Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia: Rất cần hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiệm vụ cấp bách đối với Việt Nam hiện nay chính là việc hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, trường học và tạo “bệ đỡ” để giúp họ tối ưu tiến trình chuyển đổi số.
Yêu cầu về hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số được đặt ra trong bối cảnh và thực tiễn chuyển đổi số Việt Nam còn chậm, thiếu chủ động, chưa thống nhất và nhiều bất cập.
Yêu cầu về hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số được đặt ra trong bối cảnh và thực tiễn chuyển đổi số Việt Nam còn chậm, thiếu chủ động, chưa thống nhất và nhiều bất cập.

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Cuộc Cách mạng này đã mở ra nhiều cơ hội, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, tổ chức và cá nhân; đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện một số chính sách nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Cơ sở hạ tầng viễn thông được xây dựng khá đồng bộ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy vậy, mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp. Thể chế, chính sách còn nhiều hạn chế và bất cập. Cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả. Quá trình chuyển đổi số Quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế; nhiều doanh nghiệp còn bị động, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức.

Những hạn chế nêu trên có những nguyên nhân chủ quan và khách quan; trong đó, nguyên nhân chủ quan là chính. Nhận thức về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hệ thống chính trị và toàn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa thống nhất. Khả năng phân tích, dự báo chiến lược về xu thế phát triển khoa học, công nghệ tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước còn hạn chế. Tư duy trong xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế phù hợp với yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chậm được đổi mới, sức ỳ còn lớn. Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành, giữa Trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ.

Theo quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", tiến trình chuyển đổi số quốc gia đã bước sang năm thứ ba, song song với những thành tích đã đạt được, cũng còn rất nhiều những vấn đề và thách thức đặt ra, đặc biệt trong việc định hướng đúng cho tiến trình chuyển đổi số về lâu dài, với các bước đi cần căn bản hơn, thực sự đi vào chiều sâu và tạo ra sự chuyển đổi thực sự.

Trước bối cảnh trên, nhiệm vụ cấp bách đối với Việt Nam chính là hình thành một hệ sinh thái hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, trường học, qua đó cung cấp nhận thức đúng đắn, đầy đủ về chuyển đổi số, đồng thời trang bị các công cụ khảo sát – đánh giá; tư vấn – đào tạo và kết nối giải pháp công nghệ, tạo một “bệ đỡ” cho các tổ chức, doanh nghiệp, trường học có thể tiếp cận và thúc đẩy nhanh, tối ưu tiến trình chuyển đổi số của đơn vị mình.

Bài viết được tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số quốc gia lần thứ nhất (IDT 2023).

Chương trình “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” được hình thành nhằm mục tiêu giúp nhận thức đúng đắn về tiến trình chuyển đổi số, chia sẻ và tìm ra giải pháp cho những vấn đề và thách thức đang được đặt ra cho tiến trình chuyển đổi số, với trọng tâm xác lập định hướng đúng đắn cho tiến trình chuyển đổi số trước hết và cần thiết phải bắt đầu bằng việc kiến tạo các giải pháp hợp lý để chuyển đổi các tổ chức, không phải chỉ là đầu tư các dự án công nghệ thông tin.

Chương trình bao gồm các hoạt động: 3 Diễn đàn Quốc gia về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia” đến 2025 và tầm nhìn 2030”; 8 Chuyên đề - Hội thảo toàn quốc về các lĩnh vực trọng điểm; Khảo sát, đánh giá, kiến tạo giải pháp và tôn vinh các đơn vị trên toàn quốc; Xuất bản bộ Kỷ yếu về TOP 500 đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu tham gia “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia - Lần thứ nhất”; Diện kiến Lãnh đạo Nhà nước/ Chính phủ/ Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia: Báo cáo về “Thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia”; Truyền hình trực tiếp “Lễ Công bố & Tôn vinh đơn vị, doanh nghiệp tiêu biểu về “Thúc đẩy Tiến trình Chuyển đối số Quốc gia - Lần thứ nhất”; Xây dựng hệ sinh thái về Kiến tạo giải pháp, đào tạo nâng cao năng lực & Giải pháp Công nghệ ứng dụng các nền tảng để thực hiện Chuyển đối số thành công.