Tiền đồng có thể lên giá

Trong khoảng một tháng rưỡi qua giá vàng thế giới biến động mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Biên độ dao động giá của thứ kim loại quý hiếm này mở rộng từ 1.300-1.425 đô la Mỹ/ounce. Đây cũng là quãng thời gian giá niêm yết mua bán đô la Mỹ của các ngân hàng lên xuống bất ngờ nhưng chiều hướng thiên về giảm.
Tiền đồng có thể lên giá ảnh 1
Giá vàng đang là lực đỡ quan trọng cho sự lên giá của tiền đồng. Ảnh minh họa: TTXVN


Ngày 9-7-2019, tỷ giá chuyển khoản bán ra của Vietcombank tụt xuống 23.275 đồng/đô la Mỹ. Giá niêm yết mua đô la tiền mặt của ngân hàng thậm chí chỉ còn 23.155 đồng/đô la Mỹ.

Ba bốn tuần gần đây lượng ngoại tệ mặt các ngân hàng mua được hàng ngày từ dân cư và các đại lý thu đổi ngoại tệ có cấp phép tăng đột biến. Trong khi Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giữ nguyên giá mua vào ngoại tệ 23.200 đồng/đô la, đương nhiên các ngân hàng mua ngoại tệ từ dân cư, doanh nghiệp thấp hơn giá trên để trong trường hợp nguồn cung vượt cầu, họ sẽ bán số ngoại tệ mua được cho NHNN và có lãi chút đỉnh.

Giá vàng đang là lực đỡ quan trọng cho sự lên giá của đồng Việt Nam.

Có lẽ bây giờ mới là thời điểm đo lường một cách tương đối chính xác lượng vàng thật sự nằm trong dân là bao nhiêu.

Những dự đoán về con số 500 tấn vàng trong dân sẽ được kiểm nghiệm.

Hầu hết các ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng mà chúng tôi tham khảo ý kiến đều xác nhận có hiện tượng xuất vàng lậu khi giá vàng nội địa tiếp tục thấp hơn giá thế giới tầm 500.000 đồng/lượng. Những người có vàng vẫn mang ra bán thay vì giá càng lên càng mua vào như trước đây. Nếu vàng không được xuất qua con đường không chính thức, giá vàng trong nước có thể còn giảm nữa và chênh lệch với giá quốc tế có thể giãn rộng hơn vì mãi lực tiêu thụ vàng quá thấp.

“Khi giá vàng quanh 36 triệu đồng/lượng người ta cũng chỉ mua lai rai, nay giá lên quanh 39 triệu đồng/lượng, số người mua lại càng ít” - chủ một tiệm vàng tư nhân gần chợ Bến Thành cho biết.

Giá vàng đang là lực đỡ quan trọng cho sự lên giá của tiền đồng. Có lẽ bây giờ mới là thời điểm đo lường một cách tương đối chính xác lượng vàng thật sự nằm trong dân là bao nhiêu. Những dự đoán về con số 500 tấn vàng trong dân sẽ được kiểm nghiệm. Và nếu người dân vẫn đang từ bỏ vàng như một kênh đầu tư và tích lũy tài sản, thì sẽ không có gì lạ khi chênh lệch giá vàng nội - ngoại còn kéo dài.

Xác nhận sự củng cố và lên giá của tiền đồng không chỉ được minh chứng từ tỷ giá niêm yết giao dịch của các ngân hàng trong nước. Trên thị trường tài chính quốc tế, chỉ số CDS (credit default swap - hoán vị rủi ro tín dụng) của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, thậm chí thấp hơn cả thời điểm đầu năm 2018. Điều này cho thấy giới tài chính và đầu tư nhìn nhận rủi ro tỷ giá hối đoái đô - đồng đang hạ bớt và tiền đồng sẽ được bồi đắp thêm vị thế bất chấp việc đưa đẩy tỷ giá trung tâm từ phía nhà điều hành.

