Tích tụ ruộng đất, nhìn từ những người trong cuộc: Chuyện buồn của Thạo (kỳ 1)

VietTimes -- Tích tụ ruộng đất đang là một thuật ngữ sang trọng, vì được xem như tiền đề quan trọng nhất để nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp. Nhưng thực tế những năm qua ra sao? Những người nông dân, doanh nghiệp nghĩ gì về tích tụ ruộng đất?

 

Ruộng đất được phân chia bình quân là đặc trưng của quản lý đất đai tại nông thôn Việt Nam. Ảnh: Quốc Dũng.
Ruộng đất được phân chia bình quân là đặc trưng của quản lý đất đai tại nông thôn Việt Nam. Ảnh: Quốc Dũng.

Nông dân Vũ Văn Thạo (xã Giang Biên, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) đang nản. Từ đầu năm đến nay, Thạo và vài trăm hộ dân nuôi gà trong xã đang khốn đốn vì chính sách ưu đãi lợn của thành phố, tất nhiên là với lý do để… sản xuất lớn.

Khi tích tụ gặp khó

Tháng 7/2011, thành phố Hải Phòng ban hành quyết định 1076/2011 QD-UBND về quy chế thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, thủy sản thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 – 2015. Điểm cốt lõi của cơ chế này là thành phố áp dụng các ưu đãi về vốn và lãi suất đối với các trang trại và khu chăn nuôi tập trung tại các địa phương. Đó hẳn nhiên là một dạng khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển chăn nuôi quy mô lớn.

Tất nhiên, với quy định này thì chỉ những doanh nghiệp chăn nuôi, hay trang trại lớn mới có thể được hưởng ưu đãi. Và thế là những hộ chăn nuôi bị liệt vào dạng "nhỏ" mặc định bị gạt ra khỏi những hỗ trợ của thành phố.

Oái oăm là mô hình chăn nuôi hiệu quả nhất của Hải Phòng – bao gồm hiệu quả về tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư, hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả về xã hội – lại là mô hình chăn nuôi nông hộ, đặc biệt là nuôi gia cầm.

Nông dân Vũ Văn Thạo đã "chứng minh" bài toán hiệu quả một cách giản dị và thuyết phục thế này: tại xã Giang Biên của cậu, nuôi 2.000 gà chỉ cần 200 m2 chuồng trại, sân chơi với chi phí xây dựng ban đầu chỉ khoảng 60 đến 70 triệu đồng và có thể dùng nuôi suốt nhiều năm.

Cứ mỗi lứa gà 2.000 con, nuôi trong 4 tháng, chi phí hết không quá 200 triệu đồng vốn mua con giống, thức ăn, thuốc thú y... Tới khi xuất chuồng, người nuôi xuất bán được ít nhất 4 tấn gà thịt với tổng tiền vào khoảng từ 220 đến 240 triệu đồng, lãi không dưới 40 triệu đồng.

Ở Giang Biên, bình quân mỗi hộ nuôi không dưới 2 vụ gà mỗi năm, chỉ cần 1 người chăm sóc. Thu nhập của mỗi hộ, do thế, đạt không dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Thạo tính, riêng xã cậu có không dưới 300 hộ hiện đang nuôi gà. Còn ở một loạt huyện của Hải Phòng và một số địa phương lân cận thuộc Thái Bình, Quảng Ninh, số các hộ này lên tới hàng nghìn.

Đó là một phong trào tự phát, nhưng lại rất thành công. Tính về thu nhập, không ít mô hình cánh đồng mẫu lớn, thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm có thể cũng thua về hiệu quả khi so với nuôi gà tại các hộ dân xã Giang Biên.

Thạo cũng có phần tủi, khi ưu đãi của thành phố chỉ “rót” cho trang trại. Nhưng nếu được, cậu cũng không vay. "Nuôi gà dịch bệnh liên tục. Nuôi nhỏ lẻ, có bị dịch thì tệ lắm cũng mất đàn nghìn con. Giờ các "bố" ấy muốn chúng em nuôi trang trại, chỉ vài con gà bệnh là phải bỏ cả đàn chục nghìn con, nông dân chúng em vỡ nợ, nhanh và luôn. Em chả nghe xui dại mà làm trang trại" – cậu nói về chủ trương tích tụ ruộng đất "chăn nuôi" lớn của Hải Phòng như thế.

Nhưng dù tránh "làm lớn", Thạo cũng như những hộ nuôi gà khác ở Giang Biên, vẫn không thoát thiệt hại vì… lợn. Từ đầu năm đến nay, lợn không bán được khiến cả loạt trang trại lợn và đại lý cám rơi vào cảnh khốn đốn, đồng thời kéo luôn những hộ nuôi gà vào vòng thua lỗ.

"Có hơn triệu bạc một con lợn hơn tạ, dân đổ xô mua lợn thì còn ai mua gà chúng em?" – Thạo than phiền. Cậu nói, giá gà tại chuồng giờ đã giảm theo giá lợn, chỉ còn cỡ từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi gà chỉ có hòa, hoặc lỗ. Cậu nông dân tên Thạo không nghĩ có ngày lại “đuối”, vì nguyên nhân chẳng liên quan tới chuyện cậu nuôi gà.  

