Thủ tướng Phạm Minh Chính: TP.HCM cần tăng tốc giải ngân đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chủ trì buổi làm việc với TP.HCM về nhiều nội dung liên quan đến việc phục hồi, phát triển kinh tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cần đặc biệt chú ý tăng tốc giải ngân đầu tư công.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với UBND TP. HCM sáng nay, 27/7.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc với UBND TP. HCM sáng nay, 27/7.

TP.HCM phục hồi ổn định kinh tế - xã hội

Sáng nay, 27/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm 2022, kết quả thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ và một số kiến nghị, đề xuất của TP.HCM.

Dự buổi làm việc do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi; Bộ trưởng, Chủ nhiệm VP Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi; Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa; Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thị Lệ; đại diện một số bộ, ngành vv...

Thủ tướng chia sẻ sâu sắc với TP.HCM khi vào thời điểm này năm ngoái, TP. đã phải gồng mình chống dịch bằng nhiều biện pháp hành chính khi chưa đủ vaccine, nên chịu nhiều vất vả, hy sinh, mất mát bởi đại dịch. Đồng thời, Thủ tướng cũng ghi nhận nỗ lực của chính quyền và người dân đã cùng nhau đồng lòng chống dịch bệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng TP.HCM đã đạt được một số thành tựu đáng trân trọng sau quãng thời gian trở lại hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Để tháo gỡ khó khăn cho TP.HCM, Thường trực Chính phủ đã có kế hoạch làm việc thường xuyên với TP.HCM, cố gắng ít nhất mỗi quý một lần, tới đây là vào tháng 9/2022, để đánh giá lại những việc đã làm được và chưa làm được, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp thúc đẩy; đặc biệt là các dự án trọng điểm như đường vành đai 3, tuyến Metro số 1 và tuyến Metro số 2; xem TP.HCM cần làm gì, Chính phủ và các bộ, ngành cần làm gì?

Sáng sớm ngày 27/7, trước khi bước vào buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng tuyến Metro 1 của TP.HCM.

Về y tế, Thủ tướng nhắc nhở TP.HCM đã trải qua thời gian khó khăn chống dịch năm ngoái, nên giờ càng không thể chủ quan, lơ là với dịch bệnh COVID-19 đang nóng trở lại ở nhiều quốc gia, đồng thời, cần chú trọng phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ cũng đang nhiều nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.

Xem xét các tồn đọng

Báo cáo với Thủ tướng về tình hình phục hồi nhanh, khá toàn diện của TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết: GDP quý 2 của TP.HCM đã tăng 3 lần so với quý 1 và đây là nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm 2022 của TP. đạt 282.000 tỷ đồng, góp phần ngăn chặn được tác động tiêu cực của tăng giá, ổn định đời sống người dân. Ngành du lịch, lữ hành tăng 72,4%, lưu trú và dịch vụ tăng 40% so với cùng kỳ.

TP.HCM kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ xem lại chính sách visa và mở cửa, để du lịch cũng như đời sống có thể trở lại thật sự bình thường và hội nhập quốc tế.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi họp

Ông Phan Văn Mãi cho rằng TP.HCM còn một số vấn đề tồn tại là khi kinh tế - xã hội phục hồi, yêu cầu mở rộng các hoạt động rất lớn, nên nhu cầu giao tiếp giữa người dân và chính quyền TP theo đó cũng mở rộng quy mô, nhưng TP còn chưa đáp ứng được tốc độ giải quyết các vấn đề tồn đọng, liên quan đến thủ tục hành chính giữa các cơ quan, doanh nghiệp với nhau và với người dân, khiến vấn đề hấp thu vốn đầu tư bị ảnh hưởng, trong đó gồm cả vấn đề giải ngân đầu tư công.

Định hướng lớn cho thời gian tới, ông Phan Văn Mãi cho hay, TP.HCM xác định cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, bởi vì so với các địa phương khác thì TP.HCM đạt tỷ lệ này khá thấp, chỉ mới đạt 25% sau 6 tháng đầu năm. Ngoài ra, các nhiệm vụ trọng tâm khác nữa của TP.HCM gồm có thúc đẩy các dự án trọng điểm mà Thủ tướng đã nhấn mạnh, đẩy nhanh dự án đường vành đai 3, tuyến Metro 1 và Metro 2; đồng thời nâng cao chất lượng môi trường đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, chú trọng giải quyết các vướng mắc của người dân cũng như nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND TP. HCM đề nghị Chính phủ quan tâm hơn tới việc TP. đang xây dựng đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Về các vướng mắc chung liên quan đến cơ chế, chính sách, có 15 điểm chưa giải quyết được, TP.HCM cho hay sẽ kiến nghị cụ thể, đề nghị cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian sớm nhất.

Các vướng mắc cụ thể gồm có đường vành đai 3, TP.HCM mong muốn được bố trí vốn kịp thời, đồng bộ, đúng thủ tục để không ảnh hưởng đến kế hoạch. Với đường Vành đai 4 dài 199 km, đi qua 4 địa phương, TP.HCM đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để hồ sơ này sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2023.

