Thời báo Tài chính Anh: Đội ngũ chuyển tiếp của ông Donald Trump vướng phải lục đục nội bộ

VietTimes -- Do thay thế người đứng đầu đội ngũ chuyển tiếp, một số nhân vật đã bị thay thế hoặc rời khỏi, chuyển sang công khai phản đối chính quyền Donald Trump tương lai.
Ông Mike Rogers, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Ảnh: Nhật báo phố Wall
Ông Mike Rogers, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ. Ảnh: Nhật báo phố Wall

Tờ Thời báo Tài chính Anh ngày 16/11 cho rằng quan hệ căng thẳng từ lâu giữa ông Donald Trump và phe làm chính sách ngoại giao chuyên nghiệp ở Washington ngày 15/11 đã được công khai.

Một cựu nghị sĩ được kính trọng đã rút khỏi đội ngũ chuyển tiếp, đồng thời một nhân vật phái bảo thủ mới quan trọng công khai cảnh cáo các đồng sự không nên gia nhập đội ngũ cầm quyền khóa mới.

Mike Rogers, cựu Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện (House intelligence committee), trước đây là một trong những cố vấn cung cấp kiến nghị cho đội ngũ chuyển tiếp về vấn đề an ninh quốc gia, đã từ bỏ chức vụ trưởng ban, cho biết ông sẽ "bàn giao công việc của chúng tôi" cho một tiểu ban mới do Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence đang thành lập.

Một cố vấn cung cấp kiến nghị cho đội ngũ chuyển tiếp của ông Donald Trump cho biết sau khi vị trí lãnh đạo đội ngũ chuyển tiếp của Thống đốc Chris Christie bang New Jersey bị ông Mike Pence thay thế, nhiều người có quan hệ với ông Chris Christie đã bị cho ra khỏi đội ngũ. Ông Chris Christie bị rơi vào một vụ bê bối, bị tình nghi lợi dụng chức quyền để trừng phạt đối thủ chính trị.

Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie.
Phó Tổng thống đắc cử Mỹ Mike Pence và Thống đốc bang New Jersey Chris Christie.

Vài giờ trước khi ông Mike Rogers rút lui, Eliot Cohen, nhà tư tưởng chủ nghĩa bảo thủ mới và nhà lãnh đạo "Người Đảng Cộng hòa chống Donald Trump", người tuần trước còn khuyến khích những người nghi ngờ xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, gia nhập vào chính quyền Donald Trump, sau khi "trao đổi ý kiến" với đội ngũ chuyển tiếp, đã thay đổi lớn về thái độ. Ông viết trên Twitter là: "Kính nhi viễn chi" (kính trọng nhưng không thể gần gũi).

Những chuyển biến gây chú ý này đã đặt ra vấn đề mới đối với khả năng củng cố sự kiểm soát của ông Donald Trump đối với Đảng Cộng hòa, cho dù sau khi trúng cử, trong vài ngày gần đây ông đã tích cực tranh thủ sự ủng hộ của phe làm chính trị chuyên nghiệp tại Washington.

Mặc dù có những sóng gió này, nhưng vẫn có dấu hiệu cho thấy những người của phe chính sách ngoại giao chuyên nghiệp của Đảng Cộng hòa đang từng bước chấp nhận quan điểm hợp tác của chính quyền Donald Trump, cho dù không ít cựu quan chức từng công khai lên án ông Donald Trump trong thời gian tranh cử.

Tình yêu nước và tham vọng cá nhân kết hợp với nhau đang thuyết phục rất nhiều người làm việc cho Tổng thống George W. Bush tin rằng họ nên gia nhập chính quyền khóa mới, cho dù rất nhiều người vẫn bảo lưu ý kiến đối với khả năng phán đoán và tính tình của ông Donald Trump.

Trong thời điểm đội ngũ chuyển tiếp của ông Donald Trump nỗ lực tìm chỗ đứng, một số nhân vật có thể được chọn cho biết họ đang chờ và quan sát, xem Tổng thống đắc cử bổ nhiệm ai làm Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Cố vấn an ninh quốc gia, sau đó quyết định bản thân có nên nhận lời mời hay không.

Thượng nghị sĩ Bob Corker bang Tennessee. Ảnh: Washington Times
Thượng nghị sĩ Bob Corker bang Tennessee. Ảnh: Washington Times

Ứng cử viên cho các chức vụ quan trọng trên được chọn lựa từ những người trung thành với ông Donald Trump và các nhân vật làm chính trị chuyên nghiệp; ứng cử viên cho chức đầu tiên gồm cựu thị trưởng New York, ông Rudolph Giuliani, cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc John Bolton.

Ứng cử viên cho chức sau gồm có Thượng nghị sĩ Bob Corker của bang Tennessee và cựu cố vấn an ninh quốc gia Stephen Hadley.

Một cựu quan chức cho biết: "Đối với rất nhiều người, quan trọng có thể là họ bổ nhiệm ai làm chức vụ cấp cao. Để ông Newt Gingrich hay John Bolton làm Ngoại trưởng, để ông Bob Corker hay ông Stephen Hadley làm Cố vấn an ninh quốc gia là chuyện rất khác nhau".