Thử lửa Syria, Ukraine: Nga tác chiến điện tử "đỉnh" nhất thế giới?

VietTimes -- Nga đã tích hợp khả năng tác chiến điện tử cùng với phổ điện từ tấn công và phòng thủ vào các chiến dịch và chiến lược của mình, theo cách mà các lực lượng NATO ở châu Âu không nhận thấy, một chuyên gia hàng đầu về lực lượng vũ trang của Kremlin cho biết. Theo RI, khả năng tác chiến điện tử của Nga là số một thế giới.
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga
Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga

Theo Roger McDermott, nhà nghiên cứu cấp cao về chiến tranh tại đại học King, London, "Người Nga học bằng trải nghiệm" và họ đang học hỏi từ những kinh nghiệm thu được ở Syria và Ukraine. Dẫn phản ứng gần đây của người Nga đối với vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào căn cứ không quân và cơ sở hải quân của Nga ở Syria, McDermott chỉ ra rằng "tất cả đều bị hạ" bởi hệ thống phòng không thông thường hoặc qua gây nhiễu bằng các thiết bị tác chiến điện tử.

Tại Ukraine, phương Tây cáo buộc các đơn vị tác chiến điện tử quy mô nhỏ đã vượt qua biên giới để gây nhiễu các kênh liên lạc của chính phủ Kiev hoặc tăng cường kiểm soát hỏa lực của pháo binh phe ly khai, trước khi rút lui về lãnh thổ của họ ngay sau đó, ông McDermott nói trong khi phát biểu tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, DC.

Đối với Kremlin, có câu chuyện về phổ điện từ (EMS) trong các chiến dịch quân sự ở phía đông nam Ukraine. "Họ đang thu được kinh nghiệm tác chiến", McDermott thừa nhận.

Thử lửa Syria, Ukraine: Nga tác chiến điện tử "đỉnh" nhất thế giới? ảnh 1Hệ thống tác chiến điện tử Murmansk BN của Nga. Ảnh: Russia Insider

Trong báo cáo gần đây về tác chiến điện tử, ông McDermott lưu ý rằng Matxcơva đã bắt đầu tích hợp khả năng tác chiến điện tử vào các phần cứng và phần mềm quân sự thông thường khi chiếm Crimea và can dự vào Ukraine vào năm 2014. Mỗi lữ đoàn bộ binh cơ giới đều có một đơn vị tác chiến điện tử gồm 150-180 binh lính tự nguyện tham gia vào việc lập kế hoạch và thực hiện nhiệm vụ. Ngoài ra ở 5 quân khu của Nga, mỗi quân khu đều có một đơn vị tác chiến điện tử thuộc quyền sở chỉ huy, giống như các lực lượng vũ trang.

Ông McDermott cho biết Mỹ và NATO không tổ chức lực lượng vũ trang theo cách này.

Theo ông, ý tưởng là tích hợp C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính và tình báo, giám sát và trinh sát), A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực), tác chiến điện tử, trên mạng và không gian để tăng cường hiệu quả tấn công và phòng thủ. Quân đội Nga đã tiến hành cải cách về tư duy chiến lược như thế này từ năm 2008.

"Điều Tổng thống Vladimir Putin đã làm, đó là ông đã đem đến sự ổn định cho lực lượng vũ trang Nga" qua hoạt động tài trợ vốn, và ông đã luôn làm như vậy trong suốt nhiều năm qua. Điều này cho phép lực lượng vũ trang Nga chuyển các dự án đầy triển vọng ra khỏi giai đoạn nghiên cứu và phát triển, hoàn thành và đưa các hệ thống vào hoạt động. Ông Putin đặc biệt đề cập đến một dự án chống vệ tinh liên lạc trong đó có một hệ thống tấn công như là một trong những kết quả tất yếu của việc Kremlin cung cấp nguồn tài chính ổn định.

Michael Kofman, một chuyên gia nghiên cứu cấp cao ở CNA, cũng phát biểu tại sự kiện CSIS. Khi nói đến tác chiến điện tử, ông cho biết người Nga cũng đang "đầu tư vào khả năng này và cách thức để họ có thể lan rộng nó khắp lực lượng", cũng như khai thác khả năng mới trong phát triển lực lượng, tư tưởng và chiến lược chiến tranh tương lai.

Tuy nhiên, McDermott cho rằng Nga không hẳn quá siêu việt trong lĩnh vực này. Ông dùng tin đồn về khu trục hạm USS Donald Cook (DDG-75) và một chiếc Su-24 ở Biển Đen năm 2014 làm ví dụ cho thấy sự phóng đại về năng lực của Nga. Tin tức lúc đầu cho biết, tiêm kích Su-24 của Nga không chỉ áp sát khu trục hạm của Mỹ, mà thông qua một hệ thống tác chiến điện tử tối tân, chiếc Su-24 đã áp chế hoàn toàn các radar của khu trục hạm và khiến hệ thống Aegis không hoạt động.

“Đó là chuyện thần thoại được thêu dệt nên”, ông nói. Hai năm sau, khi các sự kiện trở nên rõ ràng hơn, công ty Nga xây dựng hệ thống tác chiến điện tử được nhắc đến ở trên cho biết hệ thống này chưa bao giờ được trang bị cho một chiếc Su-24.

Thử lửa Syria, Ukraine: Nga tác chiến điện tử "đỉnh" nhất thế giới? ảnh 2Hệ thống tác chiến điện tử Borisoglebsk-2 của Nga. Ảnh: RU

Cùng quan điểm, ông McDermott cho rằng không nên coi các cuộc diễn tập quân sự lớn của Nga, chẳng hạn như đợt tập trận Zapad là hoạt động huấn luyện cho một cuộc tấn công các quốc gia Baltic hay Ba Lan. Thay vào đó, nên xem đây là những gì mà quân đội Nga sẽ thực hiện nếu NATO can thiệp vào Belarus.

"Khi họ quan sát, họ thấy một nhân vật khó dự đoán trong khối NATO có khao khát can thiệp" bên ngoài khu vực NATO, ông McDermott nói. Đợt tập trận Zapad được tiến hành để phản ứng với thách thức từ phương Tây qua phổ điện từ.

Theo Kofman, câu hỏi đặt ra cho các nhà hoạch định quân sự Nga trở thành "làm thế nào mà Nga giành được ưu thế" trong những tình huống như vậy. Câu trả lời: người Nga đang thực hiện phản ứng phi đối xứng đối với các thách thức dự kiến, ông McDermott nói.

Sau đó tại sự kiện, McDermott lưu ý rằng NATO không tiến hành bất kỳ hoạt động huấn luyện nào ở quy mô đó, và cũng không thường xuyên đưa tác chiến điện tử vào các cuộc tập trận của mình.

"Nga đang kiểm soát leo thang ở xung quanh lãnh thổ của mình", McDermott nhận định.