“Thương quá rau răm” của Nguyễn Ngọc Tư thành phim “Đảo khát”

VietTimes – Bộ phim truyền hình 20 tập “Đảo khát” dựa theo truyện ngắn “Thương quá rau răm” của Nguyễn Ngọc Tư sẽ phát sóng từ ngày 14/8 tới.
Cảnh trong phim "Đảo khát", phim truyền hình 20 tập dựa theo truyện ngắn "Thương quá rau răm" của Nguyễn Ngọc Tư
Cảnh trong phim "Đảo khát", phim truyền hình 20 tập dựa theo truyện ngắn "Thương quá rau răm" của Nguyễn Ngọc Tư

“Đảo khát” (biên kịch & đạo diễn: Phương Nam) là bộ phim mô tả phần nào đời sống của ngư dân trên đảo Lý Sơn, hòn đảo tiền tiêu giữa biển Đông - nơi mà nhiều thế hệ ngư dân không chỉ đối mặt với bão tố mà còn phải chống chọi với kẻ cướp và kẻ thù xâm lược. Nơi từ thế kỷ 17, triều đình nhà Nguyễn đã cho thành lập Đội Hoàng Sa để giữ trọng trách bảo vệ chủ quyền biển đảo cho quốc gia.

Hòn đảo như một chiến hạm canh giữ nơi cửa biển, đất liền, lại giống như một con rùa nổi lên từ lòng biển để lấy hơi, hay năm ngọn núi nhìn giống như bàn tay đang đưa lên vẫy gọi, như lời của những ngư dân nơi đây từng ví von…

Nơi đây, nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước nuôi dưỡng cỏ cây, gia súc chỉ trông chờ vào mùa mưa và tích trữ!

Đảo mang cơn khát của những nhu cầu tối thiểu nhưng thiết yếu của cuộc sống. Nơi bị cô lập hoàn toàn với đất liền trong mùa giông bão. Nơi trường học chỉ tới cấp hai, có bệnh xá nhưng không có bác sỹ, nơi bệnh sài đẹn vẫn có thể giết chết trẻ thơ, bệnh hậu sản vô phương cứu chữa... Nơi mà những căn bệnh của nghề ngư dân lặn biển đành phải phó mặc cho trời… Nơi con người sinh ra trên mặt đất nhưng thân xác lại gởi nơi lòng biển cả, chỉ còn lại ngôi mộ gió nằm nghe sóng vỗ!

Cảnh trong phim
Cảnh trong phim "Đảo khát"

Cơn khát của đảo còn hiển hiện trong những cái chết đau thương của những ngư dân gặp nạn trên biển! Và nơi đây còn mang trong mình nó nỗi khát khao vươn ra khơi xa từ tiền nhân trao lại! Những ngư dân mong ước ra vùng khơi, vùng lộng để khai thác nguồn thủy sản, thoát tấm lưới đói nghèo và xác định chủ quyền đất nước!

“Thiên nhiên bao la trời - biển với những cảnh quan hùng vỹ, hoang sơ cùng với những tấm lòng chân thật, nghĩa tình sâu đậm của người dân nơi đảo khát là ý tưởng chính khiến chúng tôi làm bộ phim này. Nhưng đảo không chỉ có khát mà còn mang trong mình trọng trách tiền tiêu giữa biển Đông” – Đạo diễn Phương Nam nói.

Xuyên suốt trong câu chuyện quá khứ là tình yêu của chàng trai vạn chài tên Hai Nghĩa và cô thôn nữ tên Thắm…Tình yêu của cô gái trẻ tên Mịn dành cho bác sĩ Văn. Những câu chuyện tình yêu gắn liền với cuộc sống và sự đấu tranh sinh tồn của ngư dân đảo thời khẩn hoang lập ấp; gắn liền với sứ mạng giữ gìn chủ quyền Tổ quốc thiêng liêng…

Tình yêu trẻ trung sâu đậm của những cô gái mặn mòi vùng đảo khát
Tình yêu trẻ trung sâu đậm của những cô gái mặn mòi vùng đảo khát
Thanh Tú (vai Mịn), cô gái đặc biệt của vùng đảo khát
Thanh Tú (vai Mịn), cô gái đặc biệt của vùng đảo khát 

Văn - bác sỹ nội trú của bệnh viện thành phố tình nguyện ra đảo phục vụ. Văn được ông Tư Mốt (Chủ tịch xã) và bà con nơi đảo dành cho những tình cảm nồng hậu nhất. Trước Văn đã từng có 4 bác sỹ ra đảo, nhưng tất cả đều trở về đất liền vì không chịu đựng nổi những khó khăn trong cuộc sống nơi đây.

