Thực hư Ukraine chuyển giao “bảo bối” tên lửa cho Triều Tiên

VietTimes -- Mặc dù Ukraine bác bỏ thông tin này nhưng một số nhân viên an ninh Ukraine sử dụng nghiệp vụ để trao đổi với Tổng Giám đốc Yuzhmash Sergey Voit và đã nhận được thông tin rằng Yuzhmash đã từng hợp tác với các kỹ sư Triều Tiên trong suốt 14 năm và cũng đã từng hợp tác với Trung Quốc 20 năm.
Dàn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong lễ duyệt binh lịch sử hồi tháng 5/2017
Dàn tên lửa đạn đạo của Triều Tiên trong lễ duyệt binh lịch sử hồi tháng 5/2017

Trong một thời gian dài bị thất bại trong nhiều cuộc phóng thử tên lửa tầm xa, trong tháng 7/2017 Triều Tiên bất ngờ và liên tiếp phóng thử thành công loại tên lửa này. Theo tuyên bố của Bình Nhưỡng thì đó là loại tên lửa đạn đạo tầm xa liên lục địa (ICBM) có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Lý giải thành tựu đột phá này của Triều Tiên, báo Mỹ New York Times dẫn nguồn tin tình báo cho biết, Triều Tiên đã sử dụng động cơ tên lửa tầm xa do Ukraine chuyển giao. Trong khi đó, Chính quyền Kiev tuyên bố bác bỏ cáo buộc Ukraine chuyển giao động cơ tên lửa cho Triều Tiên. Vậy sự thật xung quang câu chuyện này là thế nào?

Triều Tiên đột phá gây kinh ngạc

Rõ ràng, thử nghiệm thành công ICBM có khả năng mang đầu đạn hạt nhân là một thành tựu đột phá của Triều Tiên, trong đó yếu tố quan trọng nhất là phải có tên lửa đẩy cực mạnh và có độ tin cậy rất cao. Khả năng này hiện tại chỉ có một số nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và có thể cả Pakistan. Ukraine làm chủ công nghệ chế tạo động cơ tên lửa ICBM là do kế thừa của Liên Xô trước đây và họ vẫn nhận hợp đồng của Nga để chế tạo loại động cơ này sau khi Liên Xô tan rã cho tới trước cuộc đảo chính tháng 2/2014.

Theo báo New York Times, kết quả nghiên cứu của giới tình báo Mỹ về “hiện tượng lạ” Triều Tiên liên tiếp thử thành công tên lửa tầm xa đã đi tới kết luận: Bình Nhưỡng đã nhận được động cơ tên lửa do một nhà máy của Ukraine chuyển giao.

Các chuyên gia điều tra của Mỹ tập trung sự chú ý vào một nhà máy tên lửa có tên là Yuzhmash ở thành phố Dnepro của Ukraine. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhà máy này đã chế tạo được những động cơ tên lửa mạnh nhất trong kho vũ khí hạt nhân chiến lược của Liên Xô và hiện nay vẫn là một trong những nhà sản xuất tên lửa hàng đầu nhận đơn đặt hàng của Nga sau khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991. Sau cuộc đảo chính tháng 2/2014, nhà máy Yuzhmash rơi vào tình trạng khó khăn và đứng trước nguy cơ phá sản do Nga hủy tất cả các dự án nâng cấp lực lượng tên lửa hạt nhân chiến lược có liên quan đến Ukraine.

Các chuyên gia điều tra Mỹ tin rằng, trong bối cảnh lâm vào tình cảnh cực kỳ khó khăn về kinh tế và bất ổn về chính trị, Ukraine đang tìm cách vượt qua và họ đã chuyển giao nhiều công nghệ quân sự cho một số nước. Để tránh bị phá sản, Yuzhmash tìm thị trường mới và họ đã tìm đến Triều Tiên-quốc gia đang rất cần loại động cơ tên lửa tên lửa tầm xa. Giá chuyển giao bản thiết kế kèm theo hệ thống cảm biến và điều khiển của động cơ R-36 của Ukraine có thể lên tới 100-150 triệu USD. Đây là khoản tiền không nhỏ.  

