Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chống Trung Quốc quan trọng nhất trong nhiều năm qua

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ vừa thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" (Strategic Competition Act of 2021) do các nghị sĩ cả hai đảng đề xuất nhằm đương đầu với Trung Quốc trong các lĩnh vực.
Ngày 21/4, Ủy ban Đối nghoại Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" với số phiếu cao nhằm chống Trung Quốc (Ảnh: RFI).
Ngày 21/4, Ủy ban Đối nghoại Thượng viện Mỹ đã thông qua "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" với số phiếu cao nhằm chống Trung Quốc (Ảnh: RFI).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 22/4, đạo luật này nhằm chống lại ảnh hưởng xấu của Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ, quân sự, nhân quyền, kinh tế; trong đó có tài trợ tiền để thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông. Đây được coi là đạo luật chống Trung Quốc quan trọng nhất ở Mỹ trong những năm gần đây. Dự luật này sau đây sẽ được gửi đến Hạ viện để xem xét và sau đó sẽ được đệ trình lên Tổng thống Joe Biden để ký ban hành sau khi nó được thông qua ở cả hai viện.

Dự luật này dài 280 trang, do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez và Ủy viên cựu trào của Ủy ban Đối ngoại, Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hòa Jim Risch cùng đề xuất. Sau khi tranh luận và sửa đổi, vào thứ Tư (21/4) theo giờ Mỹ, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện cuối cùng đã thông qua với 21 phiếu thuận đến 1 phiếu chống.

Đây là lần đầu tiên mà các nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa đã cùng nhau thúc đẩy một dự luật chống lại Trung Quốc sau khi ông Joe Biden tuyên bố cạnh tranh toàn diện với Trung Quốc. Lá phiếu chống duy nhất của ủy ban là của Thượng nghị sĩ Rand Paul, Đảng Cộng hòa, bang Kentucky. Dự luật sẽ được trình lên toàn bộ Thượng viện để xem xét và sau đó được chuyển cho Tổng thống để ký sau khi Hạ viện thông qua.

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu thêm (Ảnh: Đa Chiều).

Sau khi ông Joe Biden lên nắm quyền, quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu thêm (Ảnh: Đa Chiều).

Dự luật được chia thành 5 chương, bao gồm một số kế hoạch hành động để đối phó với "các hành động có vấn đề của Bắc Kinh", bao gồm các hành động cướp đoạt kinh tế, các hành động gây ảnh hưởng xấu, quyền lực kỹ thuật số, mở rộng quân sự, tham vọng đối với Đài Loan và đàn áp ở Hồng Kông, Tân Cương. Dự luật cũng có kế hoạch tăng cường quan hệ đối tác khu vực giữa Mỹ và Ấn Độ - Thái Bình Dương, Tây Bán cầu, Đại Tây Dương và châu Phi để chống lại Trung Quốc.

Về mặt kinh tế, dự luật có kế hoạch phân bổ 15 triệu USD mỗi năm trong tài khóa 2022-2027 cho các đại sứ quán ở nước ngoài thuê các chuyên gia bên ngoài để hỗ trợ các công ty Mỹ rút khỏi thị trường Trung Quốc và phân cấp nguồn cung, dây chuyền. Để đáp ứng kế hoạch “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, dự luật cũng ước tính phân bổ 75 triệu USD để thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng bền vững, minh bạch và chất lượng cao ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Dự luật cũng có kế hoạch phân bổ 300 triệu USD mỗi năm với tư cách là "Quỹ chống ảnh hưởng của Trung Quốc" trong các năm tài chính từ 2022-2026 để đối phó với "các hành động gây ảnh hưởng xấu" trên toàn cầu của Trung Quốc và yêu cầu Bộ trưởng Ngoại giao bổ nhiệm một cán bộ từ trợ lý thư ký trở lên kiêm nhiệm điều phối viên và chịu trách nhiệm về công tác phối hợp liên quan. Dự luật cũng có kế hoạch phân bổ 100 triệu USD mỗi năm trong cùng thời kỳ làm quỹ hỗ trợ truyền thông nước ngoài, thiết lập các cơ quan truyền thông độc lập và chống lại thông tin sai lệch.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez, đồng tác giả của Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 (Ảnh: Reuters).

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sỹ Dân chủ Robert Menendez, đồng tác giả của Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021 (Ảnh: Reuters).

Về công nghệ, dự luật quy định Mỹ nên đoàn kết các đồng minh của mình và sử dụng tất cả các công cụ kinh tế và ngoại giao sẵn có để chống lại "quyền lực kỹ thuật số" của chính phủ Trung Quốc, tức là sử dụng công nghệ thông tin hoặc truyền thông để giám sát, đàn áp, và thao túng người dân. Dự luật cũng kêu gọi Mỹ đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với các đối tác đáng tin cậy như Đài Loan, Liên minh châu Âu, Nhật Bản và "Liên minh Ngũ nhãn". Dự luật cũng có kế hoạch phân bổ 100 triệu USD mỗi năm từ 2022 đến 2026 để hỗ trợ các thị trường mới nổi mở rộng mạng lưới bảo mật và xây dựng kỹ thuật số, bảo vệ tài sản công nghệ, v.v., nhằm tăng cường kết nối kỹ thuật số và quan hệ đối tác an ninh mạng.

