Thương mại điện tử thông minh sẽ tạo ưu thế cạnh tranh trong thời CMCN 4.0

VietTimes -- Đầu tư để “thông minh hóa” hệ thống thương mại điện tử là biện pháp tối ưu để DN tồn tại trong cuộc CMCN 4.0, cũng chính là con đường duy nhất để tạo ra sự khác biệt, nhằm thu hút khách hàng. Tuy nhiên, thực tế, hầu hết các trang thương mại điện tử Việt Nam vẫn theo một khuôn mẫu chung...
Một số trang thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam.
Một số trang thương mại điện tử phổ biến của Việt Nam.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang hiện hữu tại Việt Nam. Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết Việt Nam hiện có gần 50 triệu người sử dụng Internet (đạt tỷ lệ trên 53% dân số). Cũng theo đơn vị này, trong tương lai gần lượng  người sử dụng Internet sẽ là 80-90% dân số.

Đây là cơ hội lớn cho ngành kinh doanh thương mại điện tử phát triển, tuy nhiên nó cũng tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các đơn vị, cá nhân đang triển khai hoạt động thương mại điện tử.

Trăm hoa đua nở... giống nhau

Hầu hết các trang thương mại điện tử tại Việt Nam theo một khuôn mẫu chung: Truy cập vào một website liệt kê hàng hóa, lựa chọn mặt hàng ưng ý, đặt hàng, tiến hành thanh toán (chọn phương thức thanh toán trực tuyến hoặc trả tiền lúc nhận hàng). Sau đó, các nhà điều hành trang thương mại điện tử này sẽ tiến hành kiểm tra đơn hàng và liên hệ đơn vị vận chuyển gửi hàng hóa cho khách.

Các trang thương mại điện tử muốn có nhiều khách hàng, buộc phải cạnh tranh bằng hạ giá sản phẩm, đầu tư quảng cáo, tăng chất lượng và lựa chọn nguồn gốc hàng hóa, dịch vụ cung ứng, dịch vụ bảo hành, dịch vụ chăm sóc khách hàng, dịch vụ tư vấn mua hàng. Kết quả của cạnh tranh này là lợi nhuận của doanh nghiệp giảm.

Đặc biệt các trang thương mại điện tử hiện tại còn phải đối mặt với các thách thức từ công nghệ như vấn đề tốc độ truy cập, băng thông Internet, vấn đề bảo mật thông tin và tấn công mạng.

Ngoài ra, các khó khăn phi công nghệ như phàn nàn của khách hàng về độ tin cậy, mua bán trực tuyến không đủ niềm tin về sản phẩm, thời gian giao hàng chậm, hàng hóa không đúng như chất lượng đăng tải cũng là một vấn đề nổi cộm.

Giải pháp thương mại điện tử thông minh

Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo ra một hạ tầng thuận tiện với tập khách hàng trực tuyến hàng tỉ người dùng, con số này còn tăng lên nữa trong tương lai. Kỷ nguyên vạn vật kết nối Internet (Internet of things – IoT) bắt đầu.

Hạ tầng công nghiệp 4.0 không chỉ có IoT, mà còn có cơ sở dữ liệu tri thức, trí tuệ nhân tạo, tương tác thời gian thực.

Việc đầu tư để “thông minh hóa” cho hệ thống thương mại điện tử  của doanh nghiệp là biện pháp tối ưu để tồn tại, phát triển song song với hạ tầng 4.0, là sự cạnh tranh công bằng, cũng chính là con đường duy nhất để một doanh nghiệp làm nổi bật hệ thống thương mại điện tử của mình, tạo ra sự khác biệt, nhằm thu hút khách hàng để tối đa hóa lợi nhuận.

Một hệ thống thương mại điện tử muốn phát triển đồng bộ với hạ tầng 4.0 phải tận dụng được sức mạnh này và nó sẽ phải “thông minh” hơn theo nghĩa “sống động” và đáp ứng lại tương tác với con người như chính con người với nhau.

Hệ thống thương mại điện tử thông minh cần có nền tảng thông minh, có dịch vụ thông minh, hệ cơ sở tri thức, kết nối thông minh, thanh toán thông minh và sự chia sẻ lợi nhuận thông minh.

Mô hình hệ thống thương mại điện tử thông minhMô hình hệ thống thương mại điện tử thông minh

Với những đặc điểm này, hệ thương mại điện tử thông minh sẽ có khả năng đáp ứng linh hoạt với các nền tảng khác nhau, các dịch vụ thông minh hơn như tư vấn thông minh dựa trên cơ sở tri thức, kết nối tự động và chọn lọc thông tin thông minh hơn với các kho hàng liên kết, có các gian hàng ảo sử dụng công nghệ 3D và thực tại ảo để khách hàng có thể xem và vận hành thử nghiệm các sản phẩm trước khi quyết định mua.

Thương mại điện tử thông minh sẽ tạo ưu thế cạnh tranh trong thời CMCN 4.0 ảnh 2Ví dụ về một gian hàng thông minh, khách hàng thử trước quần áo mà không cần thay đồ
(*) Tác giả Phạm Quang Vinh hiện là Trưởng phòng Phát triển thị trường công nghệ -- Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KHCN (Bộ KH&CN).