Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI)
Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI)

E-magazine Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia và 6 lưu ý lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyển đổi số phải thực sự là hành động chuyển đổi của tất cả mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, mọi cấp chính quyền chứ không phải chỉ là những phong trào, những chủ trương, những kế hoạch.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã bước vào hành trình năm thứ ba và đang có những bước chuyển mạnh về chất, định hình những bước đi ngày một hợp lý và hiệu quả hơn.

Sau rất nhiều nỗ lực để thực hiện chuyển đổi số, các kết quả bước đầu đã có được những thành tựu trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin và phổ cập rộng rãi sự tiếp cận của công chúng với công nghệ số và dữ liệu số, tạo ra những nền tảng quan trọng để tiến trình chuyển đổi có thể thực sự diễn ra.

Đảng, Nhà nước cũng rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa.”

Tuy nhiên, để tiến trình chuyển đổi số tiếp tục đi đúng hướng, tạo nên những sự chuyển đổi mang tính đột phá thực sự, trở thành phương thức có tính đột phá, chúng ta cần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia một cách có chiến lược, có phương pháp, có hệ thống, đồng bộ và tạo ra được sự cộng hưởng hiệu quả.

Tiến trình chuyển đổi số cần phải đi vào thực chất, cần phải được hiểu đúng, cần phải được thực hiện một cách tổng thể bởi sự phối hợp một cách đồng bộ giữa các tổ chức, các doanh nghiệp, các địa phương, ở cả bốn cấp chính quyền, và có một sự gắn kết hiệu quả giữa các cơ quan Đảng, Chính quyền và khối Mặt trận, đoàn thể.

Chuyển đổi số phải thực sự là hành động chuyển đổi của tất cả mọi người dân, mọi doanh nghiệp, mọi tổ chức, mọi cấp chính quyền chứ không phải chỉ là những phong trào, những chủ trương, những kế hoạch. Chỉ có thực sự chuyển đổi thì tiến trình chuyển đổi số mới đi đúng hướng, đạt được sự đột phá và trở thành phương thức có tính đột phá.

Vậy cần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số quốc gia như thế nào?

Trước hết, cần biết rõ, nắm chắc, hiểu sâu về chuyển đổi số. Đây cũng chính là nội dung “chuyển đổi nhận thức” luôn được nhắc đến đầu tiên trong mọi chủ trương, đường lối, chính sách về chuyển đổi số.

Chúng ta đã nhận thức được điều này, nhưng việc thực thi trong thực tiễn lại chưa đạt yêu cầu, và đây cũng là rào cản lớn nhất hiện nay trong việc thực hiện các kế hoạch chuyển đổi số tại nhiều địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp phải thực sự trả lời được, tại sao lại cần phải chuyển đổi số? Chuyển đổi cái gì để đạt đến cái gì? Chuyển đổi như thế nào?

Chuyển đổi số là cuộc cách mạng tư duy hướng đến một hình thái tổ chức xã hội mới bởi tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đã phát triển đến một mức độ cao, đòi hỏi xã hội phải chuyển đổi để thích ứng với những điều kiện mới.

Chuyển đổi số là sự chuyển đổi về mô hình tăng trưởng, mô hình kinh doanh từ chiều rộng sang chiều sâu, từ hiệu quả sang năng suất, bằng việc tạo ra sự đột phá (disruption) về giá trị.

Chuyển đổi số do vậy, trước hết phải bắt đầu bằng việc tìm ra được giá trị mà địa phương, tổ chức, doanh nghiệp có thể đạt được, có thể tạo ra đột phá nhờ việc chuyển đổi hiệu quả cách thức tổ chức, vận hành và hoạt động để có thể ứng dụng, vận dụng, áp dụng hiệu quả công nghệ số và dữ liệu số vào các tiến trình tạo ra giá trị.

Thứ hai, chúng ta không thể chuyển đổi hướng đến tương lai bằng tư duy của hiện tại và quá khứ.

Một hình ảnh để miêu tả cho hiện trạng hiện nay trong cách chúng ta tư duy về những đường hướng, chiến lược và cách thức chuyển đổi số cho tương lai theo cách quay lưng về tương lai để đi tới trong khi mắt dõi về quá khứ, nhìn quá khứ để hình tượng về tương lai.

Chính vì quay lưng lại tương lai, chúng ta hầu như không mường tượng được những chân trời tương lai sau lưng là gì, dõi theo từng bước chân thực tại để mà có sự thích ứng phù hợp, định kiến và khuôn mẫu tương lai theo những kinh nghiệm và hiểu biết lạc hậu, mà thiếu đi sự học hỏi và dự báo, sợ hãi trước cái mới. Cần có một sự thay đổi triệt để về cái cách mà chúng ta tư duy, bởi chuyển đổi số chính là một cuộc cách mạng tư duy.

Chuyển đổi triệt để về tư duy là chuyển đổi gì? Đó là sự chuyển đổi từ tư duy tương tự (analog thinking) truyền thống, sang tư duy số (digital thinking). Đó là sự chuyển đổi từ tư duy luôn tìm kiếm những chuẩn mực, những khuôn mẫu để bắt chước, học hỏi, sang tư duy chủ động định hình ra các chuẩn mực mới, khuôn mẫu mới để định hình cuộc chơi. Đó là sự chuyển đổi từ tư duy công nghệ với những kỳ vọng về tối ưu hóa và tiết kiệm chi phí sang tư duy thích ứng hiệu quả với môi trường biến động và chuyển đổi liên tục và chia sẻ hiệu quả. Đó là sự chuyển đổi từ tư duy lấy sự phổ cập và độc quyền làm lợi thế cạnh tranh sang tư duy lấy năng lực cá nhân hóa và tạo lập nền tảng làm lợi thế cạnh tranh.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số là thúc đẩy sự chuyển đổi tư duy này để kiến tạo những thể chế cho tương lai.

Thứ ba, chuyển đổi số không thể tạo ra sự chuyển đổi khi chúng ta vẫn hành động theo cách hành động của hiện tại và quá khứ.

Văn hóa là nền tảng của tư duy, tư duy là nền tảng của hành động. Do vậy, muốn chuyển đổi cách hành động, phải chuyển đổi tư duy và để chuyển đổi tư duy được, chúng ta phải bắt đầu bằng sự chuyển đổi về văn hóa.

Chuyển đổi về văn hóa không phải là sự phủ định văn hóa hiện tại theo cách lật nhào nó, mà đó là sự chấp nhận đặt văn hóa truyền thống và bối cảnh mới để có những hình thái mới phù hợp, những diễn giải và những cách biểu thị thích hợp.

Nền tảng (platform) là kiến trúc tổ chức của tương lai và chiếm vị thế thống trị trong kỷ nguyên số. Các tổ chức, ở mọi cấp độ, do vậy, để tồn tại và thích ứng hiệu quả trong kỷ nguyên số sẽ phải chuyển đổi sang hình thái nền tảng (platform).

Nền tảng là hình thái tổ chức mới từ cách duy trì quyền kiểm soát theo hệ thống thứ bậc (hierarchy) chuyển sang hệ thống ngang hàng (hetararchy). Sự chuyển đổi này đòi hỏi sự chuyển đổi về văn hóa truyền thống về mối quan hệ lợi ích từ cái cách lấy vị trí duy nhất, cao nhất làm lợi thế, sang cái cách lấy vai trò trung tâm làm lợi thế; từ kiểm soát và cản trở làm lợi thế sang việc chia sẻ và tạo thuận lợi làm lợi thế; từ việc tạo ra sự thiếu hụt dữ liệu làm lợi thế sang việc khai thác hiệu quả và sự giảm thiểu bất đối xứng dữ liệu làm lợi thế.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số chính là thúc đẩy sự chuyển đổi văn hóa theo hướng này, chỉ có như thế, chúng ta mới có phát triển được hạ tầng số, xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia và đưa dữ liệu trở thành nền tảng cho việc ra quyết định để chuyển đổi cách hành động phù hợp với kỷ nguyên số.

Năm 2023 cũng đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính chọn là “năm dữ liệu số” cũng chính là việc chúng ta đã ý thức được dữ liệu đóng vai trò nền tảng cho hành động chuyển đổi số.

Thứ tư, hình thái thay đổi, tư duy thay đổi, hành động thay đổi điều đó đặt ra đòi hỏi cách đặt mục tiêu của tiến trình chuyển đổi số quốc gia cũng phải thay đổi.

Chúng ta không thể tiếp tục bằng cách đặt ra các mục tiêu theo các chỉ tiêu truyền thống, với những thước đo truyền thống, cùng cách đánh giá, đo lường truyền thống.