Toàn cảnh cuộc họp của Thủ tướng với TP.HCM

Toàn cảnh cuộc họp của Thủ tướng với TP.HCM

Hệ sinh thái số trong y tế được đánh giá cao

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá TP.HCM đã triển khai tốt việc tiêm phòng COVID-19, củng cố và phát triển y tế xã, phường, thí điểm những chương trình đưa bác sĩ thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với trạm y tế, để nâng cao năng lực đội ngũ. Bà Đào Hồng Lan nhận định đây là cách làm sáng tạo của TP.HCM.

Đặc biệt, Quyền Bộ trưởng đánh giá cao TP.HCM trong việc điều động, luân chuyển, đấu thầu để giải quyết các khó khăn liên quan đến thuốc, vật tư, thiết bị y tế. Vì thế, mặc dù là đô thị lớn lớn, nhu cầu sử dụng vật tư y tế cao nhưng TP.HCM đã không xảy ra tình trạng thiếu thuốc mà rất nhiều tỉnh, thành phố khác đang gặp phải.

Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong khám, chữa bệnh và công tác chuyển đổi số trong y tế của TP.HCM được bà Đào Hồng Lan ghi nhận là mô hình tiêu biểu, cần được nghiên cứu thêm để nhân rộng ra các tỉnh, thành khác.

Về việc TP.HCM có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc (năm 2021) và hơn 900 nhân viên y tế nghỉ việc sau 7 tháng đầu năm 2022, chiếm khoảng 20% số nhân sự ngành y nghỉ việc trên cả nước, bà Lan cho hay: Nhân sự ngành y của TP.HCM đã được tuyển mới khoảng gần 1.000 người để bù lại cho số nghỉ việc nên không bị thiếu hụt nhân viên y tế.

“Đây vẫn là điểm nóng nhất của ngành cho tới thời điểm này, chúng tôi mong TP.HCM vẫn lưu ý quan tâm hơn đến các vấn đề nguồn nhân lực và vật tư y tế” – Bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, TP.HCM còn gặp một số vướng mắc về cơ chế, chính sách đối với các bệnh viện công, việc tự chủ của các bệnh viện cũng gặp phải khó khăn, liên quan đến Nghị định 60 về tự chủ, giá thu viện phí… Vì thế, bà Lan đề nghị Bộ Tài chính xem xét và sớm có hướng dẫn để giải quyết.

Ông Nguyễn Đức Chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp

Ông Nguyễn Đức Chi, Bộ trưởng Bộ Tài chính phát biểu tại cuộc họp

Thủ tướng nhấn mạnh các dự án trọng điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò đầu tàu của TP.HCM khi số thu ngân sách chiếm khoảng gần 30% tổng thu ngân sách quốc gia. Thủ tướng đánh giá, mỗi đồng tiền đầu tư cho TP.HCM chắc chắn sẽ sinh lời nhiều hơn so với cùng số lượng ngân sách đầu tư cho các vùng miền, tỉnh thành khác.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng yêu cầu TP.HCM phải tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu trong chương trình hồi phục; các dự án trọng điểm như đường vành đai 3, vành đai 4; công tác quản lý nhà đất, quỹ đất.

Về các dự án, đề án còn vướng mắc, Thủ tướng chỉ đạo rà soát các vấn đề thuộc thẩm quyền Chính phủ, tinh thần chung là tìm giải pháp để xử lý tồn đọng, tháo gỡ khó khăn.

Thủ tướng cũng nhắc nhở TP.HCM cần khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh văn hóa, gắn với du lịch và phát triển kinh tế, thúc đẩy tốc độ tiêm vaccine các dịch bệnh đang nóng.

“Dù TP.HCM đang kiểm soát tốt dịch bệnh và bắt đầu ổn định kinh tế - xã hội, nhưng thế giới đang biến động mạnh về kinh tế, tài chính, tỷ lệ lãi suất, xuất – nhập khẩu… nên đi cùng với một số thuận lợi, chắc chắn giai đoạn tới chúng ta sẽ còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Đề nghị TP.HCM tập trung, nỗ lực để chống đỡ với những khó khăn đến từ bối cảnh bên ngoài” – Thủ tướng chỉ đạo.

“TP.HCM phải cùng với Chính phủ rà soát, hoàn thiện hạ tầng giao thông, phát triển xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi số, công nghệ, giáo dục, nguồn nhân lực; cần nhiều đột phát về mặt thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, thủ tục đầu vào; tiếp tục nỗ lực khắc phục nguy cơ "dịch chồng dịch" với COVID-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ… Đề nghị đẩy mạnh tiêm vaccine để học sinh yên tâm trở lại trường học, bố mẹ yên tâm làm việc”.

Về vấn đề đấu thầu thuốc, Thủ tướng cho biết sắp tới sẽ có thay đổi về chính sách để đáp ứng thực tế. Vấn đề nhân viên y tế nghỉ việc, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỷ lệ nghỉ việc tính trên cả nước chỉ chiếm 2% nhân lực ngành y, trong khi đó tỷ lệ tuyển mới đạt khoảng 1% thì cũng tương đối cân bằng, không quá thiếu hụt nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, do thời gian dao động của nhân sự ngành y rơi vào quãng thời gian khắc phục dịch bệnh, gây tâm lý không tố, nên Thủ tướng vẫn yêu cầu Bộ Y tế và TP.HCM cùng các tỉnh, thành chú ý kiểm soát.