Thủ tướng Modi lần đầu lên tiếng, Ngoại trưởng Trung - Ấn trao đổi điện thoại bàn giải quyết

VietTimes – Thủ tướng Modi ngày 17/6 đã lần đầu tiên lên tiếng về vụ xung đột tối 15 trên biên giới Trung - Ấn, nói Ấn Độ khao khát hòa bình, nhưng nếu bi chọc gijận, sẽ phản ứng thích đáng.
Binh sĩ Ấn Độ bị sát hại trong vụ xung đột với lính Trung Quốc hôm 15/6 (Ảnh: Đông Phương).
Binh sĩ Ấn Độ bị sát hại trong vụ xung đột với lính Trung Quốc hôm 15/6 (Ảnh: Đông Phương).

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 17/6, Thủ tướng Narendra Modi đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo các bang vào ngày 17/6 để xem xét biện pháp đóng cửa các thành phố trong đại dịch COVID-19. Khi khai mạc hội nghị ông đã bày tỏ thương tiếc 20 binh sĩ Ấn Độ đã chết trong cuộc xung đột biên giới với Trung Quốc tối 15/6.

Ông nói: "Cả đất nước cũng đau buồn như những thành viên trong gia đình  những người lính đã hy sinh cho đất nước và Ấn Độ sẽ cố gắng hết sức để bảo vệ từng tấc đất”.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Ấn Độ khao khát hòa bình, nhưng nếu ai đó định chọc giận, họ sẽ phản ứng thích đáng (Ảnh: Getty).
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi: Ấn Độ khao khát hòa bình, nhưng nếu ai đó định chọc giận, họ sẽ phản ứng thích đáng (Ảnh: Getty).

Ông Modi nhấn mạnh, Ấn Độ là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và chú trọng duy trì quan hệ hợp tác và hữu nghị với các nước láng giềng. Ông nói: "Chúng ta không chủ động chọc giận người khác, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ thỏa hiệp về chủ quyền. Đến lúc đó, chúng ta sẽ bảo vệ mạnh mẽ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia”. Ông Modi ca ngợi sự dũng cảm của những người lính đã ngã xuống, nói rằng không ai có thể ngăn cản được họ bảo vệ chủ quyền

Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hôm 16/6 đã tổ chức một cuộc họp kín cấp cao với Bộ trưởng Ngoại giao, Tổng Tham mưu trưởng và Tham mưu trưởng 3 quân chủng. Trong thời gian đó, Thủ tướng Modi đã nghe báo cáo về tình hình chung ở khu vực phía đông Ladakh, truyền thông Ấn Độ không tiết lộ nội dung cuộc họp. Ngày 17/6, ông Rajnath Singh đã công khai trả lời về cuộc xung đột và bày tỏ lòng thương tiếc tới gia đình những những người lính đã chết, nói rằng “Sự hy sinh của các binh sĩ khiến người ta rất bất an và đau khổ. Các binh sĩ của chúng ta đã thể hiện tấm gương dũng cảm và kiên cường trong khi làm nhiệm vụ, hy sinh cả cuộc sống cho truyền thống cao quý của Quân đội Ấn Độ”.

Ấn Độ triển khai xe tăng hạng nặng T-90 tới gần khu vực biên giới đang tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).
Ấn Độ triển khai xe tăng hạng nặng T-90 tới gần khu vực biên giới đang tranh chấp (Ảnh: Đa Chiều).

Chủ tịch Đảng Nhân dân Ấn Độ, Jagat Prakash Nadda, đã đăng trên Twitter vào đầu ngày thứ Tư (17/6) bày tỏ lòng thành kính với những người lính đã chết trong cuộc xung đột. Ông cũng đảm bảo rằng dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Modi, toàn vẹn lãnh thổ của Ấn Độ sẽ không bị xâm phạm, nhấn mạnh rằng quân đội có đủ sức mạnh chiến đấu để chống lại mọi kẻ thù.

