Tỉ đô rót vào R&D của Vinfast

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chỉ tính riêng từ năm 2020 đến nay, VinFast đã chi tổng cộng 1,14 tỉ USD cho hoạt động R&D, một con số đáng kể...

Như VietTimes đã đưa tin, VinFast Trading & Investment – công ty con của Vingroup đặt trụ sở tại Singapore – vừa nộp hồ sơ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ; dự kiến niêm yết cổ phiếu phổ thông trên sàn Nasdaq Global Select Market với mã VFS.

Trong hồ sơ gửi lên Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC), VinFast cho biết, tính đến ngày 30/9/2022, Vingroup và các công ty liên kết, đối tác cho vay bên ngoài đã rót khoảng 7,5 tỉ USD để tài trợ cho chi phí hoạt động, chi phí vốn của hãng từ năm 2017.

Không những thế, Vingroup còn là nhà tài trợ cam kết cho sự phát triển và thành công của VinFast, thông qua chia sẻ chuyên môn và hợp tác phát triển phần mềm giữa hơn 1.000 kỹ sư trong hệ sinh thái của tập đoàn.

“Công nghệ luôn là yếu tố cốt lõi” và VinFast đã đầu tư đáng kể vào nền tảng này nhằm mang lại trải nghiệm lái xe an toàn nhất, thân thiện nhất cho các tài xế, cái mà họ gọi là “Công nghệ cho cuộc sống – Technology for life”.

Hãng xe đến từ Việt Nam cũng nhấn mạnh rằng hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), cùng các kế hoạch đổi mới sản phẩm sẽ tạo nên sự khác biệt cho trải nghiệm xe điện của VinFast trên trường quốc tế.

Hiện tại, VinFast đang sở hữu đội ngũ R&D nội bộ lên đến 800 chuyên gia, bao gồm 140 kỹ sư phần mềm.

Bên cạnh đó, họ cũng tận dụng năng lực R&D từ các công ty công nghệ trong hệ sinh thái Vingroup, kể đến như CTCP Giải pháp Năng lượng VinES – chuyên hoạt động R&D về pin, sản xuất, thử nghiệm, tối ưu hóa hiệu suất, chi phí cũng như tái chế pin.

Cuối tháng 10/2022, VinFast còn ký biên bản hợp tác chiến lược với Công ty TNHH Công nghệ CATL – nhà sản xuất pin hàng đầu thế giới, chiếm hơn 30% thị phần pin xe điện toàn cầu – nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phát triển xe điện.

VinFast nhấn mạnh sẽ tiếp tục đi đầu trong công nghệ ô tô thông qua R&D nội bộ và quan hệ đối tác bên ngoài. Hãng xe này dự kiến triển khai hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến (ADAS - Advanced Driver Assistance Systems) cấp độ 3 vào đầu năm 2024, và sau đó tiến tới khả năng của ADAS cấp độ 4.

VinFast đã chi 1,14 tỉ USD cho R&D trong giai đoạn 2020 – 9T2022

Theo bản cáo bạch của VinFast, trong 9 tháng đầu năm 2022, hãng xe này cho biết họ đã dành tới 14.041,6 tỉ đồng (587,5 triệu USD) cho hoạt động R&D, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, trong năm 2021, chi phí R&D của VinFast là 9.255,4 tỉ đồng (387,3 triệu USD), tăng gấp 2,3 lần so với mức 3.929,8 tỉ đồng cho năm 2020. Mức tăng chủ yếu là do chi phí R&D trả chi nhà cung cấp bên ngoài và tiền lương nội bộ.

Như vậy, trong gần 3 năm qua (giai đoạn 2020 – 9T2022), VinFast đã chi tổng cộng 27.226,8 tỉ đồng cho hoạt động R&D, tương đương 1,14 tỉ USD theo tỷ giá hiện tại (cập nhật hôm 8/12 tỷ giá USD/VND là 23.659 đồng đổi 1 USD).

Về doanh thu, lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, VinFast ghi nhận doanh thu đạt 10.500,4 tỉ đồng. Trước đó, các năm 2020 và 2021, doanh thu của hãng xe này lần lượt là 16.028,1 tỉ và 13.690,3 tỉ đồng.

Có thể thấy, tỷ lệ chi phí R&D trên doanh thu của VinFast ở mức tương đối cao. Điều này cũng dễ hiểu khi doanh thu của hãng xe non trẻ này vẫn ở mức thấp, trong khi mức đầu tư nghiên cứu phát triển được dồn lực mạnh mẽ.

So với các gã khổng lồ xe hơi trên thế giới, mặc dù chi phí cho R&D của VinFast vẫn thấp hơn đáng kể, song tốc độ tăng trưởng hàng năm của chỉ tiêu này đã phản ánh phần nào cuộc đua về công nghệ hướng đến loại xe thông minh hơn của VinFast.

Cụ thể, Tesla, nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới đã chi tới 2,26 tỉ USD cho R&D trong 9 tháng đầu năm 2022. Năm ngoái, công ty của tỉ phú Elon Musk chi tới 2,59 tỉ USD cho hoạt động này.

So với doanh thu, tỷ lệ chi phí R&D trên doanh thu của Tesla chỉ dao động từ 4-5%. R&D chủ yếu bao gồm chi phí nhân sự cho các nhóm kỹ thuật và nghiên cứu, tổ chức thử nghiệm sản xuất và kỹ thuật sản xuất, chi phí tạo nguyên mẫu…

Trong khi đó, ông lớn xe hơi đến từ Châu Á, Toyota trong 6 tháng đầu năm tài chính 2023 (giai đoạn kết thúc vào tháng 3/2023) từ tháng 4/2022 – 9/2022 đã chi 620,7 tỉ Yên (4,53 tỉ USD) cho R&D.

Trước đó, trong năm tài chính 2021 – 2022 (giai đoạn 12 tháng kết thúc vào tháng 3/2022), hãng xe đến từ Nhật Bản chi tới 1.124,2 tỉ Yên (8,2 tỉ USD) cho hoạt động này./.