Tính về hiệu quả kinh tế trên diện tích, một khoảnh sân nhỏ hẹp như này nhờ nuôi gà lại có thu nhập tốt hơn những cánh đồng mẫu lớn, hay những trang trại tiền tỷ. Ảnh: Quốc Dũng
Tính về hiệu quả kinh tế trên diện tích, một khoảnh sân nhỏ hẹp như này nhờ nuôi gà lại có thu nhập tốt hơn những cánh đồng mẫu lớn, hay những trang trại tiền tỷ. Ảnh: Quốc Dũng

Tránh phong trào

“Quan điểm trong thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phải tránh hình thức, tránh phong trào. Đã có nhiều thất bại nếu chỉ làm phong trào, và nếu tích tụ ruộng đất theo phong trào mà không căn cứ nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất cũng sẽ thất bại” – đây là phát biểu của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị bàn giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ngày 14/4/2017.

Phát hiểu ấy có phần thận trọng, nhưng chính xác.

Tư tưởng làm nông nghiệp quy mô lớn dựa trên khả năng tập trung ruộng đất và sức người đã được áp dụng trong mô hình hợp tác xã nông nghiệp “đi làm theo kẻng”, hay nông trường quốc doanh. Kết quả là tạo ra đột biến về kết quả sản xuất nông nghiệp so với thời trước.

Cho đến giờ, những “Cánh đồng 5 tấn” vẫn được xem như biểu tượng thành công của cuộc cách mạng về nông nghiệp tại miền Bắc, dựa trên thành quả phân chia lại ruộng đất và chuyển từ mô hình tiểu nông sang mô hình hợp tác xã.  

Nhưng cũng không lâu sau đó, những khiếm khuyết của mô hình nông nghiệp “làm lớn” này đã bộc lộ, và sau đó bị xem như nguyên nhân làm cho nền nông nghiệp trì trệ suốt vài chục năm.

Sau này, người ta nhận ra chỉ giải phóng được năng lực sản xuất của nông dân, nông nghiệp khi mô hình khoán hộ, khoán 10 được thí điểm và đại trà hóa. Đây là mô hình chứng minh tính tự nhiên phải có của việc tích tụ ruộng đất.

Cần nói thêm, cho đến nay, chưa có nghiên cứu xã hội học nào về hoạt động “cấy rẽ, thuê ruộng”, trong khi đây lại là hoạt động rất phổ biến của kiểu tích tụ ruộng đất rất điển hình tại nông thôn Việt Nam. Đó là nội dung sẽ bàn tới ở phần 2 của chùm bài viết này.

Vài chục năm sau đó, quản lý đất đai nông nghiệp cơ bản không có nhiều thay đổi. Ngoại trừ vài lần tiến hành vận động dồn điền, đổi thửa, thì cơ bản nguyên tắc phân chia bình quân về ruộng đất vẫn được giữ nguyên. Trong thời gian ấy, giá trị sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng, đời sống người nông dân tiếp tục được cải thiện.

Nhưng theo chính những báo cáo của ngành nông nghiệp, hay của Chính phủ, nông nghiệp tăng trưởng không đúng với tiềm năng vốn có, hoạt động sản xuất nông nghiệp manh mún, khó áp dụng kỹ thuật cao, giá trị thấp, thu nhập người nông dân cũng thấp và rủi ro theo…  

Suốt thời gian này, chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất tiếp tục được duy trì. Và thậm chí được cụ thể hóa trong những chính sách liên quan tới đất đai, như phân cấp cho cấp huyện được cho thuê đất nông nghiệp với thời hạn kéo dài hơn, có thể lên tới 30 năm. Ở góc độ định hướng chính sách, Trung ương cũng có hẳn nghị quyết số 19-NQ/TW   ngày 31/10/2012 về sử dụng đất đai trong công cuộc đổi mới đất nước.

Trong đó, về vấn đề tích tụ ruộng đất, nghị quyết này xác định chủ trương “mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện cụ thể từng vùng, từng giai đoạn để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích tụ, tập trung đất đai, từng bước hình thành những vùng sản xuất hàng hoá lớn trong nông nghiệp”. Nói cách khác, tích tụ ruộng đất được xem như “chìa khóa” để hình thành nền nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. 

Cho đến năm 2017, Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà cho biết tại hội nghị bàn giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn ngày 14/4, ngoài một số mô hình cánh đồng mẫu lớn, số lượng các trang trại quy mô lớn cũng đang gia tăng trong thời gian vừa qua, từ hơn 20.000 trang trại vào năm 2011 tăng lên gần 29.400 trang trại vào năm 2015. Tức là tăng 9.400 trang trại sau 5 năm. Bộ trưởng nhận xét số liệu này cho thấy việc tích tụ ruộng đất đã phát triển tại nhiều địa phương.

Vì tích tụ ruộng đất “đã phát triển tại nhiều địa phương” có hàm nghĩa đi kèm với hiện đại hóa sản xuất, và sau đó là gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hay không, thì lại là chuyện khác. Nếu nhìn từ những cuộc khủng hoảng dưa, vải thiều, và gần nhất là lợn, có thể thấy tác động của tích tụ ruộng đất tới sản xuất nông nghiệp là chưa hề rõ ràng.