Thực tế ảo sắp "lấn sân" y tế

Microsoft và các đối tác cho thấy nhiều cơ hội phát triển ứng dụng thực tế ảo tăng cường trong lĩnh vực y tế với sản phẩm Kính Hololen. Đây là một công cụ đa năng, không chỉ dùng để giải trí, chơi game mà còn mở ra thế giới thực tế ảo tăng cường (AR - Augmented Reality) ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, như bệnh viện.
Microsoft HoloLens mở tương lai cho ngành y tế
Microsoft HoloLens mở tương lai cho ngành y tế

Mặc dù đã được giới thiệu trong sự kiện công bố Windows 10 ở Mỹ nhưng đến 7/9/2016, kính HoloLens - mẫu thiết kế thử nghiệm duy nhất ở châu Á (theo một đại diện của Microsoft) mới được đem đến trình diễn tại sự kiện HMA 2016 về công nghệ quản lý bệnh viện châu Á. 

Tại gian trưng bày, ông Rafic Habib, tổng giám đốc điều hành (CEO) của Clinic to Cloud, một đối tác phát triển công nghệ của Microsoft đang chỉ cho quan khách thấy các đối tượng ảo đang "ẩn mình" trong không gian triển lãm ở một góc trên tầng 3 khách sạn Sheraton TP.HCM. Một màn hình kết nối với kính HoloLens cho biết Rafic đang nhìn vào đâu và thấy được gì mỗi khi ông xoay đầu quanh phòng. Và mọi người thấy một cửa sổ Windows với nhiều cửa sổ con bên trong, một chú chú cún con biết sủa ở góc trái, một chú chuột đang chạy trên bánh quay ở góc phải. Rồi ông chụm năm đầu ngón tay lại và bung các ngón tay ra, đó là cử chỉ "nở hoa" (the bloom) để ra lệnh mở ra một cửa sổ tương tác trong không gian thực tại ảo. Khi người đeo HoloLens xoay đầu, họ cũng chính là đang xoay con trỏ trong không gian ảo. Sau đó họ có thể ra lệnh bằng các cử chỉ như "nở hoa" hay "mổ cò bằng một ngón tay".

Ông Rafic, đeo cả kính cận và Hololen, đang nhìn thấy một con chuột đang chạy trong bánh xe quay màu đỏ vốn hoàn toàn vô hình nếu nhìn bằng mắt thường trong không gian thực của khách sạn Sheraton (hình ảnh này được hiển thị ra màn hình phía sau bên phải của ông)
Ông Rafic, đeo cả kính cận và Hololen, đang nhìn thấy một con chuột đang chạy trong bánh xe quay màu đỏ vốn hoàn toàn vô hình nếu nhìn bằng mắt thường trong không gian thực của khách sạn Sheraton (hình ảnh này được hiển thị ra màn hình phía sau bên phải của ông)

"Cửa sổ và con vật được hiển thị là các đối tượng ảo mà tôi đã dùng kính HoloLens tạo ra và sắp đặt trước khi sự kiện này diễn ra", Rafic nói, "chú cún mà bạn thấy hiện chỉ làm được vài động tác nhưng ta có thể đưa vào bên trong một bot - chương trình tự động để làm cho chú cún này thực hiện được nhiều động tác khác. Tôi cũng có một mẫu mô hình người nhưng không đủ thời gian để lắp đặt các bộ phận chi tiết".

Bác sĩ Ravi Shrestha - tổng giám đốc điều hành của tập đoàn ViTAL - chuyên cung cấp các giải pháp hiển thị 3D (hay dựng hình 3D từ dữ liệu 2D của các máy chụp quét) trong y tế (bao gồm thị trường Việt Nam) cho biết Hololens sẽ được bổ sung cho danh mục giải pháp mà trong tương lai tập đoàn này sẽ cung cấp. "AR hữu ích trong giai đoạn tiền giải phẫu, chẳng hạn, trước khi mổ, bác sĩ sẽ lấy dữ liệu thực của tim bệnh nhân và xem xét dựa trên mô hình 3D với kích thước được lượng hóa để khi bắt tay vào mổ có thể xử lý nhanh và đúng cách. Môi trường thực tế ảo có thể cho phép kết nối và truyền hình ảnh đến các lớp học của trường y. Bác sĩ cũng có thể tìm hiểu bệnh nhân từ xa và kê đơn dựa trên cơ sở dữ liệu được tích hợp vào môi trường ảo này".

Rafic cho biết mẫu HoloLens này chỉ là bản thử nghiệm và trong tương lai có thể thay đổi theo xu hướng đơn giản hơn. Về bản chất, HoloLens là một hệ thống máy tính nhỏ (tạm hiểu như một điện thoại thông minh), chạy phiên bản Windows 10 đặc biệt, có kết nối WiFi, vận hành độc lập. Đây có thể sẽ là lý do khiến điện thoại thông minh "tuyệt chủng", ông nói. Vì mọi thông tin và âm thanh đều có thể được tích hợp vào kính AR này. Và với một kính AR, bạn có thể, chẳng hạn, tra bản đồ ngay khi đang ở ngoài đường một cách dễ dàng. Và liệu ta có thể nhìn thấy con thú cưng của người dùng Hololens khác hay không? Liệu ta có thể chia sẻ các vật thể ảo cho người khác dùng chung hay không? Đây vẫn là những câu hỏi chưa có lời đáp. Vì ngay cả châu Á cũng mới chỉ có 1 mẫu kính này để trình diễn. 

Hiện AR (thực tế ảo tăng cường) và VR (thực tế ảo) hay MR (thực tế ảo hỗn hợp) đều đang được nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Intel, Microsoft, Nvidia... phát triển với nhiều định hướng phục vụ khác nhau.

Theo PC World VN