Nơi hòn đảo tiền tiêu này, cô gái tên Mịn, 17 tuổi, con gái ông Tư Mốt, mồ côi mẹ đã xem bà Năm Hậu (má Hai Hên) như người mẹ của mình… Bởi khi Mịn chào đời thì mẹ mất nên cô được bà Năm Hậu cho bú thép… Mịn thương yêu Hai Hên như người anh của mình nhưng ông Tư Mốt và ông Năm Nghĩa – chồng bà Năm Hậu (bạn chiến đấu với nhau) đã hứa kết nghĩa sui gia. Trong khi đó, Hai Hên yêu Mịn bằng tình yêu mặn mà của chàng trai làng biển.

Hai Hên, thợ lặn săn bắt hải sản trong một lần lặn biển phát hiện rạn san hô Mo So đã bị trúng độc do ngư dân sử dụng thuốc Xyanua để bắt cá. Mọi người nghi ngờ chính ông Ba Phố, một chủ ghe là người sử dụng thuốc độc đó để đánh bắt, khiến rạn san hô Mo So có nguy cơ bị hủy diệt.

Với kiến thức của mình, BS Văn giúp ông Tư Mốt phát hiện con cá mà Hai Hên bắt về bị nhiễm độc chất Xyanua. BS Văn cứu được các ngư dân vùng biển này, nhất là căn bệnh giảm áp (bệnh nghề nghiệp của thợ lặn) là nỗi ám ảnh, đau khổ của mỗi gia đình, người dân nơi đây. Ngoài ra, với kiến thức về ô nhiễm nguồn nước ngọt mà ngư dân dự trữ để sử dụng, BS Văn còn giúp chặn đứng nguy cơ dịch tả trên đảo.

Tình cảm của bà con đảo khát giành cho bác sĩ Văn càng lúc càng đầy lên, riêng với cô Mịn, nó đã chuyển thành tình yêu tự bao giờ chính cô cũng không hề biết. Trong khi đó, cả hai đều đã có sự hứa hôn với người khác.

Đảo khát không chỉ có thiên nhiên hoang dã mà con người nơi đây phải đối mặt với rất nhiều vấn đề
Đảo khát không chỉ có thiên nhiên hoang dã mà con người nơi đây phải đối mặt với rất nhiều vấn đề

Trong khi bác sĩ Văn nỗ lực cứu ngư dân trên đảo, cứu thiên nhiên khỏi những mưu đồ khiến biển chết, nguồn nước ô nhiễm… thì ông Lâm, thông qua Út Mười - chủ vựa thu mua hải sản nơi đất liền đã dụ dỗ một số ngư dân khác trên đảo tìm cách tổ chức khai thác lậu san hô đen cùng bắt cá cảnh biển bằng chất độc Xyanua.

Chính Út Mười cũng là người đã đưa Xyanua cho ông Ba Phố để sử dụng đánh bắt cá nhằm trục lợi nhanh, bất chấp lệnh cấm cùng nguy cơ hủy diệt môi trường biển.

“Câu chuyện xuyên suốt bộ phim không chỉ là đối mặt với biển khơi, bão tố mà còn phải chống chọi với mưu đồ, toan tính, kẻ cướp và kẻ thù xâm lược. Nơi mà trải qua hơn bốn thế kỷ, đội hùng binh Hoàng Sa được hình thành và giữ trọng trách lớn lao trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo! Đảo khát còn mang trong lòng nó một kho báu di sản của nền Văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa hòa chung vào nền văn hóa Việt…” - nhà sản xuất Nguyễn Quốc Hưng – Phó GĐ TFS cho biết.

“Đảo khát” (20 tập) do Đài Truyền hình TP.HCM và Hãng phim TFS thực hiện, sẽ phát sóng lúc 22h từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần trên sóng HTV9, bắt đầu từ ngày 14/8 tới.