Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: "ICT đã trở thành ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng tại buổi tiếp đoàn công tác của nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler chiều 26/11.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh MIC
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh MIC

Phát biểu tại buổi tiếp,Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã bày tỏ sự vui mừng được đón tiếp đoàn của nguyên Phó Thủ tướng Đức Philipp Rosler đến thăm Bộ TT&TT Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã giới thiệu khái quát với ông Philippe Rosler về tình hình phát triển ngành CNTT-TT Việt Nam, chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam với những mục tiêu cụ thể vào năm 2025 và 2030, chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số cũng như các chính sách về phát triển doanh nghiệp start-up trong lĩnh vực công nghệ.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng đã thông báo với Đoàn về những đóng góp của ngành ICT đối với nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt Thứ trưởng nhấn mạnh trong 5 năm gần đây, ngành ICT đã trở thành ngành kinh tế chủ lực, đóng góp lớn cho doanh thu, xuất khẩu và nộp ngân sách nhà nước với doanh thu 112 tỷ USD năm 2019 và hơn 1 triệu lao động đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó nhiều start-up Việt trong lĩnh vực công nghệ số với những giải pháp, dịch vụ đột phá đang dần chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và vươn ra quốc tế trong những lĩnh vực như giáo dục, giao thông vận tải, ứng dụng đặt phòng, du lịch, sàn thương mại điện tử, logistic, fintech... Đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang xây dựng và triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, chú trọng phát triển 5G và nền tảng đám mây, Thứ trưởng Dũng cho biết.

Về phần mình, ông Philipp Rosler đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đạt được trong lĩnh vực ICT trong thời gian qua và cam kết sẽ nỗ lực kết nối cộng đồng doanh nghiệp CNTT, doanh nghiệp start-up Việt Nam với cộng đồng doanh nghiệp tại châu Âu nói chung và tại Đức nói riêng để doanh nghiệp hai bên có cơ hội tìm hiểu các cơ hội kinh doanh, hợp tác. Đặc biệt ông cũng cam kết phía Đức sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm về xây dựng chính phủ số, hệ sinh thái đám mây phục vụ chính phủ số với phía Việt Nam.