình tự, thủ tục mua sắm tài sản nhà nước.

Hai văn bản này yêu cầu hai cấp mua sắm tập trung quốc gia và cấp bộ, ngành, địa phương.

Cơ chế mua sắm tập trung này là rất khác so với trước, khi việc mua sắm tài sản công được thực thi ở tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Có nhiều khoản mua không kiểm soát được về định mức, chẳng hạn xe ô tô công.

Bên cạnh đó, cơ chế mua sắm cũ đã cho thấy rất nhiều vấn đề về thủ tục, hay bảo trì các tài sản công đó.

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản thuộc Bộ Tài chính, cho biết cơ chế này sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi mua sắm tài sản nhà nước. “Các khoản hoa hồng, chiết khấu, lót tay phải công khai khi mua sắm tập trung. Các khoản hoa hồng, nếu có, thì phải nộp NSNN theo Thông tư 35”, ông Thịnh nói.

Được hỏi, liệu cơ chế này sẽ giúp Nhà nước tiết kiệm được bao nhiêu tiền, ông Thịnh tỏ ra do dự khi cho rằng chưa thể thống kê đối với Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho biết, kinh nghiệm các nước khác khi mua sắm tập trung sẽ giúp tiết kiệm khoảng 10-17% chi phí so với trước; và tiết lộ mỗi năm Nhà nước chi tiêu khoảng 200.000 tỉ đồng để mua sắm tài sản công.

Theo Bộ Tài chính, ô tô là một trong các mặt hàng quan trọng trong Danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia, bao gồm:

(i) Xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (trừ xe ô tô phục vụ công tác cho các chức danh lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước);

(ii) Xe ô tô phục vụ công tác chung tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị;

(iii) Xe ô tô chuyên dùng tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị (trừ xe ô tô chuyên dùng có gắn kèm trang thiết bị chuyên dùng, xe ô tô có cấu tạo đặc biệt theo yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ, xe ô tô chuyên dùng tại đơn vị vũ trang nhân dân).

Theo Bộ Tài chính, hiện tại có 37.960 chiếc xe ô tô công, không tính ô tô của các Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và doanh nghiệp nhà  nước, các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo TBKTSG