Thủ tướng yêu cầu làm rõ vụ đóng tàu cá vỏ thép kém chất lượng

VietTimes -- Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị chức năng điều tra, làm rõ vụ việc đóng tàu kém chất lượng ở Bình Định và một số địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 8/2017.
Tàu cá kém vỏ thép kém chất lượng
Tàu cá kém vỏ thép kém chất lượng

Thông tin trên được Văn phòng Chính phủ phát ra theo văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc làm rõ chất lượng tàu cá đóng theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện nhiệm vụ trên.

Trước đó ngày 30/6, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ngoài 18 tàu thép mới bàn giao đã gỉ sét nghiêm trọng, liên tục gặp sự cố ở Bình Định, Phú Yên có 2/5 tàu vỏ thép bị hư hỏng máy phát điện và cần cẩu, hiện đã hoạt động bình thường. 18/23 tàu ở Thanh Hoá bị trục trặc về máy phát điện, cần cẩu, tời, hầm bảo quản; đa số tàu đã hoạt động trở lại, riêng hai tàu còn đậu cảng để sửa chữa máy phát điện.

Ở Quảng Nam, 34/35 tàu vỏ thép đóng mới đi vào hoạt động, số còn lại chủ tàu không chấp nhận máy chính do cơ sở đóng tàu lắp đặt nên chưa ra khơi. Các tỉnh còn lại đang tiếp tục kiểm tra, rà soát chất lượng và hiệu quả của tàu vỏ thép. 

UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành thu thập tài liệu, đến nay xác định có 2 công ty đóng tàu phải chịu trách nhiệm về việc tàu hư hỏng là công ty đóng tàu Đại Nguyên Dương và công ty đóng tàu Nam Triệu - Bộ Công an.
Bộ Nông nghiệp sẽ cùng với tỉnh Bình Định giám sát 2 cơ sở trên, thực hiện các cam kết khắc phục với những lỗi mà tổ thẩm định đã chỉ ra. Cơ quan đăng kiểm sẽ phải giám sát quá trình khắc phục, sửa chữa, xem các máy móc, thiết bị… mà 2 cơ sở trên đưa vào có phù hợp và đảm bảo an theo quy định không.

Bộ Công an cũng đã vào cuộc điều tra làm rõ vụ việc, đặc biệt là thanh tra toàn bộ quá trình đóng tàu của công ty Nam Triệu, doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công an, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý nghiêm và nếu có hành vi tội phạm sẽ khởi tố.

Trước đó, từ tháng 4/2017, nhiều ngư dân phản ánh cơ quan chức năng Bình Định về tình trạng tàu thép bị gỉ sét nặng, máy móc, thiết bị liên tục gặp sự cố. Ngày 31/5, 18 chủ tàu đồng loạt gửi đơn kiến nghị cơ quan chức năng phản ánh tình trạng tàu thép bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng.

Tuy nhiên, từ ngày 6 đến 10/6, bảy chủ tàu thép đột ngột rút đơn sau khi thỏa thuận với đại diện Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Mới đây, ngày 4/7, các ngư dân đã tiết lộ công ty đóng tàu đã dùng "chiêu trò" để xoá nợ 650 triệu đồng vốn đối ứng của ngư dân.

Theo đó, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự soạn biên bản yêu cầu ngư dân ký sẽ xóa nợ 650 triệu đồng được cho là tiền ngư dân vay công ty để tham gia vốn đối ứng 5%. Ngược lại, ngư dân đồng ý các điều khoản công ty yêu cầu, cắt giảm một số chi phí, hạng mục đặt lên tàu…
Cụ thể, biên bản do ngư dân Trần Minh Vương cung cấp có ghi: “Để thực hiện thi công dự án đóng tàu cá vỏ thép nghề lưới vây mạn theo NĐ 67/2014, ngư dân Trần Minh Vương phải tham gia vốn đối ứng 5% của dự án, nhưng do không có điều kiện nên ông Trần Minh Vương có vay của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương số tiền 650 triệu đồng để tham gia vốn đối ứng. Do không kịp thu xếp được nguồn vốn để trả nợ cho công ty, ông Trần Minh Vương yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cắt giảm một số chi phí và hạng mục lắp đặt lên tàu, nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng và yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu của đăng kiểm, hoạt động bình thường, không ảnh hưởng đến quá trình khai thác”.
“Rõ ràng đây là chiêu lừa đảo của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương nhằm cắt giảm nhiều hạng mục để kiếm lãi nhiều hơn, khiến con tàu kém chất lượng dẫn đến không hoạt động được”, báo Dân trí dẫn lời ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) nhận định.