Tuy nhiên, cần nhận thấy rằng, 6 năm trước đây, các chuyên gia điều tra của Liên Hiệp Quốc đã từng phát hiện Triều Tiên nhận chuyển giao bí mật chế tạo tên lửa của Ukraine. Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên đặc biệt quan tâm tới hệ thống tên lửa, động cơ nhiên liệu lỏng, hệ thống cung cấp nhiên liệu cho tàu vũ trụ và tên lửa đẩy. Đây là những công nghệ Triều Tiên không thể làm chủ được trong thời gian ngắn, hơn nữa đầu tư cho nghiên cứu phát triển những công nghệ này là vô cùng lớn. Do đó, rất có thể Triều Tiên đã nhận chuyển giao các bản thiết kế, phần cứng và sự trợ giúp của các chuyên gia giỏi theo cơ chế “thị trường đen”.

Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong thời gian gần đây
Nhà lãnh đạo Kim Jong un kiểm tra tên lửa trước vụ phóng thử nghiệm
Nhà lãnh đạo Kim Jong un kiểm tra tên lửa trước vụ phóng thử nghiệm
Triều Tiên liên tục thử tên lửa trong thời gian gần đây

Cựu giám đốc CIA Leon Panetta cũng nhận định rằng Triều Tiên đã có thể có được ICBM cùng với việc tích hợp với vũ khí hạt nhân nhanh hơn nhiều so với dự kiến của cộng đồng tình báo Mỹ. Norbert Brügge, chuyên gia phân tích người Đức, khẳng định rằng trong bức ảnh chụp động cơ tên lửa mới của Triều Tiên cho thấy sự tương đồng rất rõ với tên lửa đẩy RD-250 do nhà máy Yuzhmash của Ucraina chế tạo.

Chuyên gia điều tra Mỹ cũng không bác bỏ khả năng có doanh nghiệp tên lửa lớn của Nga Energomash vốn có quan hệ chặt chẽ với Yuzhmash của Ukraine, có thể đóng vai trò nào đó trong việc chuyển giao công nghệ động cơ tên lửa RD-250 cho Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Nga V.Putin đã từng ký Sắc lệnh đặc biệt về cấm cung cấp, chuyển giao các công nghệ liên quan đến vũ khí chiến lược cho Triều Tiên.

Để tiếp nhận công nghệ chuyển giao của Ukraine, Triều Tiên đã xây dựng thành công hệ thống nghiên cứu, phát triển và chế tạo tên lửa, trong đó tập hợp nhiều trường đại học, viện nghiên và các trung tâm thiết kế cũng như tổ hợp công nghiệp quân sự mạnh. Vấn đề còn lại cần nghiên cứu là Triều Tiên đã nhận chuyển giao bao nhiêu động cơ tên lửa tên lửa tầm xa của Ucraina và nhận bằng cách nào? [1,2]

Ukraine đứng sau thành công tên lửa Triều Tiên?

Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh Ukraine, ông Oleksandr Turchynov, tuyên bối: “Ukraine chưa bao giờ chuyển giao động cơ tên lửa hay bất cứ điều gì liên quan tới công nghệ tên lửa cho Triều Tiên". Đại diện của Yuzhmash bác bỏ thông tin cho rằng nhà máy không tìm cách tồn tại bằng mọi giá và không bao giờ chuyển giao các công nghệ có nguy cơ cao ra bên ngoài Ukraine. Tuy nhiên, các nhà điều tra Mỹ không tin sự phủ nhận này.

Theo tiết lộ của các chuyên gia Ukraine, động cơ tên lửa tầm xa R-36 của Liên Xô trước đây mà Yuzhmash từng chế tạo, có thể mang được đầu đạn nặng 4 tấn bay xa 15.000 km và mang đầu đạn 6 tấn bay xa 10.000km. Ngoài ra, ban đầu trong số 146 lần phóng, chỉ có 1 lần bị hỏng. Về sau, độ tin cậy được nâng lên tới 100% [2].

Trong khi đó, một số nhân viên an ninh Ukraine sử dụng nghiệp vụ để trao đổi với Tổng Giám đốc Yuzhmash Sergey Voit và đã nhận được thông tin rằng Yuzhmash đã từng hợp tác với các kỹ sư Triều Tiên trong suốt 14 năm và cũng đã từng hợp tác với Trung Quốc 20 năm. Theo ông Sergey Voit, Hội đồng an ninh Ukraine Cục tình báo đối ngoại Ukraine biết rất rõ điều đó [3].  