Cũng theo Đông Phương, vào tối thứ Ba (16/6) quân đội Ấn Độ đã thông báo cuộc xung đột tại Thung lũng Galwan tối 15 đã gây ra cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, Tin cho biết, quân đội Ấn Độ định dỡ bỏ các lều bạt của lính Trung Quốc sang dựng trên lãnh thổ Ấn Độ dẫn đến xung đột, Lính hai bên đã hỗn chiến suốt 8 giờ liền, nhiều người đã bị rơi xuống sông, một số binh sĩ bị thương đã bị chết do nhiệt xuống độ quá thấp; ngoài ra hơn 110 người đang phải nhập viện.

Nơi xảy ra vụ xung đột (màu đỏ) ở Thung lũng Ladakh. Khu vực kẻ sọc là vùng đất Ấn Độ cho là lãnh thổ của họ bị Trung Quốc chiếm và kiểm soát từ cuộc Chiến tranh 1962 (Ảnh: Đông Phương)
Nơi xảy ra vụ xung đột (màu đỏ) ở Thung lũng Ladakh. Khu vực kẻ sọc là vùng đất Ấn Độ cho là lãnh thổ của họ bị Trung Quốc chiếm và kiểm soát từ cuộc Chiến tranh 1962 (Ảnh: Đông Phương)

Truyền thông Ấn Độ The Times of India đưa tin phía quân đội Trung Quốc (PLA) có 43 người chết và bị thương; tình báo Mỹ nói Trung Quốc bị chết 35 lính, nhưng phía Trung Quốc chưa xác nhận số liệu này. Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đưa tin hôm thứ Tư (17) quân đội bảo vệ biên giới Ấn Độ đã được ủy quyền, nếu trong tương lai xung đột với PLA, trong trường hợp khẩn cấp có thể được nổ súng đánh trả. 

Quân đội Ấn Độ ban đầu tuyên bố Đại tá Santosh Babu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 16 Bihar và 2 binh sĩ đã thiệt mạng trong cuộc xung đột, nhưng sau đó đã tăng thêm số người chết. Tuyên bố nói, 17 binh sĩ Ấn Độ bị thương nặng trong khi thực hiện nhiệm vụ tại địa điểm đối đầu. Họ ở khu vực rất cao và tiếp xúc với môi trường khắc nghiệt dưới 0 độ C trong một thời gian dài nên vết thương nặng thêm và không qua khỏi. Trong số 20 người chết, có 16 người thuộc từ Trung đoàn 16 Bihar.

Lang nha côn tự chế truyền thông Ấn Độ nói là lính Trung Quốc dùng để đánh nhau với quân đội Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương)
Lang nha côn tự chế truyền thông Ấn Độ nói là lính Trung Quốc dùng để đánh nhau với quân đội Ấn Độ (Ảnh: Đông Phương)

Truyền thông Ấn Độ nói, quân đội Ấn Độ đã cử một nhóm nhỏ binh sĩ vào buổi chiều để tháo dỡ lều của PLA dựng ở Thung lũng Galle theo sự đồng thuận của hai chỉ huy quân đội vào ngày 6/6. Các binh sĩ PLA  lúc đầu đã đồng ý rút đi, nhưng sau đó bất ngờ tấn công Đại tá Santosh Babu, rồi hai bên nổ ra hỗn chiến với các Lang Nha côn tự chế có quấn dây thép gai tấn công lẫn nhau. Quy mô của trận chiến được mở rộng dần với sự gia tăng lực lượng liên tục của hai bên. Nhiều binh sĩ Ấn Độ bị thương đã nhảy xuống sông để trốn, nhưng nhiệt độ thấp và chứng bệnh độ cao đã làm trầm trọng thêm vết thương khiến họ bị chết. Một sĩ quan quân đội Ấn Độ tiết lộ rằng hơn 110 binh sĩ Ấn Độ bị thương phải nằm viện và hơn 20 người bị thương nặng, số người chết có thể tăng lên.

Sau khi vụ việc xảy ra, hai bên đều đổ lỗi cho nhau. Báo chí Ấn Độ dẫn nguồn tin quân đội nói, nguyên nhân xung đột là các binh sĩ Trung Quốc sau khi rút khỏi thung lũng Galwan chỉ một thời gian ngắn lại quay trở lại, vượt qua tuyến kiểm soát thực tế (LAC) mà hai bên coi là đường biên giới tạm thời để vào lãnh thổ Ấn Độ. Khi binh sĩ Ấn Độ đến điều tra, các binh sĩ PLA đã đột nhiên tấn công các binh sĩ của Đại tá Santosh Babu. Cuộc xung đột diễn ra từ chập tối kéo dài tới khuya, nhiều binh sĩ Ấn Độ bị đẩy ngã hoặc nhảy xuống sông, một số thi thể sau đó tìm thấy dưới sông, cũng có binh sĩ bị chết vì thân nhiệt xuống thấp.

