Thường trực Ban bí thư nói gì về ông Võ Kim Cự trong vụ Formosa

VietTimes -- Sáng 30/11, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hải Châu, trước ý kiến của cử tri, ông Đình Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư đã bày tỏ quan điểm đối với dự án Nhà máy thép đặt tại thượng nguồn sông Vu Gia (tỉnh Quảng Nam).
Ông Đình Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư tại buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV của đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng với cử tri quận Hải Châu
Ông Đình Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư tại buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XIV của đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng với cử tri quận Hải Châu

Sáng 30/11, tại buổi tiếp xúc cử tri, báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV của đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng với cử tri quận Hải Châu (Đà Nẵng), cử tri thành phố đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng có ý kiến đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc xem xét trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, trong các quyết định trước đây liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh. 

Với đề nghị này, Thường trực Ban Bí thư cho biết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương hiện đang kiểm tra mức độ vi phạm của ông Võ Kim Cự và Ban cán sự Đảng, UBND tỉnh Hà Tĩnh. "Sau khi kiểm tra sẽ có thông báo cụ thể tới cử tri" - ông Đinh Thế Huynh nói cam kết.

Đồng thời với đó, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sẽ gửi văn bản đến Bộ TNMT, Bộ Công Thương để các Bộ này tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ khi xây dựng các trạm quan trắc môi trường, giám sát hệ thống xả thải...

Cử tri Huỳnh Phi Anh (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) đã bày tỏ quan ngại trước sự việc UBND tỉnh Quảng Nam cho phép xây dựng nhà máy thép Việt Pháp tại huyện Nam Giang (Quảng Nam). Đáng quan ngại hơn khi đây là khu vực thượng nguồn sông Vu Gia-Thu Bồn, nguồn nước của khu vực hạ du và của TP Đà Nẵng.

“Liệu ai có thể đảm bảo dự án nhà máy thép trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn khi đưa vào sử dụng thì phía hạ du không phải sử dụng nước bị ô nhiễm? Bởi không có chuyện làm nhà máy thép mà không sử dụng hóa chất.  Trong khi đó, người dân Quảng Nam và Đà Nẵng đã có ý kiến phản đối nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn quyết định làm!”, cử tri Huỳnh Phi Anh quan ngại.

Ghi nhận ý kiến của cử tri, ông Đình Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư, cho biết: "Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sẽ có văn bản ghi ý kiến của cử tri Đà Nẵng và cả ý kiến của Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi Bộ Tài nguyên môi trường và Bộ Công Thương, yêu cầu 2 bộ này giám sát ngay".
“Phải đánh giá tác động môi trường, giám sát được công nghệ xả thải ra môi trường đối với nhà máy thép này rồi mới tính đến chuyện cho xây dựng hay không!”, ông Huynh nhấn mạnh.

Nhà máy thép, Quảng Nam, Việt Pháp, ô nhiễm, phản đối, cử tri, đoàn đại biểu, quốc hội, Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban bí thư, VietTimes
Cử tri quận Hải Châu phát biểu ý kiến bày tỏ tâm tư nguyện vọng đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc

Bên cạnh những ý kiến của cử tri liên quan đến công tác chống tham nhũng, xử lý những vụ việc bị phanh phui liên quan đến các cá nhân, đơn vị trong thời gian qua. Ông Đình Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư cho biết: "Cần đẩy mạnh việc phát hiện, xử lý nghiêm minh nạn tham nhũng. Thời gian qua chúng ta đã chỉ đạo xử lý những vụ lớn, nay đang tiếp tục chỉ đạo. Lực lượng thanh tra, kiểm tra đang từng bước làm rõ những vụ việc ở Bộ Công thương, Sở LĐ-TB-XH Hải Dương hay vụ Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy,... Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan điều tra khẩn trương xử lý những vụ việc này".

Trước đó, như VietTimes đã thông tin, UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định chấp thuận báo cáo tác động môi trường đối với Dự án Nhà máy thép Việt Pháp có công suất 180.000 tấn/năm, do Công ty TNHH thép Việt Pháp làm chủ đầu tư trên diện tích 17,3 ha tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) mặc dù Dự án khiến dư luận quan ngại do dự án nhà máy thép tại khu vực thượng nguồn sông Vu Gia sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho khu vực hạ du tỉnh Quảng Nam và của TP Đà Nẵng.

Đặc biệt trước đó, mặc dù cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cho biết các kết quả phân tích đo đạc mẫu khí, bụi tại ống khói của nhà máy đều nằm trong quy chuẩn cho phép. Nhưng Dự án Nhà máy thép Việt Pháp gặp phản đối của người dân khu Cụm công nghiệp và Dịch vụ Thương Tín 1 (xã Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) do nhà máy này gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân xung quanh và ảnh hưởng đến định hướng phát triển chung tại địa phương nên buộc phải di dời. Và chủ đầu tư đã tìm địa điểm mới để xây dựng nhà máy là thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam).