Thương lái Trung Quốc "làm loạn" thị trường cá tra

Theo VASEP, sáu tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra giảm mạnh. Trong 8 thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, có đến 6 thị trường giảm giá trị như: Mỹ giảm 5,6% , EU giảm 14,3% , ASEAN giảm 13,2% , Colombia giảm 13,9%...
Trương lái Trung Quốc đến tận nơi thu mua cá Việt Nam
Trương lái Trung Quốc đến tận nơi thu mua cá Việt Nam

Góp phần làm cho nhu cầu giảm là những "họa vô đơn chí" giáng xuống con cá tra. Thị trường Mỹ vừa bổ sung 12 doanh nghiệp Việt Nam vào danh sách, nâng tổng số công ty được phép xuất khẩu cá tra sang Mỹ lên 57. Nhưng đồng thời, cũng áp thuế chống phá giá lên một số DN Việt Nam.

Thêm vào đó, “truyền thông bị bêu xấu” tại EU - cách nói của Phó Tổng Thư ký Vasep Nguyễn Hoài Nam - hiện đã và đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín cá tra Việt Nam. Trong khi một số thị trường khác dựng thêm rào cản kỹ thuật thì điều, thì tăng trưởng xuất khẩu vào một số thị trường như Anh tăng 17%, Saudi Arabia tăng 2,4%, Brazin tăng đột biến lên 118,3% cũng chỉ là “an ủi"  và không dễ thay đổi tình thế…

Thực tế, giá cá tra nguyên liệu rớt thê thảm có nguyên nhân chủ yếu từ thị trường Trung Quốc. Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VINAPA) Dương Nghĩa Quốc cho biết, Trung Quốc là thị trường tiềm năng và được kỳ vọng sẽ thay thế các thị trường XK cá tra lớn như EU, Mỹ... Sáu tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 100 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2015.

Tuy nhiên đây lại là thị trường luôn biến động khó lường và ngày càng xuất hiện nhiều chiêu trò mới của thương nhân Trung Quốc cá tra Việt Nam bị "hạ gục" mà không thể lường trước.

Bốn tháng đầu năm nay, mặt hàng cá tra "chính phẩm" được thương lái Trung Quốc “ăn mạnh”, loại cá tra xẻ bướm (bỏ đầu, xương) và cá tra nguyên con được lái thu gom nhập về nước qua đường tiểu ngạch. Đặc biệt, cá tra quá lứa được thương lái Trung Quốc đến tận ao thu mua giá cao và không cần kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm. Việc thu mua lạ lùng của thương lái Trung Quốc đã tạo ra hiện tượng khan hiếm ảo, đẩy giá cá tra nguyên liệu lên 22.000-23.000đ/kg, có hộ còn bán được với giá "trong mơ" là 27.000đ/kg. Nông dân và DN “nhào theo”, đầu tư nuôi ồ ạt.

Thế nhưng sang tháng 5, thị trường “láng giềng” giảm nhập mạnh và đột ngột, thương lái Trung Quốc từ trong nội địa đến ngoài biên giới đều biến mất. Từ cuối tháng 6, không chỉ cá nuôi của nông dân, mà cả doanh nghiệp cũng dồn ứ, khiến giá cá rớt thảm hại.

Thực tế, cá tra ứ đọng, rớt giá còn là vì những chiêu trò mới xuất hiện. Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc "liên minh" mua cổ phần của DN Việt Nam, núp bóng DN và đóng vai thương lái bản xứ tung hoành thu mua cá.

Sau đó lái Trung Quốc thuê những cơ sở, nhà máy nhỏ lẻ gia công cá rồi đóng hàng xuất về "nguyên quán" qua đường tiểu ngạch, bán giá thấp, buộc DN Việt Nam phải hạ giá theo. Trong khi đó, hàng xuất của DN Việt Nam bên kia biên giới bị buộc phải tháo dỡ để kiểm tra rồi đóng lại làm tăng chi phí, khó bảo đảm thời gian bảo quản.

Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận An (An Giang) Nguyễn Thái Sơn cho biết, rủi ro lớn nhất khi bán hàng sang thị trường Trung Quốc vì qua đường tiểu ngạch nên không chỉ thương lái mà doanh nghiệp cũng phải bán theo hình thức gối đầu, mua trước trả sau.

Thương lái Trung Quốc lợi dụng chiếm dụng vốn, để nợ kéo dài, trả nợ dây dưa được một phần rồi... đi tìm "mối" làm ăn khác. Các doanh nghiệp “dính” nợ khó đòi thì hạn chế làm ăn với lái Trung Quốc nên cắt giảm việc thu mua cá nguyên liệu, khiến thị trường cá tra "đóng băng".

Ông Phạm Kim Sa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp thì ngao ngán: Những doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc cũng cạnh tranh “đạp giá” y như ở các thị trường khác. Trên thực tế, thị trường cá tra đã "loạn" từ khi doanh nghiệp bắt đầu chen lấn nhau xuất khẩu, cách đây hơn hơn thập kỷ. VASEP và sau  này là Hiệp hội Cá tra Việt Nam đưa ra đủ thứ tiêu chí, điều kiện, điều lệ, qui định nhưng không doanh nghiệp nào tuân thủ.