Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tại lễ khánh thành 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa do Bộ Y tế tổ chức vào chiều nay (25/9), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh được kết nối, trong tương lai gần, nhiều người dân không phải ra nước ngoài để khám, chữa bệnh. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các lãnh đạo của Bộ Y tế ấn nút kết nối 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các lãnh đạo của Bộ Y tế ấn nút kết nối 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy)

Bước đột phá của ngành Y tế

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Hôm nay 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa đã được kết nối sau 4 tháng, Bộ Y tế cùng các đơn vị đã khai trương hệ thống khám, chữa bệnh từ xa. Đây là một sự kiện quan trọng, là bước tiến lớn của ngành Y tế trong chăm sóc sức khỏe toàn dân.

1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa được kết nối là kết quả của sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc triển khai Chương trình Quốc gia đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định, thịnh vượng, tiên phong, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Việc triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa có ý nghĩa nhân văn cao cả để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trên mọi miền tổ quốc. Không chỉ vậy, việc kết nối khám, chữa bệnh từ xa còn mang một ý nghĩa lớn, khi thế giới đang bị tấn công bởi dịch COVID-19. Đến nay, Việt Nam đã qua 24 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Minh Thúy)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Minh Thúy) 

Có thể nói, Việt Nam tự hào là quốc gia đã khống chế thành công dịch bệnh với nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Ngành Y tế với y, bác sĩ đã quên mình để điều trị, cứu sống người bệnh, không quản hiểm nguy, khó khăn. Trong quá trình phòng, chống dịch COVID-19, việc khám, chữa bệnh từ xa không chỉ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, mà còn nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, tạo nền tảng số cho ngành Y tế.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao ngành Y tế đã chủ động kết nối khám, chữa bệnh từ xa với 1.000 điểm cầu ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa.

“Tôi tin rằng trong tương lai gần, nhiều bệnh nhân sẽ không cần ra nước ngoài để khám, chữa bệnh. Từ thành công bước đầu kết nối 1.000 cơ sở khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế sẽ phát huy thế mạnh vốn có, ứng dụng công nghệ thông tin để chăm sóc sức khỏe cho người dân” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới Bộ Y tế cần hoàn thiện hành lang pháp lý khám, chữa bệnh từ xa. UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tích cực phối hợp với các bệnh viện tuyến trên khám, hội chẩn từ xa.

Chất lượng khám, chữa bệnh “vươn cao, vươn xa”

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp trên thế giới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, cả nước đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, phù hợp, hiệu quả và đến nay đã kiểm soát tốt dịch bệnh với chi phí thấp. Cùng với đó, Việt Nam đã áp dụng nhiều mô hình, cách làm hay trong công tác phòng, chống dịch, trong đó hoạt động khám, chữa bệnh từ xa giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng một cách nhanh chóng.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thúy)
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: Minh Thúy) 

Với những hiệu quả của hoạt động khám, chữa bệnh từ xa, Bộ Y tế đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Viettel để xây dựng và triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa. Chỉ trong 2 tháng, đã cán mốc 1.000 cơ sở y tế được kết nối trực tuyến để thực hiện các hoạt động tư vấn, khám, chữa bệnh phục vụ việc chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Thông điệp chủ đạo của Đề án được Bộ Y tế lựa chọn là “Chất lượng khám, chữa bệnh vươn cao, vươn xa”. Với thông điệp này, Đề án không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi số ngành Y tế mà đề án còn có tính nhân văn sâu sắc, giúp người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh y tế cơ sở, rút ngắn khoảng cách giữa tuyến trên và tuyến dưới.

“Thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh từ xa được triển khai, năng lực chuyên môn của các bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được nâng lên, người dân trên cả nước sẽ được hưởng dịch vụ y tế có chất lượng cao hơn ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho ra mắt mạng y tế Việt Nam - nơi tập hợp tất cả các thầy thuốc trên toàn quốc, là diễn đàn để chia sẻ, trao đổi học hỏi lẫn nhau với mục tiêu nâng cao hơn nữa tay nghề của cán bộ y tế để phục vụ người dân.” – ông Long nói.

Các điểm cầu kết nối khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy)
Các điểm cầu kết nối khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy) 

Tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh Đề án 

Từ khi Đề án được phê duyệt, ban hành, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối và phối hợp với các Vụ, Cục, bệnh viện trên toàn quốc khẩn trương, tích cực triển khai các hoạt động trên cơ sở kế thừa kinh nghiệm quý báu của “Trung tâm Quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn hỗ trợ chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19” và việc hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Theo ông Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, trong quá trình triển khai, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã nhận được sự phối hợp rất chặt chẽ và tích cực của Tập đoàn Viettel và các bệnh viện. Đến nay đã có 26 bệnh viện tuyến trên tham gia Đề án, trong đó có 2 bệnh viện tuyến cuối của TP. Hà Nội và 6 bệnh viện tuyến cuối của TP. Hồ Chí Minh.

Tính đến ngày 24/9, 1.000 bệnh viện tuyến dưới đã đăng ký tham gia Đề án. Toàn bộ 63 tỉnh thành đã có bệnh viện đăng ký. Một số bệnh viện của nước bạn Lào (2 bệnh viện) và Campuchia (1 bệnh viện) đã đăng ký tham gia làm cùng bệnh viện tuyến dưới. Nhiều bệnh viện/trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo cũng đã đăng ký tham gia. 

Toàn cảnh buổi lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy)
Toàn cảnh buổi lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa (Ảnh: Minh Thúy) 

Thời qian qua, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã phối hợp với các vụ, cục và bệnh viện xây dựng "Danh mục tạm thời các kỹ thuật chuyên môn khám, chữa bệnh từ xa”, tài liệu "Hướng dẫn các bước tổ chức và thực hiện buổi hội chẩn, khám, chữa bệnh từ xa"… Các quy định này sẽ được tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng tiếp các quy định khác như hướng dẫn về thủ tục tài chính, thanh toán bảo hiểm y tế… phục vụ công tác khám, chữa bệnh từ xa.

Đáng chú ý, tại buổi lễ, Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức,... đã trực tiếp tiến hành kết nối để trực tiếp hội chẩn ca bệnh. Thủ tướng cũng đã gửi lời hỏi thăm bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cô Tô (Quảng Ninh). 

Lễ khánh thành 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh từ xa là sự kiện quan trọng và có nghĩa lớn đối với Đề án Khám, chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế, ghi nhận sự tham gia tích cực của ngành Y tế trong tiến trình thực hiện Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để  đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.