Thủ tướng: Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân làm chậm tiến độ dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2

VietTimes -- Thủ tướng cho rằng Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là các dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 ở Hà Nam. Trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn, thì việc chậm tiến độ của 2 dự án BV này "là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Đến nay, BV Việt Đức 2 vẫn chưa hề hoạt động, còn BV Bạch Mai 2 vẫn còn nhiều hạng mục đang thi công dang dở, thậm chí “đắp chiếu”.
Đến nay, BV Việt Đức 2 vẫn chưa hề hoạt động, còn BV Bạch Mai 2 vẫn còn nhiều hạng mục đang thi công dang dở, thậm chí “đắp chiếu”.

Đây là một trong những nội dung đáng chú tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019, diễn ra sáng nay (26/9) do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì.

Nhiều quy định chồng chéo

Báo cáo trước Chính phủ, Bộ Y tế cho biết Bộ có nhiều công trình, dự án dùng vốn đầu tư công. Tính đến 20/9, Bộ đã giải ngân 24% dự toán, trong đó vốn đầu tư cho 2 BV Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 mới đạt 35%.

"Đây là những con số mà chính lãnh đạo Bộ Y tế cũng tự đánh giá là rất thấp trong các cuộc giao ban với các Ban quản lý dự án, các đơn vị” - đại diện Bộ Y tế thừa nhận.

Bộ Y tế nêu ra vướng mắc về điều kiện, thủ tục giải ngân, năng lực ban quản lý dự án... và cho biết, dự kiến tỷ lệ giải ngân 2 dự án BV này sẽ đạt trên 70% vào cuối năm 2019.

Trước vấn đề này, Thủ tướng chỉ ra: Bộ Y tế có nhiều dự án, công trình dang dở, không đưa vào sử dụng được, cụ thể là các dự án BV Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2. Do đó, “phải xử lý thế nào” trong khi nhu cầu xã hội về y tế rất lớn".

"Đây là khuyết điểm rất lớn mà Bộ Y tế phải rút kinh nghiệm, phải chỉ đạo làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm. Bây giờ cứ nói thủ tục suốt thì làm sao được. Tại sao các nơi khác thủ tục giải quyết được mà chúng ta không giải quyết được. Bộ Y tế phải có biện pháp rõ hơn, tăng cường năng lực Ban quản lý dự án chuyên nghiệp hơn, hiểu biết hơn về thủ tục xây dựng cơ bản" - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ có nhiều công trình, dự án dùng vốn đầu tư công nhưng giải ngân thấp, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm là phải phân cấp mạnh mẽ cho Ban quản lý dự án, không ôm đồm; thành lập tổ công tác đặc biệt để đôn đốc, xử lý vấn đề đặt ra, “xem vướng chỗ nào để xử lý”, tránh tình trạng khi xin vốn thì rất quyết liệt, nhưng khi có vốn rồi thì không quan tâm để tháo gỡ khó khăn. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019

“Quy trình, thủ tục vẫn phải làm đầy đủ, chặt chẽ, bỏ qua khâu này cũng nguy hiểm đối với sự phát triển. Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ thì cần quan tâm chất lượng công trình, dự án, “đừng làm dối, làm hỏng, đừng ăn cắp định mức, rút ruột công trình”, Thủ tướng nói.

Xem xét lại khâu điều hành dự án và trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư

Khẳng định giải ngân thấp là căn bệnh trầm kha cần tiếp tục tháo gỡ, Thủ tướng nhấn mạnh: “Nguyên nhân chủ quan là chính, nhất là khâu điều hành dự án, trách nhiệm của cơ quan chủ đầu tư. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa tập trung chỉ đạo công tác này. Nếu tuần nào cũng họp đôn đốc kiểm tra xây dựng cơ bản thì không để tình trạng chậm trễ như hiện nay”. 

Thủ tướng chỉ ra nguyên nhân chủ quan nữa là tình trạng không sát sao chỉ đạo, không trực tiếp tháo gỡ, chưa phân cấp, giao quyền; bệnh nhũng nhiễu, gây khó ở một số cấp, một số ngành, một số cơ quan.

Các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rút kinh nghiệm về căn bệnh này, khi xem xét thi đua khen thưởng, đề bạt cán bộ thì xem xét nhiệm vụ đầu tư xây dựng mà cán bộ đó từng phụ trách có chậm trễ, gây thất thoát hay không.

Đối với những bộ, ngành, địa phương có số vốn đầu tư công lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế và các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo thực hiện đồng bộ quyết liệt, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, nhất là những dự án trọng điểm cấp bách.

Nêu trường hợp dự án sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai đã có khoản vốn trên 11.000 tỷ đồng chuyển về tài khoản, nhưng đến nay vẫn nói để tháng 10 sang năm mới làm, Thủ tướng chỉ rõ: “Tôi đã chỉ đạo rất cụ thể để đẩy nhanh triển khai các công trình trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng, sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt đô thị…, yêu cầu các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương tập trung thực hiện, xác định rõ trách nhiệm, bảo đảm tiến độ, chất lượng, không để kéo dài, ảnh hưởng đến việc triển khai các công trình phục vụ nhân dân”.

Cùng với yêu cầu tỉnh Đồng Nai rút kinh nghiệm, Thủ tướng cũng chỉ đạo: Dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Thủ tướng đã có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn thì cho chạy tàu, còn một số tồn tại thì sẽ kiểm điểm sau theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước.

"Tiêu không hết là điều chỉnh vốn"

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng về phương án xử lý để giao hết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn lại trước ngày 5/10/2019. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 10/10/2019 việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn năm 2019 từ các dự án giải ngân chậm sang dự án có nhu cầu giải ngân thêm, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

“Các bộ như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế báo cáo khả năng không sử dụng hết kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, với số tiền lên đến 60.000-70.000 tỷ đồng, trong khi đó rất nhiều dự án ở các bộ, ngành khác đang cần vốn” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2019 giữa các dự án phải được thực hiện trong vòng 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất.

Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi có đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc.