Thủ tướng: Chuyển đổi số cần thực chất, không được đánh trống bỏ dùi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra sáng nay, 8/8.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phiên họp thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra tại trụ sở Chính phủ, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - chủ trì.

Phiên họp có sự tham dự của đại diện các bộ, ngành Trung ương và được kết nối trực tuyến tới trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Chuyển đổi số giúp phục hồi và phát triển kinh tế

Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ghi nhận quyết tâm, nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức và các cá nhân trong thực hiện chuyển đổi số thời gian qua; công tác chuyển đổi số đã tiến thêm những bước quan trọng, góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế của công tác chuyển đổi số thời gian qua.

Theo Thủ tướng, nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho chuyển đổi số. Trong 27 nhiệm vụ giao cho các bộ, ngành, địa phương tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, thì có 15 nhiệm vụ cơ bản hoàn thành, 12 cần tiếp tục hoàn thành. Công tác xây dựng thể chế, chính sách để hoàn thiện môi trường pháp lý cho chuyển đổi số còn chậm.

Hạ tầng số cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ; tốc độ mạng băng rộng cố định, di động tuy có tăng những vẫn ở mức trung bình khá của thế giới, chưa tạo bước đột phá về hạ tầng phục vụ chuyển đổi số quốc gia. Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia triển khai còn chậm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn nhiều hạn chế, vướng mắc, chưa hiệu quả, chưa hình thành một hệ thống liên thông, thông suốt.

Đặc biệt, người dân chưa thấy thuận tiện, dễ dùng, chưa được khuyến khích khi tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến và các nền tảng số. Tỷ lệ xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng chưa cao, còn một số dịch vụ công trực tuyến mang tính hình thức, chưa thực chất (người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến năm 2020 chỉ đạt 1,78%, năm 2021 đạt 9,51%; 7 tháng năm 2022 mới đạt gần 18%).

Bên cạnh đó, công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức trong bối cảnh tội phạm công nghệ cao ngày càng phức tạp. Nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng nhu cầu; thiếu cơ chế giám sát triển khai chuyển đổi số; đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra của các bộ, ngành, địa phương chưa toàn diện, kịp thời; chưa đo lường, định lượng những chỉ tiêu đề ra, cũng như xử lý các vướng mắc.

Thiếu công cụ hỗ trợ thống kê, phân tích, giám sát tình hình triển khai các dự án đầu tư công nghệ thông tin. Một số chỉ tiêu trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 hoàn thành còn thấp, cách khá xa mục tiêu cuối năm trong khi chúng ta chỉ còn gần 4 tháng.

"Phải liên tục đổi mới, không đánh trống bỏ dùi"

Với thực trạng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nhận thức được chuyển đổi số là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Phát huy tối đa sức mạnh truyền thống văn hóa, trí tuệ con người Việt Nam.

“Phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, thách thức thì càng phải đoàn kết, đây là truyền thống quý báu của dân tộc cũng là quan điểm xuyên suốt. Tránh mọi tư duy “cát cứ thông tin, số liệu, dữ liệu”, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý dữ liệu được phân công nhưng trên hết đó đều là tài sản quốc gia, tài sản này chỉ được làm giàu thêm khi được liên thông, chia sẻ, xác thực cùng nhau hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho nhân dân”- Thủ tướng chỉ đạo.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, tổ chức phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá và tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, tính sáng tạo; tổng kết, kế thừa, phát huy những kinh nghiệm quý, bài học hay, cách làm sáng tạo; chỉ rõ, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực chuyển đổi số và người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn trước đây.

Quang cảnh phiên họp thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quang cảnh phiên họp thứ III của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Để thực hiện hiệu quả tiến trình chuyển đổi số, Thủ tướng yêu cầu huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia, trong đó có hợp tác công tư; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.

Việc chuyển đổi số được triển khai đồng bộ, tổng thể trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh tình trạng “trăm hoa đua nở”; đi nhanh nhưng chắc chắn, dễ làm trước, khó làm sau, đi từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn và cần được thực hiện một cách thực chất để tránh đầu tư dàn trải, lãng phí, không cầu toàn, không nóng vội.

“Phải nghĩ thật, nói thật, làm thật, có hiệu quả thật, người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng thật; nói phải đi đôi với làm, "không đánh trống bỏ dùi". Không để hiện tượng dịch vụ công trực tuyến thì nhiều, nhưng người dân sử dụng ít, hiệu quả không cao; các nền tảng thì nhiều, cơ sở dữ liệu thì lớn nhưng tính đồng bộ, liên thông lại thấp. Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông, hướng dẫn, tạo sự ủng hộ, đồng thuận của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”- Thủ tướng nhấn mạnh.