Thực hư chuyện người Việt gửi 7,3 tỉ đô-la ở nước ngoài

Hôm qua, một tờ báo mạng chạy tít Đại gia Việt "giấu" 7,3 tỉ USD ở nước ngoài vừa gây tò mò vừa tạo ra những phản ứng từ nhiều phía.
Ảnh TLTBKTSG
Ảnh TLTBKTSG

Nội dung bản tin nói rõ hơn về khoản tiền này: "Tính tới cuối năm 2015, lượng tiền gửi ở nước ngoài của người Việt gia tăng đột biến, lên mức 7,3 tỉ USD, trong khi các nhà băng lớn vẫn phải đi vay ngoại tệ của nước ngoài để đáp ứng nhu cầu trong nước. Số liệu này được đưa ra trong Báo cáo kinh tế Việt Nam quý I/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) công bố chiều 12/4".

Đến chiều hôm qua, theo tin của VTV thì đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết "Thông tin 6 tỉ USD gưi ra nước ngoài quý III/2015 là không chính xác". Bản tin VTV có nói thêm: "Nguồn tin từ NHNN cho biết, lượng tiền gửi USD từ các tổ chức tín dụng ra nước ngoài vào quý III/2015 chỉ dao động trung bình từ 2 - 3 tỉ USD. Đây là diễn biến tương đối ổn định, không có gì bất thường như con số 6 tỉ USD mà Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách đưa ra trước đó".

Vậy thực hư câu chuyện này là như thế nào?

Đầu tiên là chuyện giật tin câu khách với cụm từ Đại gia Việt của tờ báo mạng. Báo cáo của VEPR đâu có nói như vậy. Câu có liên quan trong báo cáo nguyên văn là: "Tuy nhiên, một nhân tố mới xuất hiện là dòng vốn đầu tư khác mà cấu phần chủ yếu là tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD". Viết "đại gia Việt" người bình thường cứ nghĩ các ông bà nhà giàu chuyển ngân lậu ra nước ngoài đến 7,3 tỷ đô-la.

Thứ hai, liệu con số của VEPR đưa ra có chính xác và nó là gì?

Báo cáo của VEPR dựa vào nguồn cơ sở dữ liệu CEIC, một cơ sở dữ liệu thu thập thông tin kinh tế của 128 nước, phải trả tiền mới vào tra cứu được. Tuy nhiên, số liệu cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam thì NHNN vẫn đang công khai, số mới nhất may mắn thay đúng là quý 3-2015.

Có lẽ nhân đây nên nhìn sơ qua cán cân thanh toán quốc tế để biết nó có những cấu phần nào.

Cán cân thanh toán quốc tế (đơn vị triệu đô-la Mỹ)

Như vậy cán cân tổng thể đang thặng dư 555 triệu đô-la Mỹ vào quý 2-2015 đã trở thành thâm hụt đến 6,6 tỉ đô-la vào quý 3-2015.

Ở đây chúng ta đang nói đến cán cân tài chính, cho nên phải xem bên trong nó gồm có những phần nào:

Cán cân tài chính (đơn vị triệu đô-la Mỹ)

Nguyên nhân của việc cán cân thanh toán bỗng chuyển sang thâm hụt như trên chính là do cán cân tài chính. Tuy nhiên ở đây phải làm rõ một ý: tiền và tiền gởi của các khu vực khác giữa hai quý hầu như không thay đổi (tức hoàn toàn không có chuyện đại gia Việt nào giấu tiền ở nước ngoài cả); chỉ có tiền gửi của các tổ chức tín dụng đem ra gửi ở nước ngoài tăng đột biến: tăng từ mức 1,12 tỉ đô-la lên gần 6 tỉ đô-la.

Có thể đây là kết quả của chính sách siết lại việc cho vay ngoại tệ trong nước hay cũng là hoạt động đầu tư cho các khoản dự trữ ngoại tệ như mua trái phiếu chính phủ nước khác. Thật ra việc các ngân hàng trong nước gởi tiền ở ngân hàng nước ngoài là chuyện bình thường và con số này tăng giảm tùy vào nhu cầu từng thời điểm.

Tính công khai của NHNN ở đây là giải thích thêm con số tăng đột biến này chứ không phải phủ nhận nó không chính xác. Bởi đó chính là con số của NHNN cập nhật vào tuần này và các tổ chức kinh tế thế giới đã có từ trước!

Cập nhật: Đến cuối chiều nay, ngày 14-4, trang web của NHNN cung cấp thêm số liệu cán cân thanh toán quốc tế quý 4-2015. Đến quý này, mục đầu tư khác giảm xuống còn -3,553 tỉ đô-la; trong đó tiền gửi của các tổ chức tín dụng giảm mạnh xuống còn -369 triệu đô-la. Như vậy có thể tạm kết luận nếu trong quý 3-2015 vì lý do gì đó mà các tổ chức tín dụng đem gần 6 tỉ đô-la gửi ở nước ngoài thì đến quý 4-2015 họ đã rút về, chỉ còn gửi lại 369 triệu đô-la, một con số nhỏ hơn mức bình thường.

Theo TBKTSG