Tích cực ‘cắt bỏ’ nợ xấu, lợi nhuận FE Credit sẽ phục hồi trong năm 2022?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo SSI, FE Credit đã hy sinh một phần biên lợi nhuận tiềm năng có thể có để việc thu hồi nợ tốt hơn, lợi nhuận ngân hàng mẹ VPBank có thể cao hơn kỳ vọng nhờ 'cú huých' tăng vốn thời gian tới.
Tích cực ‘cắt bỏ’ nợ xấu, lợi nhuận FE Credit sẽ phục hồi trong năm 2022?
Tích cực ‘cắt bỏ’ nợ xấu, lợi nhuận FE Credit sẽ phục hồi trong năm 2022?

Trong báo cáo về Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã CK: VPB) vừa công bố, CTCP Chứng khoán SSI (Mã CK: SSI) ước tính VPBank có thể đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20% so với cùng kỳ trong nửa cuối năm 2021 với những câu chuyện riêng như tăng vốn, banca.

Theo SSI, VPBank dự kiến sẽ bắt đầu phát hành cổ phiếu (phát hành cổ phiếu mới hoặc chào bán thứ cấp) cho nhà đầu tư chiến lược từ quý 4/2021. Đồng thời, nhà băng này có thể nhận thêm một khoản phí trả trước từ việc đàm phán lại hợp đồng bancassurance với AIA.

Theo kịch bản cơ sở, VPB có thể nhận thêm khoản phí trả trước 100 triệu USD và phát hành thành công cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với mức định giá P/B là 2x. Còn theo kịch bản lạc quan, phí trả trước bổ sung có thể lên tới 200 triệu USD và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ ở mức định giá P/B là 2,5x.

Đối với FE Credit, SSI cho rằng công ty này đang gặp khó khăn với tốc độ tăng trưởng cho vay trì trệ, trích lập chi phí dự phòng cao và NIM thu hẹp hơn.

Cụ thể, tất cả các chỉ tiêu và hệ số của FE Credit đều tiêu cực trong Q2/2021 với dư nợ sụt giảm 7,2% so với đầu năm. Tổng thu nhập hoạt động (TOI) cũng giảm 9% so với cùng kỳ, trong khi NIM thu hẹp 143 điểm cơ bản, tỷ lệ nợ xấu tăng vọt lên 9,1% và LLCR giảm xuống 32%.

Tuy nhiên, SSI nhận thấy dư nợ giảm là do công ty chủ động ưu tiên thu hồi nợ hơn giải ngân mới và đẩy mạnh xóa nợ xấu.

Các khoản giải ngân mới đạt 12,2 nghìn tỉ đồng (-21% so với quý trước và đi ngang so với cùng kỳ), trong khi các khoản trả nợ và thanh lý hợp đồng vay trước hạn là 14 nghìn tỉ đồng (+12% so với quý trước và 21% so với cùng kỳ).

Tỷ trọng nợ xấu đã xóa trong tổng dư nợ nằm trong khoảng từ 4,2% đến 4,9% trong 3 quý vừa qua, cao hơn nhiều so với thời điểm FE Credit giải quyết khoản nợ xấu kỷ lục trong năm 2018 và 2019.

Trong khi đó, VPBank đã khai thác tất cả các nguồn từ việc tối ưu cơ cấu tài sản – nợ phải trả đến chênh lệch lãi suất để giúp tỉ lệ NIM trong quý 2/2021 tăng lên mức 5,85%.

Bên cạnh đó, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của VPBank đã cải thiện lên 57,8% (tăng 7,1% so với mức 50,7% cuối năm 2020). Nguyên nhân là do ngân hàng đã xoá 1,4 nghìn tỉ đồng nợ xấu trong và trích lập dự phòng thêm 1,7 nghìn tỉ đồng quý 2/2021.

Theo SSI, đây là nỗ lực của VPBank để cải thiện điểm yếu của mình vì tỉ lệ LLCR của ngân hàng này đã ở mức 58% - cao nhất kể từ năm 2012./.