Thực hư về những trò chơi gắn mác “rèn luyện trí thông minh“

Chắc hẳn bạn đã không ít lần nhìn thấy những trò chơi điện tử được khẳng định là "tốt cho sự phát triển của trí não". Nhưng thực sự có đúng là như vậy hay không?
Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Theo LiveScience, Lumosity là một công ty chuyên phát hành các trò chơi trí tuệ nổi tiếng tại California, Mỹ, nhưng theo một nghiên cứu mới, các trò chơi này không hề cải thiện khả năng suy nghĩ hay giúp người chơi đưa ra các quyết định "thông minh hơn".

Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 128 thanh thiếu niên được chọn ngẫu nhiên sau khi chia họ vào hai nhóm để chơi các trò chơi của Lumosity và các trò chơi điện tử thông thường khác trong vòng 10 tuần. Lumosity đã từng tuyên bố rằng các trò chơi của họ có thể tăng cường khả năng nhận thức của người chơi, như trí nhớ, sự tập trung và năng lực giải quyết vấn đề. Chương trình sẽ tự động điều chỉnh độ khó của trò chơi tùy thuộc vào từng người chơi. Ngược lại, các trò chơi điện tử thông thường sẽ là các trò chơi không có mục đích cải thiện nhận thức cũng như điều chỉnh về độ khó.

Kết quả, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người đã chơi trò chơi của Lumosity sẽ chơi giỏi hơn ở những trò chơi nhất định. Tuy nhiên, họ không hề có kết quả vượt trội so với những người chơi game thông thường ở các bài kiểm tra tiêu chuẩn như trí nhớ, sự tập trung hay các tác vụ liên quan đến nhận thức khác. Ngoài ra, những người chơi trò chơi của Lumosity cũng không thể hiện bất kì sự khác biệt nào trong biểu đồ hoạt động của não bộ khi đưa ra quyết định trong phòng thí nghiệm, đồng thời tỉ lệ mà họ đưa ra các quyết định mạo hiểm hoặc bốc đồng cũng ngang ngửa với những người ở nhóm còn lại.

Các nhà nghiên cứu, đến từ Đại học Pennsylvania, đã kết luận trên Tạp chí Khoa học Thần kinh vào ngày 10/7 vừa qua rằng, đối với những người trẻ tuổi, các trò chơi được gắn mác "tốt cho sự phát triển của trí não" "không hề có ảnh hưởng lớn hơn những trò chơi thông thường" tới hoạt động của não bộ, khả năng đưa ra quyết định hay nhận thức.

Một trong những trò chơi của Lumosity, hiện đang có hàng chục triệu lượt tải trên Google Play

Vào năm 2016, Lumos Labs (nhà sản xuất game của Lumosity) đã phải trả 2 triệu USD để giải quyết những cáo buộc liên quan đến việc quảng cáo sai sự thật, do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) đệ đơn. Lumosity đã từng nói rằng các trò chơi của họ có thể giúp người chơi thể hiện tốt hơn ở trường và nơi làm việc, đồng thời trì hoãn sự suy giảm về nhận thức, điều vốn đi kèm với vấn đề tuổi tác. Giờ đây, công ty này buộc phải đặt thông tin trên trang web của mình rằng họ cần nghiên cứu nhiều hơn nữa để xác định xem liệu trò chơi của họ có thực sự giúp đỡ con người trong cuộc sống hàng ngày hay không.

Có một vài nghiên cứu nhỏ lẻ trước đây cho rằng những trò chơi rèn luyện trí tuệ sẽ giúp con người cân nhắc trước khi đưa ra quyết định và chọn những phương án ít mạo hiểm hơn. Trong nghiên cứu mới này, các nhà nghiên cứu cũng đã quyết định kiểm tra tính chính xác của những giả thiết đó. Họ cho biết, nếu điều này là đúng, những trò chơi này có thể là chìa khóa để chữa trị một số bệnh trạng nhất định như béo phì hay nghiện ngập – vốn phụ thuộc vào khả năng đưa ra quyết định của con người.

Trong nghiên cứu, những người tham gia sẽ trả lời một số câu hỏi, cả trước và sau khi khóa "tập luyện" 10 tuần kết thúc nhằm đánh giá xu hướng lựa chọn của họ. Ví dụ, những người tham gia sẽ được yêu cầu lựa chọn giữa việc có được 20 USD (khoảng 450.000 đồng) ngay lập tức, hoặc 40 USD (khoảng 900.000 đồng) vào cuối tháng. Họ sẽ trả lời những câu hỏi này khi đeo các thiết bị theo dõi hoạt động của não. Ngoài ra, những người tham gia sẽ phải hoàn thành một loạt các bài kiểm tra tiêu chuẩn về nhận thức, trí nhớ, sự tập trung và các chức năng khác của não bộ.

Trái ngược với giả thiết, những người tham gia chơi trò chơi của Lumosity không cho thấy sự thay đổi trong khuynh hướng chọn (hoặc không chọn) số tiền 20 USD và các hoạt động của não cũng không có gì quá khác biệt so với những người chơi các trò chơi thông thường. Điểm số của các bài kiểm tra nhận thức cũng là tương đương nhau.

Hơn nữa, khi các nhà nghiên cứu triển khai thêm một nhóm thứ ba, thực hiện các bài kiểm tra giống hệt như hai nhóm kia nhưng không chơi bất kì trò chơi nào hết. Kết quả, điểm số của nhóm thứ ba này cũng tương đồng với cả nhóm Lumosity và nhóm trò chơi thông thường.

Trong một báo cáo, Lumos Labs cho biết, nghiên cứu này đã dẫn họ tới một ý tưởng mới – liệu việc rèn luyện nhận thức có liên quan đến khả năng ra quyết định hay không. Công ty này đã khuyến khích các nhà nghiên cứu thực hiện công việc này, đồng thời cung cấp quyền truy cập miễn phí vào chương trình rèn luyện của Lumosity để phục vụ cho nghiên cứu.

Báo cáo của Lumos Labs cũng chỉ ra rằng, nghiên cứu là "Một bước nhảy vọt trong việc chứng minh rằng rèn luyện nhận thức không tốt hơn các trò chơi điện tử trong việc cải thiện các chức năng não", như các nhà tiến hành nghiên cứu cho biết. Lumos Labs cũng lưu ý rằng nghiên cứu này vẫn còn tồn tại nhiều câu hỏi, như "Làm thế nào, tại sao và trong hoàn cảnh nào thì việc rèn luyện nhận thức trở nên có hiệu quả".

Các nhà nghiên cứu cũng cho biết, nghiên cứu của họ chỉ bao gồm những người có độ tuổi từ 18 đến 35 và có sức khỏe ổn định, nên có thể các trò chơi rèn luyện trí tuệ sẽ có tác động mạnh mẽ hơn ở trẻ em, người lớn tuổi hay những người có tình trạng sức khỏe nhất định.

Theo Tạp chí Diễn đàn đầu tư