Thủ tướng Conte bất ngờ ký lệnh phong tỏa toàn quốc! Điều gì đang diễn ra tại Italy?

VietTimes -- Thủ tướng Italia Giuseppe Conte tối 9/3 đã ký ban hành một sắc lệnh mới, quyết định phong tỏa toàn bộ đất nước nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Quyết định có hiệu lực ngay từ hôm nay 10/3 đến ngày 3/4 khiến đất nước hơn 60 triệu dân này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới bị phong tỏa.
Quảng trường Nhà thờ lớn Milan vắng ngắt sau khi thực hiện lệnh phong tỏa (Ảnh: Getty).
Quảng trường Nhà thờ lớn Milan vắng ngắt sau khi thực hiện lệnh phong tỏa (Ảnh: Getty).

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên toàn quốc về cơ bản tương tự như việc cách ly và kiểm soát trước đây ở Vùng Lombardy (Bologna) bị ảnh hưởng nặng nề nhất và 14 tỉnh khác, chủ yếu là hạn chế đi lại và cấm các cuộc tụ họp công cộng.

Ngoài ra, hôm 9/2 đã xảy các cuộc bạo loạn trong một số nhà tù trên khắp nước Ý vì bị đình chỉ các chuyến thăm của người nhà phạm nhân, làm ít nhất 6 người chết.

Số người chết vì virus SARS-CoV-2 đã tăng tới 97 người chỉ trong ngày 9/3  nâng tổng số người chết lên 463. Ngày hôm đó đã có thêm 1.797 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số lên tới 9.172. Các trường hợp được xác nhận bị bệnh đã có tại khắp 20 vùng trên cả nước, cho thấy loại virus này đã lan rộng khắp Italy và tình hình dịch bệnh chỉ đứng sau mỗi Trung Quốc.

Thủ tướng Conte kêu gọi dân chúng hãy thay đổi thói quen, hy sinh một số quyền cá nhân vì lợi icgs quốc gia (Ảnh EPA).
Thủ tướng Conte kêu gọi dân chúng hãy thay đổi thói quen, hy sinh một số quyền cá nhân vì lợi icgs quốc gia (Ảnh EPA).

Thủ tướng Conte đã đưa ra một bài phát biểu trên truyền hình vào thứ Hai 9/3, kêu gọi dân chúng hãy thay đổi thói quen của mình và hy sinh một chút và từ bỏ một số quyền cá nhân vì lợi ích quốc gia.

Ông cũng nói rằng đất nước “không còn cuộc sống về đêm nữa, chúng tôi không còn cho phép cuộc sống về đêm vì những nơi đó thích hợp nhất để truyền bá (virus)”.

Các biện pháp hạn chế

Thủ tướng Conte đã tóm tắt hoạt động chống dịch trong việc phong tỏa bằng một câu nói: “Hãy ở nhà và chờ đợi!”.

Các biện pháp để kiểm soát sự lây lan của virus bao gồm cấm các cuộc tụ họp công cộng và đình chỉ các sự kiện thể thao như các trận bóng đá trên cả nước. Các trường học, phòng tập thể dục, bảo tàng và câu lạc bộ đêm trên cả nước đã bị tuyên bố đóng cửa từ hôm Chủ nhật 8/3.

Chỉ những người cần phải đi khỏi gia đình vì lý do công việc, y tế hoặc cần thiết phải đi du lịch vì nguyên nhân gia đình mới được cấp giấy phép du lịch đặc biệt và khi lên máy bay và đến nơi cũng phải chứng minh lý do đi du lịch của họ.

Các ga đường sắt có trạm kiểm soát nhiệt độ và tất cả các cảng đều cấm các tàu du lịch cập bến.

Dân chúng Italy được cảnh báo ngoại trừ việc khẩn cấp, hãy ở nhà và chờ đợi (Ảnh: EPA).
Dân chúng Italy được cảnh báo ngoại trừ việc khẩn cấp, hãy ở nhà và chờ đợi (Ảnh: EPA).

“Thời khắc đen tối nhất của Italy!”

Thủ tướng Conte sáng sớm ngày 8/3 đã ký một sắc lệnh khẩn cấp để cách ly vùng (tỉnh) Lombardy và 14 vùng (tỉnh) khác ở miền trung và miền bắc của đất nước Italy. Mọi người trong khu vực cách ly cần phải có giấy phép đặc biệt mới được đi ra khỏi địa bàn.

Cả trung tâm tài chính Milan và thắng địa thu hút khách du lịch Venice đều nằm trong khu vực cách ly.

Các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt mới đã ảnh hưởng đến 1/4 dân số Italy và tập trung ở khu vực phía Bắc giàu có của đất nước, nơi được gọi là động cơ của nền kinh tế Italy.

Thủ tướng Conte cũng tuyên bố đóng cửa các trường học, phòng tập thể thao, bảo tàng, hộp đêm và các địa điểm công cộng khác trên cả nước.

Các biện pháp chống dịch này cho đến nay là các biện pháp triệt để nhất để kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 bên ngoài Trung Quốc và sẽ được thực hiện ít nhất cho đến ngày 3/4.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn giới truyền thông, ông Conte nói rằng sự bùng phát của đại dịch COVID-19 là “thời khắc đen tối nhất” của Italy, nhưng nếu mọi người tuân thủ các quy định, Italy chắc chắn sẽ chiến thắng được dịch bệnh.

Trong Thế chiến II, Thủ tướng Anh W.Churchill đã sử dụng câu này để mô tả tình hình sau khi Paris sụp đổ vào tháng 6/1940. Conte tuyên bố rằng ông cũng đã được xét nghiệm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) và kết quả là âm tính.

Các cuộc bạo loạn tại các nhà tù trong cả nước hôm 9/3 đã làm 6 người bị chết (Ảnh: EPA).
Các cuộc bạo loạn tại các nhà tù trong cả nước hôm 9/3 đã làm 6 người bị chết (Ảnh: EPA).

Bạo loạn trong nhà tù, 6 người chết

Vào thứ Hai, do phong tỏa để chống dịch, hoạt động thăm thân tại nhà tù đã bị đình chỉ, tại các nhà tù trên khắp Italy đã nổ ra các cuộc phản đối hoặc bạo loạn của các tù nhân và người thân họ, bao gồm ở Milan, Naples và thủ đô Rome.

Rắc rối bắt đầu tại nhà tù Santa Ana ở phía bắc. Các cuộc biểu tình và bạo loạn bùng nổ do đình chỉ tất cả các chuyến thăm thân nhằm phòng chống dịch bệnh. 6 tù nhân đã bị giết, 2 người trong số họ được cho là đã chết sau khi xông vào bệnh viện nhà tù để cướp lấy methadone, một loại thuốc thay thế heroin rồi sử dụng quá liều.

Theo báo chí Italy, các tù nhân trong nhà tù San Vitoli ở Milan đã phóng hỏa đốt một dãy xà lim, sau đó trèo ra khỏi cửa sổ và trèo lên nóc tòa nhà vẫy cờ hò hét thị uy.

20 tù nhân khác tìm cách trốn thoát khỏi nhà tù nhân lúc diễn ra cuộc bạo loạn ở một nhà tù phía nam, nhưng nhanh chóng bị bắt và đưa trở lại nhà tù.

Dựng lều bên ngoài bệnh viện để điều trị cho người bệnh vì thiếu giường (Ảnh AP).
Dựng lều bên ngoài bệnh viện để điều trị cho người bệnh vì thiếu giường (Ảnh AP).

Thiếu giường bệnh nghiêm trọng 

Thủ tướng Conte đã công bố các biện pháp bất thường vào đầu giờ sáng Chủ nhật 8/3. Theo các biện pháp phòng chống dịch bệnh mới, mọi người sẽ bị hạn chế vào hoặc ra khỏi vùng Bologna, nơi có Milan là thành phố chính.

Ông Conte nói với các phóng viên rằng, không được có các hoạt động du lịch hoặc tụ tập đông người trong các khu vực này trừ khi có những lý do liên quan đến công việc, trường hợp khẩn cấp hoặc lý do sức khỏe đã được chứng minh.

Ông nói rằng nước Italy đang phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp có tính quốc gia và sự lây lan của virus phải được hạn chế để tránh các bệnh viện trở nên quá tải và không thể hoạt động được.

Tuy nhiên, hoạt động giao thông vận tải đến và đi từ các khu vực bị ảnh hưởng vẫn được tiếp tục. Vào Chủ nhật, một số chuyến bay tiếp tục đến hai sân bay Malpensa và Linate của Milan, nhưng nhiều chuyến bay theo lịch trình đã bị hủy.

Các cơ quan truyền thông tiếng Trung Quốc tại Italy cho biết các video xuất hiện trên các nền tẳng mạng xã hội Italy cho thấy sau khi tin tức về việc “phong thành”, mọi người tranh nhau lên chuyến tàu cuối cùng để thoát ra khỏi khu vực sắp bị phong tỏa.

Trước khi sắc lệnh được ban bố, đã có một số lượng rất lớn người từ miền bắc Italy, bao gồm cả Milan, đã đổ về miền nam; giống như tình cảnh xảy ra ở Vũ Hán trước thời điểm 10 giờ sáng ngày 23/1/2020.

Hệ thống y tế ở vùng Bologna đang chịu áp lực rất lớn. Có 10 triệu người sống trong khu vực này. Vì không có giường bệnh nên rất nhiều người đang được điều trị ngoài các hành lang bệnh viện.

Kiểm tra thân nhiệt một khán giả bên ngoài sân bóng đá ở Parma (Ảnh: EPA).
Kiểm tra thân nhiệt một khán giả bên ngoài sân bóng đá ở Parma (Ảnh: EPA).

