Thứ trưởng Bộ TT&TT: Ai sở hữu nền tảng lưu trữ dữ liệu thì chắc chắn thắng trong chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long tại Hội thảo về hiện trạng và định hướng phát triển điện toán đám mây tại Việt Nam tổ chức ngày 22/11.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Mic
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Mic

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết hiện nay Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% vào năm 2030. Đồng thời, kinh tế của ngành ICT dự kiến chiếm khoảng 6 - 6,5%, trong đó doanh nghiệp điện toán đám mây (ĐTĐM) dự kiến đóng góp 1% GDP. Thứ trưởng cũng cũng cho rằng để phát triển kinh tế số, hạ tầng số phải đi trước một bước để đảm bảo sẵn sàng và tạo động lực cho chính phủ số, kinh tế số, xã hội số phát triển.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết thêm, vừa qua, Bộ TT&TT đã có định hướng Việt Nam nỗ lực đạt được 70% thị trường ĐTĐM trong nước. Đồng thời Chính phủ đang quyết liệt đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo Thứ trưởng, muốn phát triển kinh tế số hay thúc đẩy ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) thì dữ liệu là quan trọng nhất. Đặc biệt Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, muốn có dữ liệu thì phải có chỗ lưu trữ và xử lý dữ liệu. Ai sở hữu nền tảng lưu trữ dữ liệu thì chắc chắn thắng cuộc trong công cuộc chuyển đổi số đất nước.

Thứ trưởng chia sẽ, nếu các DN cung cấp dịch vụ ĐTĐM làm như cách các DN CNTT làm trước đây về cung cấp dịch vụ CNTT thì không bao giờ đạt được kỳ vọng 1% GDP, đóng góp 20% vào kinh tế số. Các DN phải tính toán, xem xét các lợi thế, chất lượng, dịch vụ, thị trường, đường truyền… và đề xuất nhà nước hỗ trợ để thúc đẩy thị phần.

Cuối cùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các DN ĐTĐM phải hợp tác mạnh mẽ, chia theo nhóm làm nền tảng, hạ tầng, dịch vụ ĐTĐM để hợp tác, phát triển. Làm việc theo nhóm để ĐTĐM của Việt Nam mạnh lên, được tập trung đầu tư để phát triển.

Thứ trưởng nhấn mạnh: "ĐTĐM là hội tụ của CNTT - viễn thông nếu "lui cui" một mình thì không thể mạnh được. Cơ quan quản lý nhà nước sẽ đề xuất các chính sách hỗ trợ mở rộng thị trường nhưng DN phải chứng minh đảm bảo về công nghệ, kỹ thuật để cùng tiến tới hệ sinh thái toàn diện, liên kết. Chúng ta muốn đi xa thì phải đi cùng nhau". Đặc biệt Thứ trưởng Phạm Đức Long đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ĐTĐM trong nước chủ động hợp tác, đề xuất các chính sách để chiếm lĩnh thị trường trong nước.

Được biết, Việt Nam hiện có 39 nhà cung cấp dịch vụ đám mây, 27 trung tâm dữ liệu của 11 DN, các DN Việt chiếm thị phần 19,68%, các DN nước ngoài chiếm khoảng 80,32%. Tổng giá trị thị trường ĐTĐM năm 2020 là 196,11 triệu USD và dự báo năm 2026 là 603,34 triệu USD với tốc độ tăng trưởng là 18,8%/năm.