Để đối phó với “tham vọng quân sự” của Trung Quốc, dự luật cho rằng cán cân quân sự ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng trở nên bất lợi đối với Mỹ và kêu gọi tăng cường quan hệ đối tác an ninh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bao gồm hỗ trợ Nhật Bản phát triển hỏa lực chính xác tầm xa, khuyến khích và thúc đẩy Đài Loan tăng tốc mua vũ khí để củng cố khả năng phòng thủ bất đối xứng, v.v. Ngoài ra, chính sách đối ngoại của Mỹ trước tiên cần tập trung vào khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ưu tiên phân bổ nguồn lực để đạt được các mục tiêu chính trị và quân sự của Mỹ ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời thực hiện quyền tự do bay và hàng hải trong khu vực.

Sau khi trở thành tổng thống, ông Joe Biden đã nhiều lần phát biểu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ (Ảnh: AP).

Sau khi trở thành tổng thống, ông Joe Biden đã nhiều lần phát biểu coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ (Ảnh: AP).

Dự luật có kế hoạch phân bổ 10 triệu USD trong năm tài chính 2022 cho Bộ Ngoại giao Mỹ để “thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông, đồng thời sẽ mở rộng các biện pháp trừng phạt Tân Cương”.

Về Đài Loan, dự luật nêu rõ chính sách của Mỹ cần công nhận Đài Loan là một phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương và thúc đẩy an ninh và dân chủ của Đài Loan như một chìa khóa để duy trì hòa bình và ổn định trong “khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương rộng mở” quan trọng đối với Mỹ. Dự luật kêu gọi Mỹ thường xuyên bán vũ khí cho Đài Loan để tăng cường khả năng tự vệ của Đài Loan và tích cực thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế. Dự luật cũng chủ trương Bộ Ngoại giao và các cơ quan chính phủ khác nên tương tác với chính phủ được bầu của Đài Loan trên cơ sở giống như các chính phủ nước ngoài khác và sử dụng cùng một ngôn ngữ và nghi thức; Mỹ không nên áp đặt bất kỳ hạn chế nào để hạn chế Bộ Ngoại giao và các cơ quan khác tương tác với chính quyền Đài Loan một cách trực tiếp và thường xuyên.

Mục tiêu của dự luật là đảm bảo Mỹ trong mấy thập kỷ tới có đủ sức cạnh tranh với Trung Quốc về mọi mặt ở trong nước và trên thế giới, nhấn mạnh chiến lược ngoại giao của Mỹ đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Thượng nghị sỹ Menendez cho rằng dự luật này là một biện pháp lập pháp chưa từng có thông qua các nỗ lực của các đảng. Mỹ hiện cần một chiến lược ứng phó thống nhất để xây dựng lại vị trí lãnh đạo toàn cầu, tăng khả năng đánh bại Trung Quốc trong cạnh tranh và tìm lại nền ngoại giao dựa trên các giá trị cốt lõi của Mỹ dựa trên quan niệm giá trị cốt lõi.

Đồng thời, Thượng nghị sỹ Đảng Dân chủ Chuck Schumer, Lãnh đạo phe đa số Thượng viện và Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa bang Indiana Younger đã giới thiệu Endless Frontier Act (Đạo luật Biên giới vô tận), đề xuất thành lập Ban chỉ đạo công nghệ và đổi mới trong Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF). sẽ cung cấp 100 tỉ USD trong 5 năm cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và năng lượng tiên tiến; phân bổ 10 tỉ USD để thành lập các trung tâm công nghệ khu vực trong nước Mỹ. Dự luật sẽ do Ủy ban Thương mại Thượng viện xem xét và biểu quyết. Ông Schumer cho biết đây là chìa khóa để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu công nghệ toàn cầu hiện tại và trong tương lai.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rubio - người bị Bắc Kinh coi là một chính trị gia chống Trung Quốc cuồng nhiệt (Ảnh: Getty).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rubio - người bị Bắc Kinh coi là một chính trị gia chống Trung Quốc cuồng nhiệt (Ảnh: Getty).

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Rubio bang Florida, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện chỉ ra rằng "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" và "Đạo luật Biên giới vô tận" cuối cùng có thể được hợp nhất để biểu quyết. Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng bà muốn thấy hai đảng cùng ủng hộ dự luật đầu tư vào khả năng cạnh tranh của Mỹ và chờ đợi sự hợp tác của Quốc hội.

Đông Phương cho biết, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chiều 22/4 đã phê phán "Đạo luật Cạnh tranh Chiến lược năm 2021" bóp méo nghiêm trọng sự thật, đảo ngược trắng đen và mạnh mẽ cổ súy Mỹ thực hiện cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc và can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc; Trung Quốc rất không hài lòng và kiên quyết phản đối". Ông cũng chỉ ra rằng việc Mỹ phát triển như thế nào là chuyện nội bộ của Mỹ. Trung Quốc rất vui khi thấy Mỹ phát triển và tiến bộ hơn, nhưng kiên quyết phản đối việc "sử dụng Trung Quốc mọi lúc mọi nơi và chĩa mũi giáo vào Trung Quốc". Ông hy vọng Mỹ sẽ điều chỉnh tâm thế và tỉnh táo xem xét sự phát triển của Trung Quốc.