Thủ tướng: GDP 2015 đạt 204 tỷ USD, cao nhất 5 năm, thu nhập đầu người: 2.228 USD

Tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế - xã hội cũng tăng gấp 1,8 lần so với năm trước. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31,3%. Vốn ODA tăng 70,5%.
Thủ tướng: GDP 2015 đạt 204 tỷ USD, cao nhất 5 năm, thu nhập đầu người: 2.228 USD

Sáng nay (ngày 20/10/2015), kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Báo cáo về “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015; phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2016-2020 và năm 2016”.

Theo Thủ tướng, từ 2011, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế phục hồi chậm hơn dự báo, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai dịch bệnh gây thiệt hại lớn đã ảnh hưởng đến kinh tế trong nước.

Đặc biệt, tình hình kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng khi giá dầu thô giảm sâu, đồng nhân dân tệ đột ngột giảm giá, một số nền kinh tế lớn suy giảm… đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, lạm phát đã được kiểm soát, tốc độ tăng CPI giảm mạnh, là mức thấp nhất trong 15 năm qua. Mặt bằng lãi suất giảm, dư nợ tín dụng tăng 17%, cao nhất kể từ 2011, tỷ giá được điều chỉnh phù hợp, thị trường ngoại hối được điều chỉnh. Kim ngạch xuất khẩu tăng 18%/năm, với tỷ trọng sản phẩm chế biến chế tạo tăng mạnh. Nhập siêu giảm từ 10,2% năm 2011 xuống 3,6% năm 2015.

Đặc biệt, mặc dù giá dầu thô giảm nhưng thu nội địa tăng nên tổng thu ngân sách vẫn tăng 7,4%.

"5 năm qua cao gấp 2 lần so với giai đoạn trước. Nợ công đến hết năm 2015 đạt khoảng 61% GDP, nợ nước ngoài ở mức 41,5%" - Theo đánh giá của Thủ tướng là vẫn trong giới hạn an toàn.

Tổng vốn đầu tư vào nền kinh tế - xã hội cũng tăng gấp 1,8 lần so với năm trước. Trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 58,2 tỷ USD, tăng 31,3%. Vốn ODA tăng 70,5%.

Sản xuất công nghiệp phục hồi và tăng mạnh trong những năm cuối. Công nghiệp phát triển ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 13,5%/năm; khách quốc tế đạt 7,9 triệu lượt.

Năng suất lao động tăng bình quân 3,8%/năm. Số DN thành lập mới trong 9 tháng đầu năm tăng 28,5% và vốn đăng ký tăng 31,4% so với cùng kỳ. Số DN đang hoạt động hiện nay là 525.000, cao gấp 2,5 lần so với cuối năm 2011.

Về công tác tái cơ cấu nền kinh tế gắn đổi mới mô hình tăng trưởng, Thủ tướng cho biết hoạt động này đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Trong đó, tập trung vào các trọng tâm tái cơ cấu đầu tư, mà trọng tâm là đầu tư công, triển khai thực hiện Luật đầu tư, ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức đầu tư.

Đồng thời, tập trung dự án quan trọng, khắc phục đầu tư dàn trải, ưu tiên xử lý nợ cơ bản, tăng phân cấp bộ ngành và chủ đầu tư. Theo đó,cơ cấu đầu tư công giảm từ 35,5% xuống còn 30,2%; đầu tư DN và tư nhân răng từ 36 – 42%

Đối với thị trường tài chính và ngân hàng thương mại, bằng các biện pháp chủ động đã tự xử lý nợ xấu, phát huy vai trò của công ty quản lý tài sản, tham gia xử lý nợ xấu và phát triển thị trường mua bán nợ. Tháng 9/2015 nợ xấu còn 2,9%, thanh khoản được đảm bảo, cung ứng tốt hơn cho nền kinh tế vốn, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 33% GDP và trái phiếu 23% vào cuối năm 2015.

Với hoạt động cơ cấu lại doanh nghiệp, mà trọng tâm sắp xếp đổi mới được 465 DNNN; cổ phần hóa được 353 DN. Thoái vốn đầu tư ngoài ngành và bán bớt phần vốn tại DN cổ phần hóa, cao hơn giá trị sổ sách gấp 1,47 lần, năng lực tài chính, quản trị của DNNN được nâng lên, vốn nhà nước được bảo toàn.

Bên cạnh đó, hoạt động tái cơ cấu nền kinh tế còn tập trung vào tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tái cơ cấu công nghiệp – dịch vụ.

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng, song Thủ tướng thẳng thắn nhìn nhận sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, liên kết giữa DN FDI và DN trong nước còn hạn chế. Ngành du lịch chưa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Thể chế kinh tế thị trường chưa mạnh mẽ, phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ chưa đáp ứng nhu cầu, tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới chưa đạt yêu cầu.

Đặc biệt, phát triển các ngành giá trị cao còn chậm, chưa tham gia được chuỗi giá trị toàn cầu. Giải quyết việc làm, khoảng cách giàu nghèo còn lớn.

Do đó, mục tiêu đặt ra kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.

Theo Trí thức trẻ