Thực lực tài chính đáng nể của “vua game” VNG

VietTimes – VNG hoàn toàn không có nợ vay tài chính, trong khi có tới cả nghìn tỷ đồng tiền gửi ngân hàng. Công ty cũng cho vị lãnh đạo “khó thể thay thế” của mình vay 250 tỷ đồng không cần thế chấp suốt 5 năm nay.
CEO Lê Hồng Minh là người khó có thể thay thế tại VNG. (Ảnh: Internet)
CEO Lê Hồng Minh là người khó có thể thay thế tại VNG. (Ảnh: Internet)

Báo cáo tài chính hợp nhất vừa được Công ty cổ phần VNG (VNG) phát hành cho thấy, tính đến 30/06/2017, ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VNG vẫn đang nợ công ty này 250,1 tỷ đồng.

Đây là khoản tiền mà VNG đã cho ông Minh vay từ ngày 11/09/2012. “Khoản vay không có tài sản thế chấp và đáo hạn vào ngày 8/10/2017”.

Vì VNG không thuyết minh chi tiết nên chưa rõ, ông Minh đã vay số tiền trên cho mục đích gì, với thời hạn lâu như vậy (hơn 5 năm). Chỉ biết, với VNG, ông Minh nắm giữ một vai trò gần như không thể thay thế.

Bản thân tờ trình phê duyệt Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của VNG tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua cũng khẳng định: “Với vai trò là người sáng lập chính của Công Ty, ông Minh giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của Công ty và khó có người thay thế được vị trí của ông".

“Ông đã chứng minh năng lực lãnh đạo từ ngày đầu thành lập đến khi công ty trở nên lớn mạnh với doanh thu vượt 100 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Ông dẫn dắt VND đa dạng hóa ngành nghề, trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực Internet, tạo ra những giá trị đáng kể cho cổ đông và khẳng định vị thế của công ty với chiến lược phát triển lâu dài”, văn bản nhấn mạnh. Khá thú vị khi văn bản này được ký bởi chính ông Lê Hồng Minh, trên cương vị Chủ tịch HĐQT.

So sánh mức vốn điều lệ hiện thời của VNG, là 331 tỷ đồng, thì khoản vay của ông Minh là một con số đáng kể. Tuy nhiên, nếu so với thực lực tài chính của VNG, nó không quá lớn. Bởi thực tế, VNG đang dư khá nhiều tiền.

Tính đến giữa năm nay, tổng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của VNG đã lên đến 4.266 tỷ đồng, chưa kể khoản thặng dư vốn cổ phần lên tới 504 tỷ đồng.

Tuy đã chi tới 2.007 tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ, nhưng chốt tại 30/6/2017, giá trị vốn chủ sở hữu của VNG vẫn là 3.111 tỷ đồng, tăng 230 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 82,13% tổng tài sản (3.778 tỷ đồng).

Đáng nói, công ty hoàn toàn không có nợ vay tài chính. Nợ phải trả cũng khá hạn chế, ở mức 668 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở phải trả người bán ngắn hạn (113 tỷ đồng), thuế và các khoản phải nộp nhà nước (115 tỷ đồng), chi phí phải trả ngắn hạn (343 tỷ đồng).

Không lạ khi VNG sở hữu lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng khổng lồ. Cụ thể, cập nhật tại giữa năm nay, VNG đang có 607 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Thêm vào đó là 1.056 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn còn lại dưới một năm và 210 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn còn lại trên một năm. Với các khoản tiền gửi ngân hàng này, VNG được hưởng lãi suất dao động từ 3,58%/năm đến 7,4%/năm.

Tính chung nửa đầu năm 2016, VNG đã được hưởng tiền lãi là 49 tỷ đồng, đóng góp phần lớn cho doanh thu hoạt động tài chính của công ty trong kỳ (55 tỷ đồng).

Với mức lợi nhuận gộp tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục 1.215 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí và các khoản lỗ khác, VNG đã báo lãi trước thuế tới 721 tỷ đồng – tăng mạnh so với con số 189 tỷ đồng của 6 tháng đầu năm 2016.

VNG tiền thân là Vinagame thành lập ngày 09/09/2004 tại Tp. HCM, hoạt động chính trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển phần mềm, điều hành và phân phối các trò chơi trực tuyến, quảng cáo trực tuyến, thương mại điện tử…

Công ty chính thức được đăng ký là công ty đại chúng theo công văn số 80/CQĐD-NV do Ủy ban Chứng khoán nhà nước và ngày ngày 29/1/2011, hiện được phân loại là công ty đại chúng quy mô lớn.

Tính đến 30/06/2017, VNG có 1.820 nhân viên, giảm nhẹ so với số lượng 1.856 người tại đầu năm.

Trong cơ cấu tổ chức, VNG hiện sở hữu và chi phối vốn gần như tuyệt đối tại nhiều công ty con, gồm: VinaTechSoft, VNGS, Long Đỉnh, Nguyên Bảo, BP, VinaData, Vinanet, Zion,  EPI, Minh Phương Thịnh, VNG Online, VNG Data Center.

Ngoài ra, VNG còn đang đầu tư 250 tỷ đồng để nắm giữ cổ phần tại 3 công ty liên kết, là: CTCP Ti Ki; All Best Asia Group Limited; Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Truyền Thông Thanh Sơn.

Liên quan đến VNG, cách đây chưa lâu, tháng 5/2017, doanh nghiệp này đã ký và trao Bản ghi nhớ với Sàn chứng khoán NASDAQ về việc VNG sẽ niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ - sàn chứng khoán lớn thứ 2 nước Mỹ và thế giới. Nếu thành công, đây sẽ là công ty Việt Nam đầu tiên IPO tại Mỹ./.