Tiến trình chuyển đổi số đòi hỏi một cách thức phối hợp tổng thể mang tính phức hợp để thích ứng với kiến trúc nền tảng (platform), do vậy đòi hỏi phải có một hệ thống chỉ tiêu tổng thể thay vì một tập hợp các chỉ tiêu rời rạc; thước đo của tiến trình chuyển đổi số do vậy, cũng phải chuyển đổi để đánh giá được các tác động mang tính phối hợp để đánh giá và đo lường được tính hệ thống, đồng bộ và cộng hưởng của các hoạt động đồng thời với nhau; và do vậy, cách đánh giá, đo lường cũng phải thay đổi theo.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số với mỗi địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, do vậy, sẽ là tiến trình hệ thống hóa các mục tiêu đã đặt ra để tạo ra tính hệ thống cho các chỉ tiêu đã được đặt ra trong các mục tiêu; sẽ là tiến trình đồng bộ hóa các kết quả đặt ra hướng tới một mục tiêu chung để có thể thống nhất được các hành động, các nguồn lực và sự phối hợp cũng như sự đồng thuận của các bên liên quan trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số; sẽ là việc tạo ra được sự cộng hưởng hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra cho mỗi đơn vị trong các kế hoạch chuyển đổi số của các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp thành một hành động chung. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể phát triển các nền tảng số một cách hiệu quả.

Thứ năm, mọi sự chuyển đổi luôn đi cùng với những thách thức, rủi ro và cả nỗi sợ trước những cái mới, sự mất kiểm soát và cả nỗi lo vượt quá những khả năng. Do vậy, chuyển đổi số để chuyển đổi được cần bắt đầu từ niềm tin, niềm tin về khả năng có thể học hỏi được để vượt qua các thách thức; niềm tin về việc có thể làm chủ được những công nghệ, phương tiện, phương pháp cho phép kiểm soát rủi ro hiệu quả; niềm tin về khả năng có thể thay đổi và chuyển đổi để nâng cao năng lực trước những đòi hỏi mới của thời đại.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, do vậy cũng là thúc đẩy tiến trình tạo lập niềm tin; không ngừng nâng cao năng lực bảo đảm an toàn, an ninh mạng để từ các cá nhân đến các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp an tâm chuyển đổi sang một môi trường mới – môi trường mạng; mở rộng các cơ chế hợp tác, đối thoại, chia sẻ để các cá nhân, các doanh nghiệp, các tổ chức, các địa phương, các ban, ngành có thể cùng tạo ra những hành lang chính sách cho phép kiến tạo những năng lực mới thông qua sự hợp tác, phối hợp và mở rộng không gian cho đổi mới sáng tạo và đột phá.

Cuối cùng, chuyển đổi số, như đã được xác lập, là một phương thức mới để tạo ra sự đột phá, do vậy, đòi hỏi để thực hiện được tiến trình này, cần phải có những tri thức mới, phải đưa khoa học-công nghệ-kỹ thuật thực sự trở thành động lực của sự phát triển và thúc đẩy hoạt động đổi mới-sáng tạo hiệu quả.

Để làm được những điều này, trước hết chúng ta cần phải một chiến lược khoa học-công nghệ đến từng địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, phù hợp với những đặc thù, định hình nên năng lực nội sinh cho sự phát triển của địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cho phép chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Phải xây dựng được đội ngũ nhân lực đáp ứng được những yêu cầu và đòi hỏi mà tiến trình chuyển đổi số đặt ra. Và đặc biệt là nâng cao năng lực hợp tác quốc tế trong bối cảnh chúng ta còn chưa làm chủ được các công nghệ lõi và cần phải học hỏi một cách tích cực để bắt nhịp hiệu quả với trình độ phát triển của thế giới.

Thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, do vậy, là thúc đẩy việc hoạch định một chiến lược chuyển đổi tổng thể và toàn diện cho mỗi địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để có năng lực tri thức, khoa học-công nghệ và nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi về sự chuyển đổi hình thái tổ chức phù hợp với môi trường mới; chuyển đổi về tư duy, chuyển đổi về hành động và xác lập được các mục tiêu mới phù hợp với tiến trình chuyển đổi số.

(*) Tác giả Lê Nguyễn Trường Giang - Viện trưởng Viện Chiến lược Chuyển đổi số (DTSI), Hội Truyền thông số Việt Nam.