Sự lên giá hay ít nhất là giữ vững vị thế của tiền đồng đang và sẽ là lực đẩy mở cửa cho dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp nước ngoài (FPI). Giải ngân vốn FDI trong sáu tháng đầu năm đã tăng đáng kể. Tuy nhiên, vốn FPI giải ngân trực tiếp vào thị trường chứng khoán thông qua giao dịch hàng ngày, theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, chỉ đạt gần 200 triệu đô la Mỹ.

Ở đây không tính việc các doanh nghiệp niêm yết gọi vốn nước ngoài như Vietcombank bán cổ phần cho quỹ GIC hay tập đoàn SK Hàn Quốc mua số cổ phiếu phát hành riêng lẻ trị giá 1 tỉ đô la Mỹ của Vingroup.

Trong năm tháng đầu năm nay, khối ngoại mua ròng thất thường trên cả ba sàn chứng khoán chủ yếu do tác động từ bên ngoài như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Sang tháng 6-2019, nhờ chiến tranh thương mại dịu bớt và thấp thoáng khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, vốn huy động của các quỹ ETFs chuyên đầu tư vào Việt Nam mới tăng lại, dẫu mức tăng chưa nhiều.

Tỷ giá sẽ diễn biến ra sao trong thời gian ngắn sắp tới? Trả lời câu hỏi này phụ thuộc nhiều vào diễn biến thị trường tài chính bên ngoài, trong đó có giá vàng. Tuần trước số liệu việc làm tháng 6-2019 của Mỹ tốt hơn nhiều so với dự báo và ngay lập tức chứng khoán Mỹ giảm điểm.

Dữ liệu việc làm cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn đang trong nhịp hồi phục mạnh và nền kinh tế Mỹ còn tăng trưởng, vậy thì Fed chẳng vội vàng gì mà hạ lãi suất. Đồng đô la Mỹ có khả năng mạnh trở lại như hồi quí 1 và giá các loại hàng hóa năng lượng, và giá vàng, sẽ điều chỉnh. Giá vàng thế giới điều chỉnh, giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh theo. Quan trọng là khoảng cách chênh lệch giá vàng nội - ngoại vẫn đảm bảo để xuất khẩu vàng lậu có lời.

Từ đây nguồn cung đô la mặt trên thị trường tự do chưa hẹp lại và các ngân hàng sẽ tiếp tục mua được ngoại tệ mặt. Tỷ giá sẽ theo xu hướng hỗ trợ tiền đồng.

Các động thái giữ nguyên hay thay đổi lãi suất của Fed về cơ bản là độc lập với những tuyên bố nặng phần chỉ trích của Tổng thống Donald Trump, nhưng Fed không thể bỏ qua việc ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn không hề nâng lãi suất từ đầu năm đến nay, và lãi suất ở các nền kinh tế này đang ở mức thấp kỷ lục, có nơi còn âm.

Ngân hàng trung ương châu Âu, Nhật Bản đều không tăng lãi suất. Còn Fed năm ngoái đã tăng lãi suất bốn lần. Theo thống kê của Hãng tin Reuter, ngân hàng trung ương của 37 nền kinh tế mới nổi đã cắt giảm lãi suất nửa đầu năm nay. Ngay cả Ngân hàng Trung ương Úc cũng cắt giảm lãi suất.

Ở Việt Nam, NHNN đang giữ một thái độ khá mềm mỏng trong điều hành tỷ giá và lãi suất. Cung, cầu tiền đồng luôn linh hoạt để lãi suất tiền đồng không quá cao và biến động tỷ giá cũng có chừng mực. Sự trông đợi vào diễn biến bên ngoài như vậy là hợp lý khi độ mở của nền kinh tế đang ngày một lớn và Mỹ vẫn là một trong những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Theo TBKTSG

Link gốc: https://www.thesaigontimes.vn/td/291284/tien-dong-co-the-len-gia-.html