Thủ tướng: Chính phủ phải chuyển đổi để trở thành Chính phủ thời đại 4.0

VietTimes -- Thủ tướng đánh giá, cuộc CMCN 4.0 đang mở ra một thời đại mới trong tiến trình phát triển của nhân loại - thời đại số. Để không bỏ lỡ cơ hội này thì trước hết, Chính phủ phải tự đổi mới, chuyển đổi để trở thành một Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số. 
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thông báo thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử.

Đó là khẳng định Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) 2018 với chủ đề: “Hướng tới Chính phủ số và Kinh tế số”, vừa diễn ra sáng nay (18/7). 

Chọn lọc, lựa chọn bước đi phù hợp cho Việt Nam

Tại Diễn đàn, Thủ tướng nhấn mạnh, thế giới đang chuyển từ kỷ nguyên của điện tử hóa tự động hóa, tin học hóa, sang kỷ nguyên của tự động hóa, thông minh hóa và trí tuệ nhân tạo. Những thành tựu KHCN đã tạo nên kỷ nguyên mới tác động vô cùng sâu sắc đến nhiều khía cạnh của đời sống, kinh doanh, từ sản phẩm, xu hướng thị trường, tiêu dùng, kỹ năng, mô hình kinh doanh, cách thức quản trị, cho đến sự vận hành, chuỗi giá trị toàn cầu, cách thức tương tác giữa thị trường và Nhà nước.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng đã thông báo việc thành lập Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ là Chủ tịch Ủy ban, trực tiếp chỉ đạo hoạt động xây dựng Chính phủ điện tử.

"Chúng tôi thấy đã xuất hiện những mô hình kinh doanh hoàn toàn khác biệt so với truyền thống như, các hãng truyền thông toàn cầu không sở hữu quyền tác giả của một tin tức nào; hãng taxi toàn cầu không sở hữu chiếc xe nào, hãng khách sạn toàn cầu, nhưng không sở hũu một phòng khách sạn nào,... đã và đang góp phần định hình một thời đại kinh tế mới, thời đại của kinh tế số", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, cần tạo ra nhận thức chung, sâu sắc hơn về các đặc trưng cơ bản của kinh tế số, như đặc trưng về tính chia sẻ, về giá trị gia tăng trên nền tảng ứng dụng công nghệ số, đặc trưng của sản phẩm khi có giá trị, quy mô và tính cá biệt, truy xuất nguồn gốc, phương thức phân phối vào thị trường,... Từ đó, lựa chọn được bước đi phù hợp, phát huy tốt các lợi thế kinh doanh của Việt Nam.

“Trong bối cảnh cuộc Cách mạng số đang bùng nổ trên toàn cầu như hiện nay, muốn giấc mơ lớn của đất nước trở thành hiện thực, chúng ta cần bắt đầu từ những việc nhỏ mà hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và phải làm ngay, là quyết liệt, đặt nền móng vững chắc cho thành công trong tương lai”, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Tổ chức Diễn đàn nói thêm.

Bài học từ những kì tích

Tại Diễn đàn, các kinh nghiệm quốc tế thành công của Malaysia, Estonia cũng đã được chia sẻ. Nhiều những câu chuyện về các quốc gia số hóa trên thế giới khiến các quan khách không khỏi bất ngờ. Những câu chuyện thực tế và kết quả “thần kỳ” mà quá trình chuyển đổi số mang lại cho việc điều hành, quản lý ở những quốc gia này sẽ là nguồn cảm hứng, là động lực để Việt Nam bắt tay viết nên câu chuyện thành công của riêng mình.

Câu chuyện Estonia, quốc gia nhỏ bé đã gặp rất nhiều vấn đề khó khăn sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết đã làm cách nào để vươn lên trở thành quốc gia số hóa thành công nhất thế giới.

Quyết tâm cao độ của chính phủ nước này cùng với khoản ngân sách 70 ngàn USD để triển khai dự án chính phủ điện tử đầu tiên, đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia của nước này đã cung cấp đến 99% các dịch vụ thiết yếu (1.500 dịch vụ trực tuyến) cho người dân, doanh nghiệp và thiết lập các hệ thống quản lý đăng ký công dân, hệ thống xác thực thông qua mã số công dân điện tử (eID), xác thực thông qua số điện thoại (MobileID) cùng chữ ký số để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước.

Đám mây điện toán chính quyền (government Cloud) – cơ sở hạ tầng của chính quyền điện tử đã được Estonia tạo dựng như một nền tảng công nghệ.
Đám mây điện toán chính quyền (government Cloud) – cơ sở hạ tầng của chính quyền điện tử đã được Estonia tạo dựng như một nền tảng công nghệ.             

Đặc biệt, phải kể đến Hệ thống thông tin phục vụ họp Chính phủ (e-Cabinet) và Hệ thống tham vấn chính sách (e-Consultation), giúp các cơ quan đầu não có thể theo dõi, quản lý lịch họp, nghiên cứu, xử lý tài liệu, hồ sơ điện tử qua mạng. Các hệ thống này giúp tăng hiệu quả, giảm thời gian, giấy tờ cho các cuộc họp của Chính phủ, thậm chí tạo nên “kỳ tích” khi có những cuộc họp Chính phủ diễn ra trong khoảng thời gian 30 phút, cuộc họp ngắn nhất kéo dài 01 phút…

Bài học trong việc thực thi triển khai chính phủ điện tử tại Malaysia và 10 quốc gia khác lại dựa trên mô hình PEMANDU (Performance Management Delivery Unit) với  8 bước BFR (Big Fast Result) gồm: 1. Đặt mục tiêu đúng đắn; 2. Xây dựng kế hoạc chi tiết; 3. Chọn ngày công bố; 4. Chỉ ra đường lối thực hiện rõ ràng; 5. Xây dựng và đo lường và giám sát bằng KPI rõ ràng; 6. Thực thi và giải quyết các vấn đề; 7. Đánh giá kết quả từ bên ngoài; 8. Báo cáo tổng kết định kỳ hàng năm và rút kinh nghiệm. Qua gần 10 năm, PEMANDU đã giúp Malaysia tạo ra được 2,6 triệu việc làm; tỉ lệ thâm hụt ngân sách giảm từ 6,6% còn hơn 3%.

Thủ tướng khẳng định: “Với quyết tâm chính trị, thống nhất quan điểm “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy”, “nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất nhưng có hiệu quả lớn”, Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ chủ trì soạn thảo Nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025, xác định rõ mục tiêu, vai trò, trách nhiệm và lộ trình cụ thể trong triển khai Chính phủ điện tử và thiết lập hệ thống chỉ số trong giám sát hiệu quả thực thi, tránh tình trạng làm hình thức mà không bảo đảm yêu cầu.

Trong giai đoạn trước mắt, Thủ tướng yêu cầu và chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần xác định các nhiệm vụ trọng tâm và quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm gồm: hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế; Tập trung triển khai các giải pháp nền tảng công nghệ Chính phủ điện tử phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Dành nguồn lực để phát triển Chính phủ điện tử trên cơ sở xác định mục tiêu trọng tâm và ưu tiên đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử trong ngắn hạn và trung hạn và rà soát, sắp xếp lại nguồn lực và huy động nguồn lực còn thiếu từ các nguồn, kể cả xã hội hóa và vay thương mại; Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhận thức về Chính phủ điện tử, kinh tế số, hạ tầng số