Ngoại trưởng hai nước Ấn Độ và Trung Quốc gặp nhau trước đây. Ngày 17/6 hai người đã trao đổi điện thoại, thỏa thuận giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực biên giới thông qua đối thoại (Ảnh: Đông Phương).
Ngoại trưởng hai nước Ấn Độ và Trung Quốc gặp nhau trước đây. Ngày 17/6 hai người đã trao đổi điện thoại, thỏa thuận giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực biên giới thông qua đối thoại (Ảnh: Đông Phương).

Đông Phương nói, hình ảnh vệ tinh chụp vào ngày hôm sau cuộc xung đột cho thấy một số lượng lớn xe quân sự của PLA đã được tập kết tại Thung lũng Galwan, xếp hàng dọc theo bờ sông. Tin cho biết, quân đội Ấn Độ đã chặn bắt được liên lạc của PLA, tuyên bố 43 binh sĩ Trung Quốc đã thiệt mạng và bị thương, nhưng cả Chiến khu miền Tây PLA và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều không lên tiếng xác nhận.

  Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, Trung Quốc đã “phản đối mạnh mẽ và nghiêm khắc giao thiệp” với phía Ấn Độ về vụ việc, một lần nữa trịnh trọng yêu cầu Ấn Độ tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần của sự đồng thuận liên quan, quản chế nghiêm ngặt các đơn vị tuyến đầu, không được vượt biên giới, không được khiêu khích gây sự”. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc La Chiếu Huy đã gặp Đại sứ Ấn Độ Vikram Misri tại Bộ Ngoại giao vào thứ Ba. Sau cuộc gặp, Vikram Misri tiết lộ với truyền thông Ấn Độ rằng hai bên đã nói về cuộc xung đột biên giới và Trung Quốc đã phản kháng, nói binh lính Ấn Độ đã vượt biên để thực hiện các hoạt động phi pháp, khiêu khích và tấn công nhân viên Trung Quốc, dẫn đến xung đột nghiêm trọng. Tuy nhiên Vikram Misri nhấn mạnh rằng ông phải bị phía Trung Quốc triệu tập.

Đại tá Santosh Babu (trái) và hai binh sĩ Ấn Độ bị giết hại tại chỗ trong vụ xung đột tối 15/6 (Ảnh: Weibo).
Đại tá Santosh Babu (trái) và hai binh sĩ Ấn Độ bị giết hại  tại chỗ trong vụ xung đột tối 15/6 (Ảnh: Weibo).

Cũng theo Đông Phương, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 17/6 đã trao đổi qua điện thoại với Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, yêu cầu phía Ấn Độ “dừng mọi hành động khiêu khích, điều tra vụ việc và trừng phạt nghiêm khắc những người chịu trách nhiệm; kiểm soát chặt chẽ các binh sĩ tuyến trước để đảm bảo rằng những sự cố đó sẽ không xảy ra nữa. Ông nhắc lại “Ấn Độ không nên đánh giá thấp ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc”.

Đông Phương cho biết, ông Jaishankar đã giới thiệu lập trường của phía Ấn Độ bày tỏ mong muốn xuất phát từ đại cục quan hệ hai nước, cùng với Trung Quốc thực hiện sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo hai nước, giải quyết hòa bình các tranh chấp ở khu vực biên giới thông qua đối thoại và giảm bớt căng thẳng ở khu vực biên giới. Hai bên đã đồng ý giải quyết công bằng tình hình nghiêm trọng do cuộc xung đột ở Thung lũng Galwan dẫn tới; cùng tuân thủ thỏa thuận đạt được tại cuộc họp cấp quân đoàn giữa hai bên, nhanh chóng hạ nhiệt tình hình và duy trì hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới theo các hiệp nghị đã ký giữa hai nước.

Liệu sắp tới tình hình căng thẳng trên biên giới hai nước có dịu đi, chúng ta hãy chờ xem.