Người Hoa ở Italy hoang mang

Hiện có khoảng 300.000 lưu học sinh, Hoa kiều và người Trung Quốc sống ở Italy. Theo các cơ quan truyền thông tiếng Trung Quốc (Hoa ngữ) ở Italy, sự xuất hiện đột ngột của dịch bệnh COVID-19 đã tạo ra áp lực và thách thức to lớn đối với hệ thống y tế của Italy. Nhiều người Hoa nói rằng họ gọi đường dây nóng báo tình hình dịch bệnh nhưng chỉ nhận được các phản hồi giống nhau la “hãy ở nhà chờ đợi!”.

Trước khi Italy tuyên bố đóng cửa thành phố, tình trạng khó khăn vềgiường bệnh đã khiến một số người Hoa rất lo lắng và cố gắng tìm mọi cách để trở về Trung Quốc. Một số người mang theo SARS-CoV-2 đã gây áp lực cho các cửa khẩu như Bắc Kinh và Thượng Hải, những nơi đã kiểm soát được dịch bệnh ở địa phương.

Cho đến ngày 8/3, hàng chục trường hợp nhập cảnh từ Italy bị nhiễm COVID-19 đã được thông báo tại các cửa khẩu Bắc Kinh và Thượng Hải.

Truyền thông Trung Quốc cho biết một gia đình Hoa kiều ở Italy họ Liêu, gồm 8 người cùng về Bắc Kinh, trong đó 4 người khi về đến Bắc Kinh bị phát hiện đã bị nhiễm COVID-19. Do trước khi lên máy bay họ đã uống thuốc hạ sốt và khai báo y tế không trung thực, đã bị chi cục công an Nghĩa An điều tra bắt giữ theo quy định pháp luật.

Vẫn còn các chuyến bay đến và đi Milan tuy nhiên nhiều chuyến đã bị hủy. Hành khách ngồi chờ lên máy bay (Ảnh: AFP)
Vẫn còn các chuyến bay đến và đi Milan tuy nhiên nhiều chuyến đã bị hủy. Hành khách ngồi chờ lên máy bay (Ảnh: AFP)

Liệu có thành công?

Tuần đầu tháng 3 là rất quan trọng để xem liệu các biện pháp mà chính phủ Italy đã thực hiện liệu ngăn chặn thành công sự lây lan của coronavirus mới hay không? Nếu số lượng lây nhiễm trùng bắt đầu giảm, sẽ cho thấy các biện pháp ngăn chặn đã có hiệu quả. Nhưng điều này đã không xảy ra.

Với việc các trường hợp nhiễm mới vẫn đang gia tăng, chính phủ Italy đã bước vào giai đoạn tiếp theo của việc chống dịch bệnh, đây là một sự nâng cấp rất lớn.

Nhưng điều này không phải hoàn toàn đóng cửa, bởi vì máy bay và tàu hỏa vẫn còn hoạt động, và mọi người vẫn có thể vào và rời khỏi khu vực dịch bệnh vì lý do công việc khẩn cấp hoặc cần thiết.

Tuy nhiên, cảnh sát có thể ngăn chặn sự di chuyển của người dân và truy xét lý do khiến họ cố gắng vào hoặc rời khỏi khu vực đã công bố phong tỏa. Vấn đề là liệu có phải những biện pháp này đã quá muộn. Virus SARS-CoV-2 được cho là đã lưu hành ở Italy trong vài tuần trước khi nó được phát hiện.

Hiện tại, các trường hợp đã được phát hiện nhiễm COVID-19 có ở tất cả 22 vùng (tỉnh) của đất nước. Chính phủ Italy hiện đang áp dụng các biện pháp ngăn chặn được cho toàn diện nhất bên ngoài Trung Quốc.

Nhưng liệu điều này có phải là những loạt pháo bắn vuốt đuôi?

Nói về việc Italy phong tỏa cả nước để chống dịch, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi việc Italy thực hiện các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch bệnh là một sự hy sinh thực sự.

Tuy nhiên, liệu các biện pháp phong tỏa được một số người cho là “nửa vời” này liệu có tác dụng giống như ở Vũ Hán, Trung Quốc hay không thì còn phải chờ xem.

Người dân Milan tới các siêu thị xếp hàng mua đồ sau khi thành phố thực hiện phong tỏa (Ảnh: Getty).
Người dân Milan tới các siêu thị xếp hàng mua đồ sau khi thành phố thực hiện phong tỏa (Ảnh: Getty).

Một số chi tiết về các biện pháp phòng dịch của Italy

Những điều này bao gồm yêu cầu dân chúng đình chỉ các đám cưới và đám tang, cũng như các hoạt động tôn giáo và văn hóa. Các rạp chiếu phim, câu lạc bộ đêm, phòng tập thể dục, bể bơi, bảo tàng và khu nghỉ mát trượt tuyết đều đóng cửa.

Các nhà hàng và quán cà phê trong khu vực cách ly có thể mở cửa từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, nhưng khách hàng phải ngồi cách nhau ít nhất 1 mét (3 feet).

Mọi người được khuyên ở nhà càng nhiều càng tốt và những người vi phạm các biện pháp cách ly có thể phải đối mặt với án tù giam ba tháng.