Thủ tướng: Việt Nam đã lồng ghép bảo vệ môi trường vào phát triển kinh tế - xã hội

VietTimes -- Sáng 27/6, Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) đã chính thức bắt đầu tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 27/6, Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) đã chính thức bắt đầu tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Sáng 27/6, Phiên khai mạc toàn thể Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) đã chính thức bắt đầu tại Cung Hội nghị Quốc tế Ariyana Đà Nẵng với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu Khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: "Trái Đất - Ngôi nhà chung của nhân loại đang chịu nhiều thách thức nghiêm trọng do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nước biển dâng gây ra. Nếu chúng ta không có những giải pháp tổng thể thì những quốc gia, dân tộc và mọi người dân sẽ gánh chịu hậu quả khôn lường".

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thách thức to lớn đó cũng chính là cơ hội để nhân loại phải nhìn nhận, đánh giá lại con đường và mô hình phát triển, từ đó tạo ra những thay đổi trong nhận thức và hành động để môi trường sống tự nhiên trên toàn cầu mãi trường tồn, những giá trị văn hóa, lịch sử cao đẹp của bao thế hệ của chúng ta sẽ được gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ mai sau. Và hơn hết là để chúng ta cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống".

"Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam phải đối mặt với nhiều vấn đề về suy thoái, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế về nguồn lực, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết triển khai lồng ghép các hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, huy động các nguồn lực, sự sáng tạo, chung tay của cả cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Chúng ta kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trên thực tế, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu. Đồng thời, Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học...

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 diễn ra tại Đà Nẵng sáng 27/6
 Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu Khai mạc Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 diễn ra tại Đà Nẵng sáng 27/6

Từ đó Thủ tướng gợi ý ba vấn đề mà các đại biểu cần tập trung thảo luận tại Kỳ họp Đại hội đồng GEF lần này gồm: nhận diện cụ thể những thách thức chính về môi trường đối với nhân loại hiện nay, từ đó đề ra được chính sách ưu tiên nhằm giải quyết một cách tổng thể, hiệu quả những thách thức đó; Đánh giá được hiệu quả của cơ chế hỗ trợ và hợp tác hiện nay. Trên cơ sở đó có những cải tiến mang tính đột phá, đặc biệt trong khâu huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia thành viên, nhất là những quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức to lớn do suy thoái, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu toàn cầu gây ra. Cuối cùng là cần đề xuất được những dự án tổng hợp mang tính toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm giải quyết các nguyên nhân sâu xa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu… Đồng thời, cần có các dự án trọng điểm để giải quyết những vấn đề cấp bách hiện nay như vấn đề rác thải nhựa nói chung, rác thải nhựa đại dương nói riêng.

“Liệu hành tinh của chúng ta có đủ sức chống chịu trước những rủi ro thiên tai? Tương lai của nhân loại có bền vững hay không? Các châu lục có còn tràn đầy sức sống hay không? Câu trả lời phụ thuộc vào chính mỗi người chúng ta, tùy thuộc vào hành động của chúng ta ngay từ hôm nay, vì một hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Trước đó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có buổi tiếp với các đối tác quốc tế từ Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Unilever và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) tại sảnh họp hướng biển thuộc cung Hội nghị Quốc tế Ariyana. Thủ tướng bày tỏ sự cảm ơn tới các đối tác và cho biết Việt Nam luôn mong muốn tham gia tích cực vào các chương trình môi trường chung toàn cầu đồng thời hy vọng trong nhiệm kỳ tới các quốc gia chung tay cùng Việt Nam trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Sau khi kết thúc bài phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể, các đại biểu đã đề cập đến thực trạng môi trường toàn cầu, tham vọng cần thiết để cải tổ các hệ thống hỗ trợ cách thức sinh hoạt, ăn uống, đi lại, sản xuất tiêu dùng của con người và vai trò của GEF-7 đối với sự thay đổi hệ thống cần thiết. Cho đến nay, đã có gần 30 quốc gia cam kết dành 4,1 tỷ đô la Mỹ cho chu kỳ 7 của GEF (GEF7) nhằm mục đích bảo vệ tốt hơn nữa tương lai của hành tinh và sức khỏe con người.

Trước đó, Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 đã diễn ra từ ngày 23/6 bằng các Phiên họp song song chính đã bắt đầu diễn ra bao gồm: các cuộc họp Ban tư vấn khoa học và kỹ thuật (STAP); họp Hội đồng Tổ chức chính trị - xã hội GEF; cuộc họp điều phối các nhà tài trợ. Đặc biệt sẽ có các cuộc Họp Nhóm cử trì GEF các khu vực trên toàn thế giới như khu vực Đông Phi, Đông Âu, Tây Phi, Carribe, Braxin,  Colombia và Ecuador, Trung bộ châu Mỹ và Venezuela, Nam Á, Bắc Phi, Bờ biển Tây Phi, Tây Á, Đông Á, Nam Phi, Trung Phi, các đảo Thái Bình Dương; Nam Nam Mỹ…

Tại các phiên họp song song kỹ thuật, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các cách tiếp cận tích hợp trong giải quyết các vấn đề môi trường và phát triển kinh tế bền vững; an ninh môi trường; kinh tế tuần hoàn và lương thực bền vững; kinh tế tuần hoàn và rác thải nhựa… trong các khu vực thành viên GEF.

Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu, các đại biểu tham dự đã có hoạt động chung tay bảo vệ bãi biển Đà Nẵng
 Trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 6, Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu, các đại biểu tham dự đã có hoạt động chung tay bảo vệ bãi biển Đà Nẵng

Cuộc họp của đại biểu các nước là cơ hội để chia sẻ thông tin, quan điểm; cũng như tiếp nhận sự phản hồi từ các thành viên trong khu vực về các vấn đề liên quan đến chương trình nghị sự của Đại hội đồng GEF. Cuộc họp cũng nhằm mục đích xem xét, đề xuất các vấn đề về phối hợp; tăng cường truyền thông và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các Dự án GEF.

Kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (Kỳ họp Đại hội đồng GEF6) và các sự kiện liên quan sẽ diễn ra tại TP. Đà Nẵng trong 07 ngày từ 23/6-29/6/2018. Kỳ họp có sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng với Lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và Lãnh đạo doanh nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương; các nhà khoa học, Viện nghiên cứu, Trường Đại học; các doanh nhân đang hoạt động hoặc quan tâm đến đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường của Việt Nam cho thấy sự quan tâm của  Việt Nam đối với công tác bảo vệ môi trường toàn cầu, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam đối với các quốc gia, vùng lãnh thổ và các tổ chức quốc tế. 

Được biết, Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được tổ chức với các chuỗi sự kiện bao gồm: Phiên họp Đại hội đồng GEF6; Phiên họp của Hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); Phiên họp bàn tròn cấp cao (14 phiên); Diễn đàn và các cuộc họp của các tổ chức chính trị - xã hội; các cuộc họp kỹ thuật của các cơ quan thuộc GEF (17 cuộc họp); các sự kiện bên lề (khoảng 70 sự kiện), các gian hàng triển lãm; tham quan thực địa các dự án do GEF tài trợ. Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 sẽ xem xét, phê chuẩn các định hướng giải pháp cho các vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay, xây dựng và tăng cường các mối quan hệ hợp tác chiến lược đầu tư, đồng thời phê duyệt, phân bổ nguồn lực cho các dự án môi trường trong chu kỳ 7 (giai đoạn 2018-2022).

Với vai trò chủ nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu.
 Với vai trò chủ nhà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDGs 2030), cam kết tại COP-21 về biến đổi khí hậu.

Việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, trong đó có việc thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 lần này sẽ truyền đi thông điệp, quảng bá đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 là cơ hội để Việt Nam tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương, đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững; giới thiệu, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam.

Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) được thành lập năm 1991 nhằm giải quyết các vấn đề môi trường nóng trên phạm vi toàn cầu. Từ khi thành lập, GEF đã viện trợ 14,5 tỉ USD và huy động thêm 75,4 tỉ USD cho gần 4.000 dự án về môi trường. Với 183 quốc gia thành viên, GEF là tổ chức tài chính độc lập, cung cấp nguồn vốn công lớn nhất trên thế giới cho các dự án về môi trường. Hiện nay, GEF hỗ trợ tài chính để thực hiện các dự án liên quan tới các lĩnh vực trọng tâm: bảo tồn đa dạng sinh học; biến đổi khí hậu; các vùng nước quốc tế; suy thoái đất; hóa chất và chất thải; quản lý rừng bền vững và tiếp cận tổng hợp.

Việt Nam là một trong những thành viên sớm gia nhập GEF (05/12/1994), đã và đang chủ động, tích cực triển khai các chính sách đổi mới của GEF như: xây dựng các dự án tổng hợp đa lĩnh vực, tham gia có hiệu quả các diễn đàn và các hoạt động đánh giá các dự án của GEF. Để điều phối các hoạt động hỗ trợ của GEF tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường làm đầu mối GEF quốc gia.

Kể từ khi hoạt động, GEF Việt Nam đã vận động tài trợ được 457,18 triệu USD để thực hiện 107 dự án về môi trường trong nhiều ngành, lĩnh vực và tại nhiều địa phương, đóng góp quan trọng và tích cực trong việc giải quyết các vấn đề môi trường ở Việt Nam nói riêng và giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu nói chung. Trong đó có 56 dự án quốc gia với tổng kinh phí là 153,8 triệu USD và 47 dự án khu vực và toàn cầu với tổng tài trợ là 294 triệu USD; ngoài ra còn có 4 dự án từ Quỹ Biến đổi khí hậu đặc biệt (SCCF) cho 2 dự án quốc gia với tổng tài trợ khoảng 8 triệu USD và 2 dự án khu vực/toàn cầu với tổng tài trợ khoảng 1 triệu USD.

Trong Chu kỳ 6 của GEF, Việt Nam được phân bổ hơn 26 triệu USD cho 3 lĩnh vực: biến đổi khí hậu hơn 11 triệu USD, suy thoái đất hơn 1,5 triệu USD và đa dạng sinh học hơn 13 triệu USD. Đến hết năm 2016, Văn phòng GEF Việt Nam đã đồng thuận 15 dự án với số kinh phí trong hệ thống phân bổ nguồn lực minh bạch (STAR) là 24,6 triệu USD, trong đó GEF toàn cầu đã đồng thuận 6 dự án với tổng số kinh phí trong STAR là hơn 18,8 triệu USD. Ngoài ra, trong Chu kỳ này, GEF còn tài trợ cho Việt Nam gần 15 triệu USD đối với các lĩnh vực: hóa chất và chất thải, các vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững, các cách tiếp cận tổng hợp.