Thủ tướng: Tư duy “ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn” đã lỗi thời

VietTimes – Dẫn ra thực tế rất nhiều địa phương lồng ghép thành công 3 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội và môi trường và thực tiễn cho thấy 3 mục tiêu này không những không loại trừ nhau, mà còn có sự bổ sung cho nhau, cùng hướng đến sự phát triển toàn diện cho đất nước, Thủ tướng nhấn mạnh tư duy “nguồn lực có hạn, ưu tiên đô thị thì phải bỏ qua nông thôn và ngược lại hiện đã còn không đúng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Tại hội nghị Chính phủ với địa phương, Thủ tướng đã nêu ra những thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa khai mạc sáng nay (30/12), Thủ tướng cho rằng, các thành quả kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2019 là thể hiện ý chí, nỗ lực, tinh thần đoàn kết, cùng với quyết tâm lớn. Có nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc và để đạt được các mục tiêu ấy thường là có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển. Đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh: Điều này đã không đúng.

Chứng minh cho nhận định trên, Thủ tướng đưa ra các chỉ số: Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, nếu như năm 2016 chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD.

Thủ tướng nhấn mạnh, không phải lúc nào cũng đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Các mô hình tăng trưởng trước đây cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng nhanh, thì chất lượng tăng trưởng thường bị giảm sút.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương. Ảnh: VGP

Tuy nhiên, thực tế, năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì “chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Một số quan điểm cho rằng các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội”, Thủ tướng bày tỏ.

Kinh tế Việt Nam 2019 - những mảng màu sáng tối

Theo Thủ tướng, quan điểm của Chính phủ là cần trao cơ hội việc làm, cơ hội kinh tế, đánh thức tiềm năng khởi nghiệp nhiều hơn cho người dân, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ, lao động ở miền núi, nông thôn, vùng sâu và vùng xa. Chính phủ luôn nhất quán với quan điểm: Không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đặt ngoài lề của sự phát triển.

"Thu nhập bình quân đầu người của chúng ta hiện nay là gần 2.800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD). Ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình cao (theo chuẩn giá 2019 của WB) là 3.996 USD đang ở ngay trước mắt chúng ta; đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao như những năm vừa qua", Thủ tướng nói thêm.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, bên cạnh việc tập trung hoàn thiện thể chế, Chính phủ đã tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng công nghệ số.

“Kết quả là đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh nhất; số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng cao, đa dạng về loại hình, số vốn bình quân cao hơn nhiều năm trở lại đây, thể hiện rõ tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ trong xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị. Ảnh VGP.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, cùng lãnh đạo nhiều cơ quan Trung ương tham dự hội nghị. Ảnh VGP.

Cùng với đó, đã hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân có quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh tốt hơn trên thị trường trong nước và quốc tế; đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, được vinh danh trong xếp hạng thế giới”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ cũng xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng và phát triển; xác định con đường đi lên, đi nhanh phải là công nghệ và doanh nghiệp công nghệ.

Điểm lại những việc đã làm trong năm qua, Phó Thủ tướng cho rằng phải kể tới việc lan tỏa tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, triển khai Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và Đề án Hệ tri thức Việt số hóa; thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học công nghệ; đưa doanh nghiệp trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia.

Không những thế, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư trọng tâm cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh kết nối các hoạt động cung-cầu công nghệ; cộng đồng khởi nghiệp trong nước với quốc tế; tiếp tục cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong bảng xếp hạng chỉ số toàn cầu.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết giai đoạn 2016-2019, hầu hết các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta (theo đánh giá của quốc tế) liên tục cải thiện về điểm số (thể hiện chất lượng) và thứ hạng.

Dưới góc nhìn ở trong nước, theo kết quả điều tra 10.000 doanh nghiệp hàng năm của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy: Cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả hơn; thân thiện hơn; thủ tục giấy tờ đơn giản hơn; phí, lệ phí công khai tốt hơn

Tỉ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức năm 2016 là 66% thì năm 2019 giảm còn 55%. Tỉ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức năm 2016 là 11% thì năm 2019 giảm còn 7%.

Tỉ lệ doanh nghiệp trả lời cần có chi phí “lót tay” (đối với thủ tục hành chính giản đơn) năm 2019 là 54,8%, mức thấp nhất trong 5 năm gần đây.

Tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí “lót tay” cho các thủ tục hành chính phức tạp hơn (như thủ tục liên quan tới đất đai) giảm từ 32% năm 2018 xuống còn 30,8% năm 2019.

Tuy vậy, tỉ lệ doanh nghiệp phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký vẫn chưa giảm, điều ­này cho thấy đây vẫn là trở ngại đối với doanh nghiệp.