Thủ tướng Nhật Bản tỏ thiện chí với Trung Quốc để “mua bảo hiểm“?

VietTimes -- Động thái tỏ thiện chí mới là cử Tổng thư ký LDP sang Trung Quốc tham gia Diễn đàn cấp cao "Vành đai, con đường". Việc tạo ra đối đầu với Trung Quốc được cho là không thu được "lợi ích" gì.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe

Tân Hoa xã (Trung Quốc) ngày 26/5 dẫn nguồn tin từ Nhật Bản cho rằng đối với Nhật Bản, sáng kiến "Vành đai, con đường" là tượng trưng của "bá quyền" Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian qua, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vẫn chủ động cử một quan chức quan trọng dẫn đoàn đến Trung Quốc tham dự Diễn đàn cấp cao "Vành đai, con đường" do Trung Quốc tổ chức. Đó là ông Toshihiro Nikai, Tổng thư ký đảng cầm quyền - Đảng Tự do Dân chủ Nhật Bản (LDP).

Trước đó chính sách đối với Trung Quốc của Nhật Bản lấy tư thế hợp tác với Mỹ làm nền tảng. Trên phương diện bảo đảm an ninh, Quân đội Mỹ thời kỳ Tổng thống Barack Obama tìm cách phong tỏa Trung Quốc.

Còn về kinh tế, Mỹ thông qua khuôn khổ của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tìm cách đóng vai trò chủ đạo trong xây dựng quy tắc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Nhưng, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi TPP. Chính quyền Donald Trump chuyển sang coi trọng quan hệ song phương để Mỹ có thể dễ dàng làm "giao dịch", coi nhẹ khuôn khổ đa phương.

Ngoài ra, trước đây, ông Donald Trump luôn phê phán Trung Quốc trong các vấn đề như thao túng tỷ giá hối đoái. Nhưng, những phát biểu gần đây của ông Donald Trump cũng đã được kiềm chế. Ở Nhật Bản bắt đầu có quan điểm lo ngại "Mỹ vượt qua cú sốc Nixon - Nhật Bản tiếp cận với Trung Quốc - để tái xuất".

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Telegraph
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: The Telegraph

Trong tháng 4/2017, tình hình bán đảo Triều Tiên vô cùng căng thẳng, Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục gọi điện cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, cho thấy hai bên có quan hệ trăng mật.

Những quan chức thân cận ông Shinzo Abe giải thích cho biết: "Một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài tin cậy nhất của ông Donald Trump là ông Shinzo Abe", nhưng phương châm ngoại giao của ông Donald Trump khó có thể dự đoán. Đây là đồng thuận của Chính phủ Nhật Bản.

Ở ý nghĩa này, đoàn đại biểu có trọng lượng do ông Shinzo Abe cử đến Trung Quốc lần này mang hàm nghĩa tiếp cận mua "bảo hiểm" cho Trung Quốc và Mỹ.

Năm 2017 là tròn 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nhật, còn năm 2018 là tròn 40 năm ký kết Hiệp ước hòa bình, hữu nghị Trung - Nhật. Nhưng, quan hệ Trung - Nhật ở trạng thái giằng co vì các vấn đề như Biển Đông.

Nếu sự tiếp cận giữa Trung Quốc và Mỹ được thực hiện, khả năng quan hệ Trung - Nhật bị rớt lại phía sau sẽ tăng lên. Nội bộ Chính phủ Nhật Bản mặc dù tồn tại các quan điểm thận trọng về việc triển khai hợp tác với Trung Quốc, nhưng những quan chức thân cận ông Shinzo Abe cho hay: "Hình thành đối lập vô ích với Trung Quốc sẽ không thu được bất cứ lợi ích gì".

Hiện nay, quan hệ Trung - Nhật còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Ảnh: Sohu
Hiện nay, quan hệ Trung - Nhật còn tồn tại nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Ảnh: Sohu