Nhận định về tuyên bố của Tổng công trình sư của Yuzhmash rằng Triều Tiên “sao chép” công nghệ của Ukraine, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin khẳng định, không có sự giúp đỡ kỹ thuật của các chuyên gia Ukraine, Triều Tiên không thể làm chủ được công nghệ chế tạo động cơ tên lửa tầm xa. Theo ông Dmitry Rogozin, để “sao chép”, Triều Tiên nhất thiếu phải có trong tay hoặc là nguyên bản động cơ tên lửa tầm xa, hoặc các bản vẽ thiết kế kỹ thuật chi tiết. Để có thể “sao chép” theo cách đó, Triều Tiên phải có sự giúp đỡ của các chuyên gia Ukraine. Như vậy, Ukraine đã vi phạm các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về cấm vận Triều Tiên [4].

Cận cảnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên
Cận cảnh tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên

Người phát ngôn chính thức của Bộ ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố, Washington đặc biệt lo ngại trước thông tin cho rằng Ukraine chuyển giao công nghệ tên lửa cho Triều Tiên [5].

Theo Viện nghiên cứu các vấn đề hòa bình ở Thụy Điển SIPRI, vào cuối thế kỷ XX, Ukraine nằm trong danh sách 20 quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu vũ khí. Trong năm 2013, Ukraine đứng hàng thứ 8 trong danh sách này [2]

Ukraine có thể sẽ phải đối mặt với hậu quả khôn lường

Trước đây, chính quyền Ukraine dưới thời Tổng thống Leonid Kuchma cũng đã từng bán lậu vũ khí cho Iraq, bất chấp lênh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với quốc gia này. Vì thế mà Tổng thống Ukraine, ông  Leonid Kuchma, đã không được mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Cộng hòa Séc năm 2002.

Tuy không được mời, nhưng Tổng thống Leonid Kuchma vẫn tới thăm Praha. Trong tình cảnh buộc phải tiếp đón vị khách không mời mà đến này, Ban tổ chức Hội nghị thượng đỉnh NATO năm đó đã thay đổi cách xếp ghế ngồi cho các đại biểu bảng chữ cái tiếng Anh và chuyển sang xếp theo bảng chữ cái tiếng Pháp, để tránh cho Tổng thống Mỹ G.W.Bush và Thủ tướng Anh Tony Blair phải ngồi bên cạnh Tổng thống Ukraine!

Còn chuyện Ukraine chuyển giao động cơ tên lửa tầm xa cho Triều Tiên nếu có thật thực sự là chuyện “tày đình” hơn rất nhiều bởi liên quan tới lệnh cấm phổ biến vũ khí hạt nhân. Do đó, theo nhận định của nhà chính trị Ukraine, bà Yulia Chimoshenco, một khi thông tin về chính quyền Kiev chuyển giao lậu công nghệ chế tạo động cơ tên lửa cho Triều Tiên được kiểm chứng thì Ukraine sẽ phải chịu cấm vận quốc tế. Đây sẽ là thảm họa đối với quốc gia này trong tình thế hiện nay khi họ đang đứng trước nguy cơ phá sản do khủng hoảng kinh tế. Đây là hậu quả từ hành động không chuyên nghiệp của chính quyền Kiev [6].

***

Tài liệu tham khảo

[1] КНДР получает ракетные двигатели от украинского "Южмаша"?https://topwar.ru/122514-nyt-kndr-poluchaet-raketnye-dvigateli-ot-ukrainskogo-yuzhmasha.html

[2 ] Кузькину мать Киму построили украинские инженеры-гастарбайтеры. https://www.kp.ru/daily/26718/3743951/

[3]Мировой скандал: Украина призналась в поставке ядерных ракет КНДР. http://maxpark.com/community/13/content/5956534

[4] Рогозина удивили заявления Киева о копии украинских двигателей в КНДР. https://life.ru/t/%D0%BD%D0%BE%D0%B2%D0%BE%D1%81%D1%82%D0%B8/1035572/roghozina_udivili_zaiavlieniia_kiieva_o_kopii_ukrainskikh_dvighatieliei_v_kndr

[5] Госдеп прокомментировал сообщения о поставках двигателей с Украины в КНДР.http://politcentr.ru/18569-gosdep-prokommentiroval-soobscheniya-o-postavkah-dvigateley-s-ukrainy-v-kndr.html

[6Ракетная помощь КНДР как политическое самоубийство Украины. http://maxpark.com/community/13/content/5957085