Đà Nẵng:

Thực hư việc 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ của Sở Công thương Đà Nẵng

VietTimes – Chiều nay (7/7), sau khi Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng công bố 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của Sở Công Thương, Sở Công thương ngay lập tức lên tiếng.
Bộ phận một của tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Bộ phận một của tại Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

Số liệu công bố không đảm bảo tính khoa học

Sở Công thương TP Đà Nẵng khẳng định, số liệu 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận của Sở Công Thương mà Ban Pháp chế Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Đà Nẵng vừa công bố là chưa chính xác.

Lý do được Sở Công thương đưa ra là do kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến www.cchc.danang.gov.vn từ ngày 1/1 đến ngày 25/6 ghi nhận chỉ có 1 công dân tiến hành đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3/3, và đánh giá kết quả là “chưa hài lòng” với thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận.

“Việc chỉ căn cứ vào duy nhất 1 đánh giá chưa hài lòng của công dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỷ lệ đánh giá chưa hài lòng tương đương 100% (1/1 đánh giá là chưa đảm bảo yêu cầu về tính khoa học, chưa khách quan, số lượng khảo sát không đủ để mang tính đại diện và chưa phản ánh thực tế hoạt động của Sở Công Thương” – Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Nguyễn Hà Bắc nhấn mạnh.

Cũng theo Sở Công thương TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị đã tiếp nhận và xử lý 8.145 hồ sơ, trong đó có 8.044 hồ sơ trực tuyến (tỷ lệ 99,3%) và 56 hồ sơ trực tiếp (tỷ lệ 0,7%). Kết quả 100% hồ sơ đều được giải quyết sớm và đúng sớm hạn, không có trường hợp trễ hạn.

Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng
Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng

“Trong bối cảnh, lượng hồ sơ của Sở Công thương 6 tháng đầu năm là 8.145 hồ sơ thì việc căn cứ vào 1 đánh giá chưa hài lòng để công bố tỷ lệ là 100% người dân chưa hài lòng là thiếu căn cứ khoa học và không khách quan, không mang tính đại diện”- Giám đốc Sở Công thương khẳng định.

Trên cơ sở quy định về kết quả khảo sát mẫu tối thiểu cho việc đánh giá mức độ hài lòng của công dân, Sở Công Thương TP Đà Nẵng cho biết thêm, theo quy định phải xác định kết quả khảo sát tối thiểu 500 hồ sơ mới đảm bảo tính khoa học, tính đại diện của kết quả khảo sát.

Trước đó, vào sáng nay, tại phiên thảo luận tại hội trường, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX (nhiệm kỳ 2016-2021), Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đã công bố báo cáo thẩm tra số 629/BC-HĐND đề cập đến kết quả khảo sát mức độ hài lòng của công dân đối với dịch vụ hành chính công trên địa bàn.

Kết quả công bố tỷ lệ ý kiến công dân, tổ chức không hài lòng do phải tốn chi phí không chính thức, do thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận, do phải đi lại nhiều lần, thời gian trả không đúng quy định, còn tương đối cao. Riêng Sở Công Thương, 100% người dân không hài lòng với thái độ phục vụ, hướng dẫn của công chức tại bộ phận tiếp nhận.

Có sự hiểu lầm

Kết quả đánh giá này đã được báo giới quan tâm đưa tin, đặc biệt khi Đà Nẵng từng là địa phương nhiều năm liền có chỉ số cải cách hành chính dẫn đầu cả nước.

Trả lời phỏng vấn báo chí liên quan đến vụ việc, ông Phan Thanh Long - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng - thừa nhận có sự "hiểu lầm”, đồng thời thừa nhận không có căn cứ vào tỷ lệ bao nhiêu người tham gia khảo sát trong số tổng hồ sơ thực hiện mà chỉ dựa trên lũy kế đánh giá của cổng thông tin dịch vụ hành chính công.

Ông Phan Thanh Long - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng
Ông Phan Thanh Long - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng

“Khi làm báo cáo anh em (thành viên Ban Pháp chế - PV) căn cứ vào phần mềm tự động. Trong trường hợp này Sở Công Thương chỉ có 1 người đánh giá và là đánh giá không hài lòng nên tỷ lệ không hài lòng là 100%. Con số này chưa được làm rõ có thể gây hiểu lầm” - ông Long thừa nhận với báo giới.

Ông Long cũng cho biết đã nhận được thông tin phản hồi của Sở Công Thương và sẽ cho kiểm tra lại thông tin, ghi chú rõ hơn và điều chỉnh cho phù hợp.

Ngay tại kỳ họp, nhiều ý kiễn cho rằng với vai trò là ban giám sát các vấn đề liên quan đến pháp lý tại địa phương, Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cần chấn chỉnh công tác nghiệp vụ, tránh những vụ việc đáng tiếc, gây ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức cá nhân, đặc biệt là những hiểu lầm có khả năng "quét sạch" nỗ lực trong công tác cải cách hành chính của chính quyền Đà Nẵng trong suốt thời gian qua.